Yên Thành: Dân khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt

(Baonghean) - Hàng nghìn hộ dân ở huyện Yên Thành đang khốn đốn vì phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt suốt nhiều tháng qua. Nhiều năm trước, tin tưởng vào nhà máy nước, nhiều hộ dân đã phá bỏ giếng khoan, bể chứa nước… thì nay họ đang nghĩ đến việc bỏ nhiều triệu đồng để đào lại giếng.

Dân kêu trời

Vừa làm đồng về, bà Hoàng Thị Hoa (xã Xuân Thành, huyện Yên Thành) chạy qua hàng xóm xin nước sạch về dùng. Nhà có đến 6 người, bà Hoa phải lỉnh kỉnh với đống can nhựa trên xe suốt nhiều chuyến mới có đủ nước để dùng. “May nhờ hàng xóm có cái bể dự trữ lớn nên được nhờ. Nhưng xin mãi cũng phiền lắm, nhiều lúc cả nhà phải chấp nhận thiếu nước”, bà Hoa nói.

Không chỉ hộ bà Hoa, 6.000 hộ dân khác ở các xã Xuân Thành, Tăng Thành, Hoa Thành, Văn Thành và thị trấn Yên Thành cũng đang chịu cảnh tương tự suốt 3 tháng qua. Thiếu nước, cuộc sống của người dân dường như đảo lộn. Họ nói rằng, không biết còn chịu được cảnh này đến khi nào.

“Giếng đã phá bỏ, bể chứa không có. Trong khi đó nhà máy nước cũng như chính quyền địa phương không cho người dân biết tình trạng này khi nào mới chấm dứt. Chúng tôi quá khổ rồi. Có lẽ phải đào giếng, từ nay không mua nước của nhà máy nữa”, anh Nguyễn Trọng Hoàng (32 tuổi) nói.

Hệ thống vận hành máy bơm nước đang hoạt động cầm chừng.
Hệ thống vận hành máy bơm nước đang hoạt động cầm chừng.

Hơn 7 năm trước, cùng với nhiều hộ dân ở xã Xuân Thành và thị trấn Yên Thành, hộ anh Hoàng phá bỏ giếng máy để bắt nước sạch, mua của Nhà máy nước thị trấn Yên Thành. Anh Hoàng nói rằng, từ đó đến nay chưa bao giờ người dân nơi đây phải chịu đựng cảnh thiếu nước dai dẳng như vậy. Hai vợ chồng anh Hoàng suốt ngày quần quật ngoài đồng, các con đi học. Đến chiều tối, cả nhà lại phải đau đầu với nước. Dường như mọi vật dụng có thể chứa nước đều được anh Hoàng trưng dụng nhưng vẫn không đủ cho cả nhà dùng. “Khổ nhất là khi đang tắm dở thì bỗng dưng bị cắt nước. Người còn đầy xà bông chạy quanh xóm để xin một ít nước dự trữ để tắm cho xong. Đúng là cười ra nước mắt”, anh Hoàng ngao ngán. 

Không chịu được cảnh thiếu nước hàng tháng trời, anh Ngô Văn Cừ (32 tuổi, xã Xuân Thành) đã phải bỏ hơn 6 triệu đồng thuê thợ đến khoan giếng máy. Tuy nhiên, người dân nói rằng, ở vùng quê nghèo này, không phải gia đình nào cũng có tiền để khoan giếng như hộ anh Cừ. Bởi đó là số tiền lớn đối với những người nông dân như họ. “Để khoan giếng thì phải vay mượn tiền. Khoan xong rồi họ khắc phục được nước thì cũng phí tiền lắm”, bà Nguyễn Thị Hải (50 tuổi) nói. Khốn đốn vì thiếu nước, bà Hải cho rằng nhà máy nước cũng như chính quyền địa phương phải có trách nhiệm thông báo rộng rãi cho người dân tình trạng này đến bao giờ mới chấm dứt để họ tìm cách xoay xở. 

Cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm 

Xác nhận tình trạng thiếu nước kéo dài, ông Phan Duy Thanh - Giám đốc Nhà máy nước thị trấn Yên Thành cho biết đơn vị “lực bất tòng tâm”. Ông Thanh cho hay, nhà máy nước Yên Thành đi vào hoạt động từ năm 2009, nguồn nước lấy từ đập Bara Đô Lương. Đến nay nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 6.000 hộ dân ở 5 xã, thị trấn. Trong khi đó, tình trạng thiếu nước bắt đầu từ tháng 8 đến nay. 

Theo ông Thanh, nguyên nhân nhà máy cấp nước sinh hoạt không thường xuyên được cho người dân là do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc. Đây là dự án được Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư với tổng mức đầu tư là 5.705 tỷ đồng, trong đó có việc cải tạo nâng cấp Bara Đô Lương gồm 12 khoang với chiều dài 315,4m. 

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân Yên Thành diễn ra đã nhiều tháng nay.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân Yên Thành diễn ra đã nhiều tháng nay.

Ngoài ra, theo ông Thanh việc thiếu nước kéo dài là do thi công các tuyến đường giao thông nông thôn. Trong đó, bị ảnh hưởng nặng nhất là xã Xuân Thành. “Xã này đang làm đường vào chùa Gám. Tuy nhiên đến nay còn một hộ chưa giải phóng mặt bằng được. Vì vậy đường ống nước đến đó bị ngưng, trong khi đường ống cũ không dùng được vì đường mới làm lệch so với đường cũ”, ông Thanh giải thích.

Giám đốc nhà máy nước cho biết, trước đây nhà máy cho chạy 23 tiếng một ngày với công suất 23.000m3. Tuy nhiên, 3 tháng nay còn khoảng 800m3 một ngày. Để đối phó với tình trạng thiếu nước, đối với thị trấn Yên Thành, nhà máy quyết định cắt nước 14 tiếng mỗi ngày. Theo đó, hàng ngày người dân cũng như các cơ quan chức năng chỉ được cấp nước từ 12h30 trưa đến 22h30 tối. Đối với 4 xã, do nhu cầu sử dụng nước thấp hơn, nhà máy quyết định cứ 48 tiếng lại cắt 10 tiếng. “Tính trung bình ở các xã mỗi ngày có nước khoảng 5 tiếng. Có nơi bị ảnh hưởng nặng hơn thì trung bình 2 tiếng”, ông Thanh nói và cho hay không thể trả lời được tình trạng thiếu nước còn kéo dài trong bao lâu, bởi đơn vị phải phụ thuộc vào tốc độ của các dự án.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, do nguyên nhân khách quan, vì phải triển khai dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc. “Để phục vụ dự án thì phải cắt nước luân phiên. Trước khi triển khai, huyện cũng đã yêu cầu phía dự án khi đóng, mở nước phải ưu tiên huyện Yên Thành. Vì vậy, hiện nay họ thống nhất cứ 1 tháng thì cấp nước 10 ngày và cắt 20 ngày”. Khi được hỏi về trách nhiệm và động thái của chính quyền trong việc giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân, ông Tuyên cũng không đưa ra được câu trả lời về thời gian khắc phục tình trạng này và cho rằng còn phụ thuộc vào tốc độ dự án. “Có lẽ tình trạng này còn kéo dài đến ra năm…”, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành nói.

Nước đã khan hiếm còn bị vẩn đục.
Nước đã khan hiếm còn bị vẩn đục.

Như vậy, nhà máy nước, chính quyền địa phương chưa thực sự làm hết trách nhiệm của mình. Nước sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu hàng ngày, sau khi ký kết hợp đồng, nhà máy nước phải có nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu đó cho người dân chứ không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan và đưa ra câu trả lời chưa rõ về thời gian kéo dài tình trạng này. Trong khi trước đó, mỗi hộ dân đã phải bỏ ra từ 3 - 4 triệu đồng để đầu tư hệ thống đón nước, nhiều hộ đã lấp bể, lấp giếng nước khoan và mọi nguồn nước sinh hoạt đều trông chờ vào nước máy. 

Hơn nữa, nhà máy nước là đơn vị nắm rõ thời điểm thi công công trình, lịch cắt nước cũng như mức độ ảnh hưởng nhưng đã không chủ động có phương án thay thế. Trong trường hợp không có giải pháp khác thì đơn vị này và chính quyền địa phương phải thông báo rộng rãi cho người dân về khoảng thời gian dự kiến mất nước để họ nắm được tình hình. Trên thực tế, cả 2 vấn đề này đều không được giải quyết thấu đáo. Và rốt cục thì người dân hàng ngày phải sống trong cảnh khan hiếm nguồn nước mà chưa có giải pháp khả thi được đưa ra từ những người có trách nhiệm. 

Tiến Hùng - Phương Thảo
 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới