Yên Thành chú trọng xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi

(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi ở huyện Yên Thành chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, công nghệ xử lý chất thải… nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, hạn chế dịch bệnh, góp phần bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Anh Nguyễn Văn Thành tại trang trại lợn ở xã Tân Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường
Anh Nguyễn Văn Thành tại trang trại lợn ở xã Tân Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường

Ứng dụng khoa học, giảm thiểu ô nhiễm

Điển hình là trang trại lợn nái sinh sản của anh Nguyễn Văn Thành ở xã Tân Thành (Yên Thành) là một trong những trang trại quy mô gắn với bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Thành cho biết: Xác định muốn phát triển chăn nuôi bền vững, khâu bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Trang trại nuôi trên 3.000 lợn nái sinh sản, hàng tháng cung ứng, phục vụ trên 6.000 con giống cho cả địa bàn huyện Yên Thành và các huyện lân cận.

Quả thực, trang trại của anh Thành được quy hoạch khoa học, các chuồng lợn đều được xây dựng thoáng mát, có máy thông gió, hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn. Trang trại còn có đủ các thiết bị phục vụ các loại máy sát trùng và bơm phun cho lợn; cho lợn ăn theo hệ thống định lượng để đỡ sức lao động. Đặc biệt, trang trại còn chú trọng đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ hiện đại, tất cả đều được điều khiển tự động, hệ thống bể chứa biogas, với 4 ao lắng lọc trồng kín cây xanh. Nước thải sau khi xử lý đều tái sử dụng cho việc chăn nuôi, đảm bảo môi trường trong chăn nuôi.

Anh Nguyễn Văn Thành bên hệ thống xử lý nước thải được đầu tư hiện đại. Ảnh: Văn Trường.
Anh Nguyễn Văn Thành bên hệ thống xử lý nước thải được đầu tư hiện đại. Ảnh: Văn Trường.

Đại diện UBND xã Tân Thành cho biết: Trang trại lợn của anh Nguyễn Văn Thành là mô hình được các cấp lãnh đạo Trung ương, tỉnh, huyện đánh giá là điển hình trong phát triển chăn nuôi. Trang trại này tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Ngoài việc chăn nuôi giỏi, anh Nguyễn Văn Thành còn cung ứng con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn cho nhiều mô hình khác hiệu quả.

Tính đến thời điểm này, toàn xã Tân Thành có trên 300 hộ dân chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Trước đây, phần lớn bà con giữ thói quen chăn nuôi truyền thống, làm chuồng trại ngay trong phần đất của gia đình hoặc thả rông. Nhiều gia đình vì lợi ích kinh tế mà quên đi trách nhiệm đối với những người xung quanh, để chất thải chăn nuôi tác động và gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường sống.

Hệ thống bể chứa biogas để xử lý môi trường trong chăn nuôi tại trang trại lợn ở xã Tân Thành. Ảnh: Văn Trường.
Hệ thống bể chứa biogas để xử lý môi trường trong chăn nuôi tại trang trại lợn ở xã Tân Thành. Ảnh: Văn Trường.

Để khắc phục tình trạng này, xã Tân Thành đã chọn giải pháp triển khai xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa dân cư để bảo vệ môi trường. Hiện nay đã khuyến khích được hơn 10 hộ gia đình đầu tư trang trại chăn nuôi lợn, bò ở vùng xa dân cư. Đặc biệt, các mô hình trên đều đầu tư công nghệ xử lý có hệ thống bể chứa biogas với ao lắng lọc…

Tại địa bàn xã Văn Thành có trên 350 hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm với khá nhiều mô hình trang trại chăn nuôi quy mô được xây dựng tại các khu xa dân cư, đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Như trang trại bò của gia đình anh Nguyễn Văn Hoành ở xã Văn Thành (Yên Thành) được đầu tư hàng tỷ đồng, quy mô nuôi trên 20 con bò nằm cách biệt ở khu dân cư.

