Yên Thành phấn đấu xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Thành trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An

P.V: Là huyện thuần nông, dân số đông, diện tích lớn, có tới 39 đơn vị hành chính cấp xã, kinh tế nông thôn có điểm xuất phát thấp, thế nhưng sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Yên Thành đã có bước phát triển ngoạn mục, trở thành 1 trong 4 đơn vị cấp huyện ở tỉnh Nghệ An về đích nông thôn mới (NTM), trong đó có Sơn Thành là xã đầu tiên của tỉnh đạt xã nông thôn mới. Đồng chí có thể cho biết trong quá trình triển khai, BCH Đảng bộ huyện đã có những định hướng, giải pháp như thế nào để đạt được thành tích trên?

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Khi bắt đầu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, Yên Thành có điểm xuất phát tương đối thấp (năm 2010 bình quân toàn huyện đạt 6,81 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người 13,92 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao 9,42%), địa bàn rộng, đơn vị hành chính nhiều (39 đơn vị cấp xã, trong đó có 18 xã miền núi), quy mô sản xuất chủ yếu là sản xuất nhỏ, manh mún; tính bảo thủ, trì trệ, tự thỏa mãn vẫn còn. Trong khi đó chương trình này là một chương trình lớn, có nhiều điểm mới trong xây dựng phát triển khu vực nông thôn. Nên khi bắt đầu triển khai chương trình, một số người tỏ ra hoài nghi về nguồn lực ở đâu để thực hiện? Cách làm như thế nào? Khi nào thì mới về đích?. Đây được xem như một bài toán, thử thách năng lực lãnh đạo của cấp ủy và người đứng đầu các cấp.

Lãnh đạo huyện Yên Thành thăm nhà máy may ở xã Sơn Thành; mô hình sản xuất rau, quả công nghệ cao trong nhà lưới ở xã Tân Thành và khảo sát hiệu quả trồng đào phai tại xã Kim Thành.
Lãnh đạo huyện Yên Thành thăm nhà máy may ở xã Sơn Thành; mô hình sản xuất rau, quả công nghệ cao trong nhà lưới ở xã Tân Thành và khảo sát hiệu quả trồng đào phai tại xã Kim Thành.

Trước những vấn đề đặt ra, Đảng bộ Yên Thành đã tập trung tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức, hành động của cán bộ và nhân dân. Xem việc xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của cả hệ thống chính trị. Với quan điểm xây dựng NTM là món quà cho tương lai, Yên Thành đã đề ra các giải pháp với quyết tâm chính trị cao, tính tiến công mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện, và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Quá trình triển khai, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết các cấp đến các chi bộ cơ sở; Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể cấp huyện đã tập trung nghiên cứu, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình; ban hành các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ, Ban chỉ đạo; HĐND huyện ban hành Nghị quyết cơ chế hỗ trợ, UBND huyện ban hành các kế hoạch, chương trình hành động. Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phụ trách các cụm điểm để hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Thường trực Huyện ủy, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện trực tiếp làm việc với từng xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, các xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các xã khó khăn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể xây dựng nông thôn mới cho từng xã. Phân công các thành viên BCĐ xây dựng nông thôn mới phụ trách lĩnh vực, cụm, điểm thường xuyên bám sát để đôn đốc, chỉ đạo phong trào. Hàng quý, 6 tháng, Thường trực Huyện ủy lại làm việc với Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện để nghe tiến độ thực hiện, tháo gỡ khó khăn và đôn đốc thực hiện.

Các xã Lý Thành, Tiến Thành, Đại Thành, Kim Thành đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới.
Các xã Lý Thành, Tiến Thành, Đại Thành, Kim Thành đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới.

Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã lựa chọn 3 xã Sơn Thành, Phúc Thành và Nam Thành đại diện cho 3 vùng đồng bằng, vùng bán sơn địa, vùng miền núi khác nhau về điều kiện kinh tế – xã hội để làm điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Kết quả xã Sơn Thành được UBND tỉnh Nghệ An công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2013, là xã đầu tiên của tỉnh Nghệ An về đích; xã Nam Thành và Phúc Thành được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn NTM năm 2014. Từ kết quả thực hiện ở 3 xã, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã tổ chức rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện trên địa bàn toàn huyện.

Xác định nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của xây dựng NTM, huyện đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị vào xây dựng mô hình trên địa bàn huyện, nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc ưu tiên các mô hình sản xuất theo chuỗi, nông nghiệp công nghệ cao, tìm kiếm thị trường, hướng tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Thu hút và triển khai các dự án đầu tư vào huyện để chuyển dịch lao động nông thôn và thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển.

Cánh đồng lúa Yên Thành.
Cánh đồng lúa Yên Thành.

