Yên Thành: Kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới là sản phẩm của toàn dân, toàn hệ thống chính trị

(Baonghean.vn) - Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Yên Thành là sản phẩm của toàn dân, toàn hệ thống chính trị. Với bước đi, cách làm phù hợp, tập trung tư tưởng, nhân lực, vật lực huyện đã về đích sau 10 năm phấn đấu.

Cách đây 10 năm, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, do xuất phát điểm còn thấp, nên Yên Thành gặp nhiều khó khăn trong tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức, hành động của cán bộ và nhân dân. Song địa phương xác định thuận lợi lớn nhất là có nhiều người tham gia thực hiện, chủ thể chính là nhân dân. Vì vậy, ngay từ đầu, huyện xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo là quan trọng nhất, nếu cách làm không phù hợp, không quyết liệt thì không thể thành công.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm tra cánh đồng mẫu lớn tại huyện Yên Thành.  Ảnh: Thành Duy
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm tra cánh đồng mẫu lớn tại huyện Yên Thành. Ảnh: Thành Duy

Với nhận thức đó, trong suốt hành trình 10 năm qua, cả hệ thống chính trị huyện Yên Thành mà đứng đầu, trực tiếp là Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện luôn xác định nông thôn mới là mục tiêu hàng đầu. Bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020, Yên Thành mới chỉ có 7/38 xã đạt chuẩn NTM; trong khi theo tiêu chí mới thì huyện phải có 100% số xã về đích, đồng thời thực hiện hoàn thành 10 chỉ tiêu của huyện NTM để có thể về đích vào năm 2020.

5 năm qua, Yên Thành đã bước được một bước tiến dài trên chặng đường xây dựng NTM.

Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, sâu sát, kịp thời của Trung ương, tỉnh, cùng quyết tâm chính trị cả của hệ thống chính trị và nhân dân huyện, chỉ trong vòng 5 năm qua, huyện Yên Thành đã bước được một bước tiến dài trên chặng đường xây dựng NTM. Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều giải pháp khác nhau, đặc biệt trên cơ sở phân tích hiện trạng đã xác định lộ trình về đích cho các xã phù hợp với điều kiện, tình hình; qua đó có cách làm, cách đầu tư phù hợp trên quan điểm kết quả đạt được phải thực chất, không để lại nợ đọng.

Lãnh đạo huyện thường xuyên về làm việc với cơ sở để bàn, chỉ đạo về nhiệm vụ xây dựng NTM, đặc biệt đối với từng xã xác định về đích trong năm nào thì năm đó Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy đều trực tiếp về làm việc 3 lần với mỗi xã để nắm bắt và chỉ đạo kịp thời; qua đó cũng chuyển tải thông điệp: huyện tập trung cả con người, sức lực vào đó, chứ không phải “khoán trắng” cho xã làm NTM. Thấy được sự quan tâm, động viên kịp thời, hệ thống chính trị các xã vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm cao hơn; tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay triển khai các nhiệm vụ và tập trung thực hiện.

Áp dụng công nghệ cao sản xuất rau sạch ở Yên Thành. Ảnh: Thái Dương
Áp dụng công nghệ cao sản xuất rau sạch ở huyện Yên Thành. Ảnh: Thái Dương

Huyện cũng tập trung chỉ đạo các xã còn lại có lộ trình về đích sau, chứ không vì tập trung cao độ vào địa phương này mà “lơ là” chỉ đạo ở địa phương khác. Cụ thể là, huyện Yên Thành đã giao cho các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chỉ đạo điểm; giao các phòng, ban bám từng chỉ tiêu NTM gắn với chức năng, nhiệm vụ tương ứng của mình để chỉ đạo và hướng dẫn xã thực hiện.

Bên cạnh đó, huyện Yên Thành xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp theo từng năm, từng giai đoạn, đồng thời với tổ chức lồng ghép tốt các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất. Ngay từ năm đầu triển khai chương trình, huyện đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế khen thưởng công trình phúc lợi cho xã đạt chuẩn NTM (200 triệu đồng/xã), hỗ trợ xi măng làm giao thông nông thôn xã miền núi 3 km, xã đồng bằng 2 km; hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, xây dựng các lò đốt rác thải. Đối với các xã khó khăn, miền núi ngoài chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết HĐND huyện, UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ thêm xi măng làm đường giao thông, hỗ trợ xã phấn đấu đạt tiêu chí xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu.

Kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM trên địa bàn huyện Yên Thành

Mỗi xã còn là một “mảnh ghép” quan trọng để góp phần hoàn thành 10 tiêu chí NTM của cấp huyện.

Cùng với đó, trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện có cách làm là đối với ngân sách do cấp trên hỗ trợ và toàn bộ ngân sách huyện đều dành để bố trí cho các xã xây dựng nông thôn mới. Ngân sách huyện hỗ trợ và giao cho xã làm chủ đầu tư công trình do xã lựa chọn gắn với mục tiêu cần đạt. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động trong việc huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân đồng thời góp phần nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện xây dựng NTM, cũng như trong các hoạt động khác ở cơ sở. Ở đây, huyện đóng vai trò điều phối, định hướng đảm bảo nguồn vốn được bố trí hợp lý đảm bảo mục tiêu không chỉ các xã về đích mà mỗi xã còn là một “mảnh ghép” quan trọng để góp phần hoàn thành 10 tiêu chí NTM của cấp huyện.

Bên cạnh đó, Yên Thành còn khai thác các yếu tố ngoại lực, nhất là về chính sách để qua đó có thêm nguồn lực đầu tư. Ví dụ, năm 2010 chỉ có một tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua địa bàn huyện với chiều dài 20 km thì đến năm 2019 có 3 tuyến đường quốc lộ, 6 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 180 km đi qua địa bàn huyện, các tuyến đường này được cấp trên đầu tư để nâng cấp.

Làm thủy lợi nội đồng. Ảnh: Hồ Các
Làm thủy lợi nội đồng. Ảnh: Hồ Các

Đặc biệt, nguồn lực hết sức quan trọng để xây dựng NTM chính là của nhân dân địa phương, doanh nghiệp và người Yên Thành xa quê. Do đó, ngay từ đầu, huyện xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; từ đó, tạo thống nhất về nhận thức, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đồng thuận của nhân dân, làm cho người dân xác định chính họ là vai trò chủ thể trong xây dựng NTM: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”.

Thành quả hôm nay của huyện Yên Thành có sự đóng góp rất lớn, rất quan trọng của nhân dân. 

Thành quả hôm nay của huyện Yên Thành có sự đóng góp rất lớn, rất quan trọng của nhân dân. Hầu như các hội quán thôn, xóm trên địa bàn huyện đều được xây dựng từ nguồn xã hội hóa hay khi thực hiện các tuyến đường giao thông, nhân dân đều đồng thuận hiến đất giải phóng mặt bằng... là minh chứng rất cụ thể.

Đồng chí Phan Văn Tuyên - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành. Ảnh Thành Duy
Đồng chí Phan Văn Tuyên - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành. Ảnh Thành Duy

Trong xây dựng NTM nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn. Do đó, huyện đã hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đến năm 2035, định hướng đến năm  2050 được UBND tỉnh phê duyệt. Từ đó, huyện Yên Thành đã cụ thể hóa vào trong chỉ đạo, thực hiện; tập trung liên kết với các doanh nghiệp đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị vào sản xuất, đặc biệt ưu tiên các mô hình sản xuất theo chuỗi, nông nghiệp công nghệ cao, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Thu hút và triển khai các dự án đầu tư vào huyện nhà để chuyển dịch lao động nông thôn và thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), khu vườn chuẩn nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới được xác định là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, không cho phép tâm lý chủ quan, tự mãn với kết quả đã đạt được. Trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Yên Thành xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhất là phấn đấu có 27 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó, có 3 - 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Mục tiêu đến năm 2028 trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, làm nền tảng để đến năm 2030 đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong quá trình xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của huyện Yên Thành năm sau cao hơn năm trước: Năm 2010 đạt 13,92 triệu đồng/người/năm; năm 2015 đạt 26,075 triệu đồng, đến năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm, trong đó, thu nhập khu vực nông thôn đạt 42,43 triệu đồng/người/năm, tăng so với 2010 là 28,51 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo các năm từ 9,42% năm 2010 xuống còn 1,92% đến cuối năm 2019, thấp hơn bình quân chung của tỉnh 2,08%.

Một góc nông thôn mới Yên Thành. Ảnh: Thái Dương
Một góc nông thôn mới huyện Yên Thành. Ảnh: Thái Dương

Tin mới