Trầm cảm sau sinh - Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng bệnh

(Baonghean.vn) - Phụ nữ được tạo hóa ban cho thiên chức làm mẹ, điều đó thật thiêng liêng và đáng tự hào đối với nữ giới chúng ta. Nhưng kèm theo thiên chức đó là những bệnh lý gặp phải liên quan đến thời kỳ sinh đẻ. Một trong những bệnh lý đó là bệnh trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ngoài những ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ, nó còn là nguyên nhân dẫn đến những hành vi xấu, thậm chí là tự tử. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

1. Biểu hiện của chứng trầm cảm:

Nếu bạn thấy những biểu hiện của trạng thái buồn chán sau sinh kéo dài trên hai tuần cùng với những biểu hiện:

- Thích ở một mình, ngại giao tiếp: Thường chỉ thích ở trong phòng một mình, không thích đến nơi đông người, thậm chí không muốn nói chuyện với ai.

- Nghiện mạng xã hội, không thích nói chuyện trực tiếp: Các trường hợp này khi ở trên mạng xã hội sẽ nói nhiều nhưng ra cuộc sống bên ngoài thì hoàn toàn thu mình lại.

- Thường xuyên có cảm giác buồn chán, ủ dột: Cảm giác này diễn ra liên tục và kéo dài khoảng vài tuần trở lên.

- Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi: Ngay cả khi không làm việc nặng, chỉ ngồi một chỗ, người bệnh vẫn rơi vào trạng thái uể oải, thiếu sức sống.

- Mất tập trung, không muốn làm việc: Không chỉ là do sức khoẻ, người bệnh còn mất hết hứng thú làm việc, không muốn động vào bất kì việc gì.

- Bi quan, tự cảm thấy bản thân vô dụng hay mắc tội lỗi nào đó: Cảm giác mất hết niềm tin vào mọi chuyện trong cuộc sống.

- Dễ nổi nóng, cáu gắt: Những người mắc trầm cảm thường rất dễ nổi giận vô cớ với người khác hay những sự việc rất nhỏ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

- Hay có cảm giác lo âu, bất an: Sự lo âu này thường xuất phát từ những điều rất vô lý, thậm chí là không có thật, chỉ do người bệnh tự tưởng tượng ra.

- Mất ngủ hoặc ngủ rất nhiều: Sự thay đổi đột ngột trong lối sống và sinh hoạt này cũng là dấu hiệu của trầm cảm và nó cũng là nguyên nhân dẫn đến các hệ quả tiếp theo về sức khoẻ cũng như tâm lý.

- Không còn hứng thú với các sở thích của mình nữa: Không còn bất kì sự quan tâm nào với những sở thích của mình trước đây.

- Chán ăn hoặc trở nên ăn uống vô độ: Dẫn đến tình trạng giảm cân đột ngột hoặc cân nặng tăng ngoài tầm kiểm soát.

- Nghĩ đến cái chết: Dấu hiệu này không hề hiếm, gần như xảy ra ở một nửa số người mắc bệnh trầm cảm.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa.

- Thay đổi nội tiết tố: Nghiên cứu của các nhà khoa học Úc đã chỉ ra, sự gia tăng hormone estrogen và progesterone trong thời gian mang thai ảnh hưởng đến sự phát triển của những bộ phận quan trọng nhất trong hệ thần kinh trung ương của người phụ nữ. 

Lượng estrogen trong thời kỳ mang thai có thể cao hơn gấp vài trăm lần so với mức bình thường, từ đó thay đổi tạo hình thần kinh của não bộ hay sự tái sinh của tế bào thần kinh, khiến nữ giới trở nên hay quên, ngại tiếp xúc. 

Ngoài ra, sự thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch, hormone tuyến giáp giảm nhanh chóng cũng khiến cho nữ giới dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, tâm sinh lý thay đổi bất thường, trầm cảm...

- Sau khi sinh, người phụ nữ cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về cơ thể lẫn tâm lý: Những đau đớn phải trải qua do quá trình sinh con, thậm chí phải mổ đẻ có thể kéo dài một vài tuần sau sinh. Những vấn đề về tâm lý như khi con ra đời, cơ thể mất đi một trọng lượng đáng kể, các bà mẹ thường cảm thấy người mình trở nên xấu xí và không còn sự hấp dẫn nữa. Họ thường phải thay đổi về cách sống để chăm sóc con, đặc biệt đối với những người lần đầu làm mẹ. Họ thường quá lo lắng về trách nhiệm làm mẹ của mình.