Từ đó, Chương trình xây dựng NTM được người dân đón nhận “như một luồng gió mới”; tạo sự phấn khởi, đồng tình ủng hộ trong nhân dân. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể từ cấp huyện đến xóm được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên. Niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền được nâng cao. Phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy lên thành cao trào. Người dân đã tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng, góp công, góp của cải tạo, nâng cấp đường giao thông, nhà văn hóa, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng vườn chuẩn NTM, xây dựng xóm, làng sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh.

Có thể nói, nhờ phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, sâu sát, quyết liệt, tổ chức chọn đúng điểm, đúng xã, đúng tiêu chí để phấn đấu, có trọng tâm với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, nên qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện Yên Thành đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt, an ninh trật tự xã hội được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, quy mô sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao. Xây dựng NTM đã làm thay đổi toàn diện nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện; quan trọng nhất là việc xây dựng NTM đã thực sự trở thành khát vọng của chính người dân.

Hiến đất và tài sản để làm đường giao thông nông thôn ở Bắc Thành; Ra quân làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng; Đường hoa ở xã Sơn Thành.
Hiến đất và tài sản để làm đường giao thông nông thôn ở Bắc Thành; Ra quân làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng; Đường hoa ở xã Sơn Thành.

P.V: So với mục tiêu đề ra, Yên Thành đã về đích NTM sớm hơn 1 năm. Đây là kết quả đáng khích lệ, được các đồng chí lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao, Yên Thành được xem như là một điển hình trong xây dựng NTM. Đồng chí có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình?

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Từ thực tiễn quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM ở Yên Thành, chúng tôi đã rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó, điều quan trọng nhất là tạo sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”, chủ trương muốn thành hiện thực thì phải hợp lòng dân. Quá trình thực hiện Chương trình phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự quan tâm của toàn xã hội. Nơi nào tổ chức cơ sở Đảng mạnh, vai trò người đứng đầu được phát huy, thì nơi đó phong trào sẽ được đẩy mạnh.

Thứ hai, phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, làm cho người dân xác định chính họ là vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xây dựng NTM phải đảm bảo thật sự dân chủ, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định và có sự giám sát của cộng đồng dân cư để đảm bảo công khai, minh bạch. Huy động sức dân nhưng phải biết khoan thư sức dân.

Thứ ba, xây dựng, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp theo từng năm, từng giai đoạn. Thực hiện tốt công tác thu hút nguồn lực, đồng thời với tổ chức lồng ghép tốt các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất để khuyến khích các địa phương thực hiện.

Thứ tư, lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, chọn mũi trọng tâm, khâu đột phá để tập trung lãnh đạo một cách quyết liệt nhất.

Lễ hội đền Đức Hoàng; Giải bóng chuyền các đội mạnh của huyện; Trường Tiểu học Bắc Thành được đầu tư khang trang.
Lễ hội đền Đức Hoàng; Giải bóng chuyền các đội mạnh của huyện; Trường Tiểu học Bắc Thành được đầu tư khang trang.

Thứ năm, làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ huyện xuống cơ sở, đến tận từng chi ủy, phát huy vai trò của người đứng đầu.

Thứ sáu, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời động viên, khích lệ cán bộ, nhân dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới.

P.V: Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Đảng bộ và nhân dân Yên Thành sẽ tập trung những nhiệm vụ gì để sớm đưa Yên Thành trở thành huyện NTM kiểu mẫu, thưa đồng chí ?

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xác định Chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện nhà, thực hiện một cách thường xuyên, liên tục và có điểm xuất phát nhưng không có điểm kết thúc. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các xã. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải xác định đây là Chương trình có tính chiến lược, là việc làm thường xuyên, lâu dài.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn; Thu hoạch cam ở xã Đồng Thành; Làng nghề làm miến gạo; Mô hình chăn nuôi ở xã Minh Thành; Trồng hoa cảnh ở thị trấn Yên Thành.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn; Thu hoạch cam ở xã Đồng Thành; Làng nghề làm miến gạo; Mô hình chăn nuôi ở xã Minh Thành; Trồng hoa cảnh ở thị trấn Yên Thành.

Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện NTM; xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao gắn với hoàn thành xã NTM kiểu mẫu; xây dựng huyện NTM kiểu mẫu có kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch không gian làng, xã Việt Nam; dựa trên nền các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện.

Phấn đấu xây dựng thành công huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2030 theo chủ đề “Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái đi đôi với phát triển du lịch sinh thái, tâm linh”, với mục tiêu cuối cùng là cuộc sống của người dân Yên Thành ngày một ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Một góc xã nông thôn mới Vĩnh Thành (Yên Thành). Ảnh: Sách Nguyễn
Một góc xã nông thôn mới Vĩnh Thành (Yên Thành). Ảnh: Sách Nguyễn