Hệ thống ao lắng lọc để xử lý môi trường tại trang trại lợn ở xã Tân Thành. Ảnh: Văn Trường.
Hệ thống ao lắng lọc để xử lý môi trường tại trang trại lợn ở xã Tân Thành. Ảnh: Văn Trường.

Để đảm bảo môi trường trong chăn nuôi, anh Hoành đã sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi bò bằng các nguyên liệu bao gồm: trấu, mùn cưa, vỏ lạc, xơ dừa, lõi ngô... có độ dày từ 30 - 40 cm; sử dụng chế phẩm EM phun đều lên nguyên liệu; đậy kín mặt bằng bằng bạt hoặc ny lon trong 1 tuần để đệm lót lên men vi sinh. Sau 6 tháng sử dụng có thể thay thế nền đệm lót tận dụng làm phân bón cho vườn dưa lưới và các loại cây trồng khác.

Được biết, trước đây, khi chưa sử dụng đệm lót sinh học, hằng ngày, gia đình anh Hoành phải mất khoảng 3- 4 tiếng để xịt rửa, gom chất thải của bò nhưng chuồng trại vẫn có mùi hôi. Nhưng sau khi sử dụng đệm lót, mỗi ngày chỉ cần 1 tiếng để san, đảo chất thải trên bề mặt đệm lót giúp sạch mùi hôi, khô ráo chuồng trại.

Cần giải pháp đồng bộ

Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết thêm: Yên Thành là huyện phát triển mạnh về chăn nuôi, toàn huyện hiện có 52 trang trại, trên 500 gia trại chăn nuôi, chưa kể là hàng chục ngàn hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ. Những năm qua, công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi ở Yên Thành đã từng bước được thay đổi. 

Để giải quyết triệt để tình hình ô nhiễm môi trường từ các hộ chăn nuôi, huyện Yên Thành tập trung triển khai các giải pháp: Khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng công nghệ xử lý môi trường, trong đó, nhiều hộ dân sử dụng công nghệ khí sinh học, xây dựng hầm biogas và chế phẩm sinh học EM; xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi là biện pháp mang lại hiệu quả lớn; xử lý bằng các chế phẩm sinh học EM đã và đang được thực hiện tốt trong chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ.

Hiện nay, huyện có 2 mô hình chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Thành ở xã Tiến Thành và Tân Thành được đầu tư xử lý môi trường trong chăn nuôi hiện đại, thiết kế chuồng trại khoa học phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của vật nuôi; có hệ thống vệ sinh, phòng dịch và quy trình xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường như sử dụng hệ thống hầm biogas, bể sục khí...

Mô hình chăn nuôi bò ở xã Bảo Thành. Ảnh: Văn Trường.
Mô hình chăn nuôi bò ở xã Bảo Thành. Ảnh: Văn Trường.

Thực hiện quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng chăn nuôi, gắn quy hoạch chăn nuôi với quy hoạch bảo vệ môi trường; kiên quyết không triển khai các dự án chăn nuôi mới không tuân thủ quy hoạch; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn để quản lý an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; xem xét lại loại hình chăn nuôi gia công cho nước ngoài (hoặc có hình thức áp thuế phù hợp) để đầu tư lại cho xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngoài việc xây dựng hầm biogas và chế phẩm sinh học EM trong chăn nuôi, huyện Yên Thành đang khuyến khích các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, tiến tới nền nông nghiệp sạch là phát triển mô hình kinh tế VAC. Cùng với đó, gắn kết chặt chẽ giữa trồng trọt với chăn nuôi, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa sử dụng ít phân bón hóa học. Đây cũng là một trong những mô hình dễ làm, ít tốn kém nhưng hiệu quả kinh tế cao.

Hộ chăn nuôi không còn lợn bán

Hộ chăn nuôi không còn lợn bán

Thay vì xuất bán lợn, ông Phạm Văn Thịnh (55 tuổi, ở Hà Nam) mua đàn lợn tầm 90 kg mỗi con về vỗ béo, hy vọng gỡ gạc chút đỉnh sau vụ dịch.

Tin mới