Yên Thành nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sau khi được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Yên Thành đang tiếp tục tiếp tục phát huy nội lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân để xây dựng NTM nâng cao, theo đúng lộ trình sẽ về đích trong năm 2025.
Quê hương Yên Thành ngày càng khởi sắc. Ảnh: PV
Quê hương Yên Thành ngày càng khởi sắc. Ảnh: PV

Toàn dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới nâng cao

Về xã Bắc Thành, Yên Thành dịp này thấy được sự đổi thay đến ngỡ ngàng, cuộc sống của người dân ngày càng đi lên, cơ sở hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ.

Ông Lê Văn Thùy - Chủ tịch UBND xã Bắc Thành cho biết: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đã bám sát các nội dung, tiêu chí đặt ra, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao của xã đã cụ thể hóa và ban hành những cơ chế phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Về phát triển kinh tế, xã chú trọng đầu tư có trọng điểm vào sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, như khai thác tiềm năng để trồng rừng, trồng cây dược liệu, phát triển kinh tế trang trại, dịch vụ thương mại.

Hệ thống đường giao thông ở xã Bắc Thành, Yên Thành được xây dựng đồng bộ, đang xây dựng hệ thống điện chiếu sáng và lề đường. Ảnh: Văn Trường
Hệ thống đường giao thông ở xã Bắc Thành, Yên Thành được xây dựng đồng bộ, đang xây dựng hệ thống điện chiếu sáng và lề đường. Ảnh: Văn Trường

Hiện tại xã đang tập trung xây dựng các công trình trọng điểm góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đã lắp đặt 200 cột điện sáng cao áp, trên các tuyến đường xã, xóm. Thi công đường nguyên liệu sắn 3,2 km, trị giá 18,5 tỷ đồng, đường Khai Sơn dài 1 km trị giá 3,2 tỷ đồng, đường giao thông các xóm dài 3,3 km trị giá 1,9 tỷ đồng. Xây dựng trạm y tế giá trị 25 tỷ đồng, lắp đặt các dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời.

Xã đang thu hút nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm giày dép với quy mô dự kiến 9,9 ha, phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2022. Ngoài ra các xã nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới nâng cao năm 2022 đang tích cực nâng cao các tiêu chí như xã Hồng Thành, Thọ Thành, Tiến Thành…

Trạm y tế xã Bắc Thành đang thi công với quy mô lớn nhất huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường
Trạm y tế xã Bắc Thành đang thi công với quy mô lớn nhất huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Để giữ vững các tiêu chí và xây dựng NTM nâng cao, các xã trên địa bàn huyện Yên Thành vận động nhân dân cùng đồng thuận hưởng ứng đóng góp tiền của, hiến đất, ngày công lao động để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Khuyến khích bà con nhân dân thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, phát triển du lịch sinh thái. Đến nay huyện đã có 14 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, có 17 vườn chuẩn được công nhận.

Yên Thành còn xây dựng 23 mô hình sản xuất lúa ở 21 xã với tổng diện tích gần 1.700 ha, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất trên các lĩnh vực như giống, quy trình canh tác, cơ giới hóa, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được đẩy mạnh; phát triển sản phẩm sạch từ nhà lưới, nhà màng; quan tâm xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm…

Mô hình nuôi thỏ nâng cao thu nhập xã Minh Thành, Yên Thành. Ảnh: Văn Trường
Mô hình nuôi thỏ nâng cao thu nhập xã Minh Thành, Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Phấn đấu về đích đúng lộ trình

Theo lộ trình, huyện Yên Thành sẽ phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Thường trực Huyện ủy Yên Thành đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện, lãnh đạo các xã đăng ký về đích NTM nâng cao trong năm. Huyện ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ và các tổ chức đoàn thể cấp huyện đã tập trung nghiên cứu, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chương trình.

Ban hành các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ, Ban chỉ đạo; HĐND huyện ban hành cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình theo Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 18/12/2020; UBND huyện ban hành các kế hoạch, chương trình hành động.

Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, phụ trách các cụm điểm để hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch, lộ trình. Trực tiếp làm việc với từng xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Lãnh đạo huyện Yên Thành đi kiểm tra tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Văn Trường
Lãnh đạo huyện Yên Thành đi kiểm tra tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Văn Trường

Nhờ vậy mà trong năm 2021, huyện Yên Thành có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm các xã Hoa Thành, Tăng Thành, Sơn Thành, Long Thành, Tân Thành. Theo kế hoạch, trong năm 2022 huyện Yên Thành sẽ có 7 xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao gồm các xã, Bắc Thành, Đồng Thành, Xuân Thành, Nhân Thành, Hồng Thành, Thọ Thành, Tiến Thành.

Kết quả đánh giá theo bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, tại địa bàn huyện Yên Thành, số xã đã đạt 17-19 tiêu chí là 3 xã, đạt 7,89%, có 4 xã đạt 12-16 tiêu chí đạt, 10,53%, có 10 xã đạt từ 10-12 tiêu chí, đạt 26,32%; có 21 xã đạt từ 5-9 tiêu chí đạt 55,26%.

Ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Với mục tiêu đưa địa phương hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, huyện Yên Thành tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, về xây dựng nông thôn mới nâng cao, giúp nhân dân nhận thức đúng mục đích, nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới nâng cao, từ đó khơi dậy phong trào thi đua trong toàn dân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội. Kiện toàn Ban chỉ đạo, tổ giúp việc ban chỉ đạo từ huyện xuống cơ sở.

Nhà văn hoá xóm ở xã Tăng Thành được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Văn Trường
Nhà văn hoá xóm ở xã Tăng Thành được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Văn Trường

Huyện chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, chủ động nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cấp xã và cấp huyện đảm bảo bền vững.

Đẩy mạnh phát triển các làng nghề, phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng hàng hoá. Tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm gắn với dán tem truy xuất nguồn gốc, hướng đến xây dựng các sản phẩm chủ lực của huyện mang thương hiệu của tỉnh Nghệ An.

Huy động nguồn lực xã hội hóa, thu hút đầu tư, tăng mức hỗ trợ các nguồn vốn trực tiếp từ Chương trình cho các địa phương còn nhiều khó khăn. Đối với các xã phấn đấu đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ưu tiên bố trí nguồn vốn nhiều hơn để tạo điều kiện cho các xã hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch đề ra. Tổ chức tốt tiếp nhận xi măng theo cơ chế của UBND tỉnh, phân khai xi măng theo cơ chế của huyện để bê tông hóa giao thông nông thôn đảm bảo đúng kế hoạch.

Tin mới