- Những yếu tố nguy cơ của trầm cảm sau sinh là những người có tiền sử bị trầm cảm thì bệnh thường dễ tái phát sau sinh, những sự kiện stress trong quá trình mang thai hoặc trong quá trình sinh con như là khó khăn trong khi sinh, con khi sinh ra gặp phải những vấn đề về sức khỏe, đẻ non, hoặc ốm trong quá trình mang thai. Những phụ nữ có những cuộc hôn nhân không hạnh phúc hoặc không có sự giúp đỡ của gia đình, xã hội thì nguy cơ trầm cảm rất là cao.

Trầm cảm ở mẹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với con?

Những trẻ có mẹ bị trầm cảm sau sinh có thể có những ảnh hưởng sau:

- Những vấn đề về hành vi: Những đứa trẻ này có xu hướng có những hành vi bất thường, ví dụ như những vấn đề về giấc ngủ, hành vi dễ bùng nổ, kích động và tăng hoạt động.

- Chậm trong việc phát triển nhận thức: Những đứa trẻ này thường chậm trong phát triển về nhận thức, chậm nói, chậm đi hơn những trẻ khác. Chúng cũng có thể gặp những khó khăn trong học tập cùng những vấn đề khác khi ở trường.

- Những vấn đề về xã hội: Những đứa trẻ này  thường gặp khó khăn trong các mối quan hệ tại trường học, với bạn bè cùng lứa tuổi, trẻ thường thu rút những mối quan hệ xã hội hoặc có những cách cư xử bất bình thường.

- Những vấn đề về cảm xúc: Những đứa trẻ này thường có lòng tự tin thấp, dễ lo âu và sợ hãi, bị động hơn những trẻ khác, thường hay phụ thuộc và có nhiều nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Cách phòng tránh trầm cảm sau sinh

Đối với bản thân người mẹ:

Hãy nhớ rằng bạn luôn là người mẹ tốt nhất cho con của mình. Ảnh minh họa.
Hãy nhớ rằng bạn luôn là người mẹ tốt nhất cho con của mình. Ảnh minh họa.

- Tránh làm việc, học tập quá sức... Sau một ngày mệt mỏi, các bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Vào cuối tuần, hãy ra ngoài gặp gỡ bạn bè, tham gia các hoạt động tập thể.

- Dành thời gian cho các sở thích của mình.

- Không nên "giam mình" trong "thế giới ảo" mà hãy ra ngoài trò chuyện, tâm sự với mọi người nhiều hơn.

- Thường xuyên vận động, luyện tập cũng là cách để đề phòng bệnh trầm cảm.

- Cố gắng tìm cho mình một giấc ngủ. Gắng đi ngủ sớm hơn nếu bạn phải thức dậy nửa đêm cho bé bú. Nên ngủ buổi trưa dù chỉ 30 phút.

- Nói chuyện và chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia tâm lý để trút bỏ những cảm giác mệt mỏi trong người.

- Nên hỏi bạn bè và gia đình về kinh nghiệm chăm sóc em bé của họ.

- Hãy nhớ rằng bạn luôn là người mẹ tốt nhất cho con của mình, đừng bao giờ so sánh mình hay con mình với người khác, đừng để áp lực đè nặng lên đôi vai của bạn.

Vai trò của người thân:

Ngoài việc người mẹ chú ý đến bản thân, những người thân cũng nên quan tâm hơn đến phụ nữ sau sinh. Đôi khi, chính những người trong cuộc không thể biết được mình đang mắc bệnh trầm cảm nên sự quan tâm của mọi người là hết sức cần thiết. 

Có thể nói, trong giai đoạn nhạy cảm này, vai trò của người chồng chiếm vị trí rất quan trọng. Rất nhiều ông chồng nghĩ rằng, chỉ cần cung cấp vật chất cho vợ là đủ mà không hề nhận thức được sự quan tâm, chia sẻ bằng hành động và lời nói động viên có thể giúp người vợ tránh được nguy cơ trầm cảm.

Phụ nữ sau sinh cần sự quan tâm, chia sẻ của người chồng. Ảnh minh họa.
Phụ nữ sau sinh cần sự quan tâm, chia sẻ của người chồng. Ảnh minh họa.

Hơn ai hết, người chồng, gia đình, người thân… cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kì hậu sản, để có thể tránh được những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra:

- Quan tâm, chia sẻ, trò chuyện với "mẹ bỉm sữa" một cách nhẹ nhàng.

- Luôn giữ cho các mẹ tâm trạng ổn định, tinh thần thoải mái, không trách mắng hay la hét khi họ làm sai.

- Chú ý đến chế độ ăn ngủ, sinh hoạt hợp lý cho người mới sinh.

Trong trường hợp nặng, bạn đừng ngại ngần đưa bệnh nhân đi gặp bác sĩ tâm lý trước khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Hoa Lê

(Tổng hợp) 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới