Yên Thành: Khánh thành công trình phục hồi đền Nhà Quan

(Baonghean.vn) - Việc phục hồi di tích Đền Nhà Quan nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con địa phương; giáo dục thế hệ con cháu về truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, vừa trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn thu hút du khách thập phương đến với Yên Thành.
Ngày 28/11, xóm Tây Phú cùng con cháu các dòng họ tại xã Khánh Thành, huyện Yên Thành phối hợp tổ chức lễ khánh thành Đền Nhà Quan. Về dự có đại diện các nhà khoa học Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Lịch sử Việt Nam. Về phía lãnh đạo huyện có các đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Bí thư huyện ủy; Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện, đại diện các ban, ngành cấp huyện.
Đền Nhà Quan tọa lạc tại làng Phú Ninh, tổng Vân Tụ, huyện Đông Thành, nay thuộc làng Phù Ninh xã Khánh Thành, huyện Yên Thành được xây dựng để thờ Thám hoa Phan Thúc Trực; phối thờ Tướng công Phan Hàm Mậu và Quan đô đốc Đào Trung Lao.
Phan Thúc Trực hiệu là Hành Quý, Bồ Phong Cẩm Đình, Dưỡng Hạo Hiên, là một Thám hoa triều Nguyễn. Ông cũng là một nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà địa lý học trong lịch sử Việt Nam. 

Ông sinh ngày 12 tháng 2 năm 1808, mất ngày 13 tháng 10 năm Tự Đức thứ 5 (1852), là người ở làng Phú Ninh, tổng Vân Tụ, nay thuộc xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Dòng họ ông có 7 đời đăng khoa. Cha ông là Phan Vũ, là một Tú tài có tiếng hay chữ và đạo đức.

Năm 16 tuổi, Phan Thúc Trực đỗ đầu xứ trong kỳ khảo hạch "tiến ích" của tỉnh, được mệnh danh là thần đồng. Năm 17 tuổi, ông thi đậu Tú tài khoa Ất Dậu (1825) tại trường thi Nghệ An.

Theo tài liệu khảo cứu, Đền Nhà Quan không chỉ là nơi thờ phụng các vị thần có công với dân với nước mà nơi đây còn diễn ra nhiều sự kiện quan trọng gắn liền với lịch sử địa phương như làm xưởng cơ khí sản xuất vũ khí đạn dược; nơi mở lớp học của Quân ủy Trung kỳ và là nơi diễn ra các kỳ lễ trọng.
Đền Nhà Quan xã Khánh Thành – Yên Thành.
Đền Nhà Quan xã Khánh Thành, huyện Yên Thành.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương và con cháu 3 dòng họ, Đền Nhà Quan đã được nghiên cứu kiến trúc và lập hồ sơ, phương án phục hồi. Sau 10 năm nghiên cứu, triển khai phương án phục dựng, công trình được hoàn thành sau 18 tháng thi công.
Đến nay, Đền Nhà Quan được phục dựng trên diện tích hơn 2.000m2, hoàn thiện với lối kết cấu kiến trúc hình chữ Công, có giá trị nghệ thuật và tính khoa học cao. Đền ngoảnh mặt hướng Nam, vừa có kiến trúc đình, đền, vừa toát lên vẻ lộng lẫy nguy nga, kết hợp với các ánh sáng và các thiết bị hiện đại. Các hạng mục công trình được bố trí đăng đối gồm cổng Tam Quan, nhà Bái Đường và Hậu cung và một số hạng mục phụ trợ nhằm tôn tạo cảnh quan, khuôn viên xung quanh di tích. Các hạng mục đều được phục hồi lại kiến trúc như nguyên trạng.
Cắt băng khánh thành Đền Nhà Quan.
Cắt băng khánh thành Đền Nhà Quan.
Dịp này, các nhà khoa học còn khảo cứu, ban hành được nhiều bộ sách giá trị, là nguồn tư liệu quý về cụ Thám hoa Phan Thúc Trực.
Việc phục hồi di tích Đền Nhà Quan nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con địa phương; giáo dục thế hệ con cháu về truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, vừa trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn thu hút du khách thập phương đến với Yên Thành.
Dịp này, Ban tổ chức cũng đã trao thưởng cho 10 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh của Trường THPT Phan Thúc Trực và 26 em học sinh giỏi của Trường THCS xã Khánh Thành./.

Tin mới