Yên Thành chú trọng việc xử lý rác thải bảo vệ thực vật trên đồng ruộng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Là một trong số các địa phương được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên đồng ruộng, cùng sự hỗ trợ của tỉnh, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phát huy hiệu quả chương trình này.

Nâng cao ý thức người dân

Ra đồng thu hoạch lúa hè thu, chị Nguyễn Thị Hoa, xóm 3 xã Viên Thành (Yên Thành) vẫn tranh thủ thu gom mấy cái vỏ túi đựng thuốc bảo vệ thực vật ai đó vứt bừa gần mương nước. ”Trước đây chưa có bể chứa thì hầu hết bà con vứt ngay trên bờ, không mấy ai gom vào túi mô. Nhưng mấy năm nay, cứ cách một đoạn lại có bể chứa, rất ít người còn vứt bừa bãi thế này. Hầu hết chúng tôi gom lại, vừa sạch đẹp đồng, vừa đỡ ô nhiễm nguồn nước; chứ thuốc sâu, thuốc cỏ độc lắm”, chị Hoa vui vẻ cho hay.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Viên Thành, Yên Thành thu gom vỏ túi thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa. Ảnh: Phú Hương

Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Viên Thành, Yên Thành thu gom vỏ túi thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa. Ảnh: Phú Hương

Năm 2017, huyện Yên Thành được hỗ trợ xây dựng hệ thống bể chứa thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, và xã Bắc Thành cũng là một trong những địa phương được đầu tư trang bị. Toàn xã có 280 ha lúa, trước đây mỗi năm vài đợt, Bắc Thành chỉ đạo, huy động đoàn thanh niên ra quân thu gom rác thải bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Được đầu tư xây dựng đủ số bể chứa theo yêu cầu, tình hình thu gom rác thải đã được cải thiện đáng kể.

Ông Lê Văn Thùy, Chủ tịch UBND xã Bắc Thành cho biết: ”Sau khi có bể chứa, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, người dân cũng có ý thức thu gom rác thải chứ ít vứt bừa bãi trên bờ ruộng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là do bể được để cạnh các lối đi lại, các loại máy gặt, máy cày đi qua không cẩn thận làm va quệt, số bể bị vỡ đã khá nhiều nhưng xã không cân đối được kinh phí để xây dựng lại.Vì thế, hiện xã phải khuyến cáo người dân tự bỏ các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong các túi nilon, tập trung mỗi xứ đồng vài điểm để thỉnh thoảng huy động lực lượng đoàn thanh niên đi thu gom”.

Xã Khánh Thành có hơn 313 ha lúa, và trong kế hoạch, năm nay Khánh Thành cũng là một trong những địa phương được đầu tư xây dựng bể chứa rác thải bảo vệ thực vật. Gia đình có 5 sào ruộng, mỗi vụ lúa, ông Nguyễn Văn Bắc, xóm 5 xã Khánh Thành phải phun ít nhất là 3 đợt thuốc bảo vệ thực vật. ”Đủ loại sâu bệnh phải phun trừ, từ ốc bươu vàng, bọ trĩ, thuốc diệt cỏ, chưa kể cây lúa còn thường bị thêm bệnh lem lép, khô vằn, những vụ sâu bệnh hại nhiều, tôi phun 4- 5 đợt thuốc”, ông Bắc nói.

Các đối tượng sâu bệnh hại thường xuyên xuất hiện trên cây lúa, đòi hỏi phòng trừ. Ảnh: Phú Hương

Các đối tượng sâu bệnh hại thường xuyên xuất hiện trên cây lúa, đòi hỏi phòng trừ. Ảnh: Phú Hương

Là vùng chuyên canh lúa, nên người dân ở đây rất quan tâm đến phòng trừ sâu bệnh hại, đi kèm đó là lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như lượng rác thải sau khi sử dụng cũng nhiều theo. Bởi vậy, từ trước đến nay, vào mỗi đợt ”cao điểm” sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xã lại đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con phun xong thì bỏ bao bì vào túi nilon, đưa đến bỏ vào hố rác tập trung tại các xứ đồng; ngoài ra mỗi năm vài ba đợt, đoàn thanh niên sẽ huy động đoàn viên đi thu gom rác thải trên đồng ruộng. Hiện công tác khảo sát đã xong, trong thời gian tới, khi hệ thống bể chứa được lắp đặt, xã Khánh Thành sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân thu gom rác vào bể chứa.

Với diện tích gieo trồng hàng năm trên 300 nghìn ha cây trồng các loại, mỗi năm Nghệ An “tiêu thụ” từ 300-400 tấn thuốc bảo vệ thực vật, thải ra đồng ruộng từ 25-30 tấn bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật các loại; trong khi đó, lượng thuốc còn sót lại trong bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ.

Riêng tại huyện Yên Thành, với diện tích hơn 44.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 13.200 ha đất lúa, tổng diện tích lúa chiếm tới trên 10% cả tỉnh, thì số lượng thuốc được sử dụng trên đồng ruộng là rất lớn; dịch hại trên cây lúa thường xuyên phát sinh, bà con buộc phải phòng trừ để bảo vệ sản xuất.

Gắn trách nhiệm chính quyền xã, xóm

Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, nếu đáp ứng đúng quy định, tổng lượng bể cần đặt tại vùng trồng lúa của huyện sẽ lên tới 4.400 bể. Tính đến tháng 3 năm nay, đã lắp đặt được 1.504 bể, như vậy trên địa bàn còn thiếu 2.896 bể. Thiếu bể chứa, nên người sản xuất sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã vứt bỏ bừa bãi bao bì, vỏ chai thuốc trên đồng ruộng.

Nhu cầu đầu tư các công trình trên địa bàn huyện là rất lớn, huyện chưa thể cân đối được nguồn vốn để đầu tư xây dựng bể chứa, thu gom rác thải bảo vệ thực vật sau sử dụng. Mặc dù biết là rất quan trọng nhưng vẫn phải dành ưu tiên cho các công trình trọng yếu giao thông, thuỷ lợi phục vụ đời sống dân sinh. Do đó, việc xây dựng các công trình này chủ yếu nhờ vào xã hội hoá và ngân sách tỉnh hỗ trợ

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành
Nông dân xã Long Thành bắc mạ cấy lúa. Ảnh: Phú Hương

Nông dân xã Long Thành bắc mạ cấy lúa. Ảnh: Phú Hương

Cùng với các huyện Đô Lương, Anh Sơn, Thanh Chương, Diễn Châu, năm 2017, huyện Yên Thành đã được đầu tư xây dựng 1.103 bể chứa rác thải bảo vệ thực vật sau khi sử dụng tại 10 xã. Trước nhu cầu thực tế của sản xuất, trong năm nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An sẽ tiếp tục xây dựng 1.112 bể tại 12 xã của huyện gồm Sơn Thành, Bảo Thành, Khánh Thành, Liên Thành, Lý Thành, Đồng Thành, Hùng Thành, Kim Thành, Quang Thành, Thọ Thành, Phú Thành và Tăng Thành.

Trong kế hoạch của huyện, để phát huy tốt hiệu quả hệ thống bể chứa này, sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc thu gom bao bì, rác thải, hạn chế phát tán hoá chất bảo vệ thực vật ra đồng ruộng, môi trường, bảo vệ cảnh quan, hướng tới xây dựng du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm chính quyền xã, xóm trong việc xử lý các trường hợp người dân cố tình không thực hiện theo đúng quy định của Luật Môi trường. Huyện cũng sẽ chỉ đạo các phòng, ngành liên quan để phối hợp các xã vận chuyển, xử lý rác thải bảo vệ thực vật đúng quy định.

Nông dân phun thuốc trừ sâu bệnh trên cây lúa hè thu. Ảnh: Phú Hương

Nông dân phun thuốc trừ sâu bệnh trên cây lúa hè thu. Ảnh: Phú Hương

Ngoài đầu tư xây dựng các bể chứa, giảm ảnh hưởng của tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật tới môi trường nông thôn mà trực tiếp là đất canh tác, nguồn nước và sản phẩm nông nghiệp; thì tuyên truyền bằng nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về vấn đề này cũng là vấn đề cần quan tâm. Qua đó, giúp người dân nhận thức được những tác hại ghê gớm của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đối với con người và cộng đồng, từng bước làm thay đổi thói quen vứt bỏ bừa bãi bao bì vỏ chai thuốc ra đồng ruộng.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: ”Cùng với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, sóng phát thanh truyền hình, dự kiến chúng tôi sẽ phối hợp với UBND các xã trên địa bàn huyện Yên Thành tổ chức 24 hội nghị tuyên truyền cho người dân về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật với 1.200 người tham gia; phát trên hệ thống loa phát thanh của xã các nội dung về ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật tới môi trường và sức khỏe cộng đồng; hướng dẫn công tác thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng”.

Tin mới