Yên Thành: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư

(Baonghean) - Đồng chí Nguyễn Tiến Lợi - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.
P.V: Xin đồng chí Chủ tịch cho biết về tiềm năng lợi thế của huyện để từ đó phát huy thu hút tốt đầu tư vào địa bàn?
Gia công hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Dũng Thủy, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành.
Gia công hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Dũng Thủy, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành.
Đồng chí Nguyễn Tiến Lợi: Yên Thành nằm ở phía Bắc tỉnh Nghệ An, cách Thành phố Vinh và Sân bay Vinh 60 km về phía Nam; cách Quốc lộ 1A 12 km về phía Đông; cách Ga Sy (ga đường sắt) 9 km về phía Đông, cách Cảng Cửa Lò 40 km về phía Đông Nam. Yên Thành là vùng đất khoa bảng (tiêu biểu có gia đình 3 thế hệ kế tiếp đỗ trạng nguyên thời phong kiến; nay hàng năm có hơn 2.000 học sinh đỗ vào các trường đại học, có nhiều giáo sư, tiến sỹ trên các lĩnh vực). Về lợi thế thu hút hành hương du lịch tâm linh, thì trên địa bàn có 198 di tích lịch sử - văn hóa (trong đó có 21 di tích Quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh); có nhà thờ Bảo Nham kiến trúc độc đáo ghép bằng các phiến đá cách đây hàng thế kỷ; là quê hương của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu. Về tự nhiên, Yên Thành có diện tích 54.829 ha; trong đó chủ yếu phát triển nông nghiệp 22.817 ha và lâm nghiệp 20.788 ha. Là huyện có trình độ thâm canh lúa, năng suất luôn đứng đầu tỉnh Nghệ An, trong những năm gần đây Yên Thành đã hình thành một số vùng cây ăn quả như cam, cây nguyên liệu dứa, mía. 
Yên Thành cũng có nhiều khoáng sản như đá xây dựng, mỏ đất sét, ngoài ra còn có khoáng sản quý hiếm như vàng, sắt, barits… để phát triển công nghiệp khai thác chế biến; 252 hồ đập gắn với hệ thống rừng đã khép tán là lợi thế về thu hút du lịch sinh thái. Yên Thành dồi dào nguồn lao động; lao động trong độ tuổi 15 trở lên có 10 vạn người, bình quân mỗi năm có 5.000 người bổ sung vào lực lượng lao động; lao động đang làm việc ở nước ngoài 10.300 người, còn lại lao động trong nước ở các vùng miền; tỷ lệ lao động qua đào tạo 45%; đây là nguồn nhân lực cho các dự án có sử dụng lao động trong và ngoài huyện. 
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương đang từng bước được cải thiện theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; các cụm công nghiệp đã từng bước hình thành; giao thông thuận lợi và cơ bản nhựa hóa, bê tông hóa; điện, nước thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất.
P.V: Đồng chí có thể cho biết kết quả thu hút đầu tư vào địa bàn trong thời gian qua và cơ chế, chính sách như thế nào để thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư?
Đồng chí Nguyễn Tiến Lợi: Thời gian qua Yên Thành đã thu hút được 2 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư. Đó là Công ty Globe Farm (Hàn Quốc) trồng chuối xuất khẩu tại xã Viên Thành 200 ha, sử dụng 300 lao động, vốn đầu tư 3 triệu USD và Công ty TNHH MLB TENERGY (Nhật Bản) may mặc hàng xuất khẩu, thuê 1,5 ha đất tại cụm công nghiệp thị trấn sử dụng 500 lao động, vốn đầu tư 3 triệu USD. Yên Thành đang ký biên bản ghi nhớ với 2 nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đầu tư tại cụm công nghiệp thị trấn 2 nhà máy may mặc, chế biến đồ gỗ cao cấp. Hiện có 6 doanh nghiệp lớn trong nước đang thuê đất đầu tư là nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty máy động lực & máy nông nghiệp Việt Nam tại Cụm Công nghiệp Công Thành A, quy mô 7 ha, 200 lao động, vốn đầu tư 4 triệu USD; Tập đoàn sữa TH thuê đất rừng trồng cây dược liệu tại các xã Lăng Thành, Mã Thành, Tân Thành, Kim Thành diện tích hơn 1.000 ha, vốn đầu tư 10 triệu USD; Công ty BMC (thuộc Bộ Công Thương), thuê 15 ha đất để sản suất gạch tuynel xây dựng tại xã Sơn Thành sẽ tạo việc làm cho 250 lao động, vốn đầu tư 7 triệu USD; Công ty cổ phần Tây Nghệ Yên Thành xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel tại cụm công nghiệp Cửa Nương – Đồng Thành, 10 ha, sử dụng 150 lao động, vốn đầu tư 1,5 triệu USD; Công ty cổ phần phân phối khí đốt gas Thủ Đức chế biến viên gỗ xuất khẩu và Công ty cổ phần Xây dựng & Dịch vụ hợp tác Việt - Lào thuê 500 ha đất trồng rừng. Ngoài ra, còn có hơn 10 công ty trong huyện hoạt động các lĩnh vực sản xuất phân vi sinh và khai thác khoáng sản và các điểm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tại nhiều xã.
Về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, ngoài những cơ chế chung của tỉnh Nghệ An hiện nay rất thông thoáng, lãnh đạo huyện Yên Thành cam kết đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Đó là phối hợp nhà đầu tư để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục thuê đất trình cấp thẩm quyền phê duyệt; giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư; phối hợp nhà đầu tư tuyển dụng lao động, đào tạo nghề cơ bản ban đầu, sau đó chuyển giao cho nhà đầu tư đào tạo nâng cao; xây dựng hạ tầng: điện, giao thông, nước sạch, thoát nước… đến chân công trình và đảm bảo an ninh trật tự cho nhà đầu tư hoạt động.
Huyện luôn xác định thu hút đầu tư là một hướng đột phá nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, thu hút được nguồn vốn về đầu tư cho quê hương, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Yên Thành thời gian qua đã chú trọng và dành sự quan tâm đặc biệt để tuyên truyền quảng bá về tiềm năng lợi thế, kêu gọi các nhà đầu tư ngoại tỉnh vào đầu tư. Huyện đã sớm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nghề cho người lao động, xây dựng các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự; thực hiện xúc tiến đầu tư thông qua hội nghị gặp gỡ giới thiệu cơ hội đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương; thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư khi họ quyết định đầu tư tại Yên Thành nên đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, quyết tâm của lãnh đạo huyện và các ban, ngành trên địa bàn, Yên Thành sẽ là địa chỉ tin cậy hàng đầu đối với các nhà đầu tư.
P.V: Được biết Yên Thành thời gian vừa qua đã quy hoạch được một số cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Xin đồng chí cho biết rõ hơn vấn đề này?
Đồng chí Nguyễn Tiến Lợi: Huyện đã quy hoạch và đầu tư hạ tầng một số cụm công nghiệp tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và đang kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp này, như Cụm công nghiệp thị trấn (tại Thị trấn Yên Thành, diện tích 20 ha), là cụm công nghiệp được hưởng cơ chế đầu tư của Chính phủ, thu hút các dự án sản xuất theo công nghệ sạch như may xuất khẩu, lắp ráp điện tử; sửa chữa ô tô, xe máy...; Cụm công nghiệp Cửa Nương – xã Đồng Thành (diện tích 25 ha) mục tiêu thu hút các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản, hiện nay đã có các doanh nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng như: đá hộc, đá 4x6, đá 1x2, đá 0,5, sản xuất gạch, ngói; Cụm công nghiệp tại xã Sơn Thành, diện tích 30 ha, nằm cạnh Tỉnh lộ 534 được quy hoạch bố trí các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng gạch tuynel; Cụm công nghiệp Tràng Kè – xã Mỹ Thành (diện tích 20 ha) thu hút các dự án đầu tư công nghiệp, chế biến nông sản; Cụm công nghiệp Công Thành A và Công Thành B, vị trí: tại khu quy hoạch đô thị Vân Tụ - xã Công Thành, diện tích 45 ha, thu hút các dự án sản xuất công nghiệp, dịch vụ và chế biến nông sản.
Yên Thành cũng đang kêu gọi thu hút đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái – tâm linh Rú Gám trong khu rừng nguyên sinh địa điểm tại xã Xuân Thành, cách Thị trấn Yên Thành 1,5 km; quy mô 110 ha, xây dựng 51 hạng mục, trong đó có 2 Thiền viện Trúc lâm Yên Thành. Hiện nay huyện đã lập và hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và quy chế quản lý các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2011- 2015, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ đó thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chỉ đạo phát triển CCN.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí! 
 Châu Lan (thực hiện)

Tin mới