"Anh uống bia gì để em dán nhãn?"

Về một địa phương ở tỉnh ta, hay được nghe câu " Anh uống bia gì để em dán nhãn?".

Đó là câu chuyện có thật ở một xã rất nổi tiếng, người dân có "tài" sản xuất được nhiều loại hàng hóa, trong đó nhiều sản phẩm trông như hàng chính hãng. Có cả hàng "Made in Thái Lan", "Made in China"... Nào bia lon, bia chai, bia hơi các loại, cho đến nước rửa chén, xà phòng, bột canh, nồi cơm điện, xô, chậu, loa đài...

Phải nói người dân ở đây tài thật, thông minh, khéo tay, năng động, dám nghĩ, dám làm. Nhưng mặt khác cũng phải thừa nhận, cách tiếp cận thị trường với những kiểu sản phẩm chất lượng thấp, kiểu như "câu hỏi trên" khiến cho người tiêu dùng ái ngại khi dùng hàng sản xuất của địa phương, ái ngại cho cả những mặt hàng thật, đảm bảo chất lượng. Thậm chí làm cho người tiêu dùng nghĩ sai về cả một vùng đất mặc dù không phải tất cả đều sản xuất hàng "nhái", hàng giả.

Hàng hóa dù là hàng gì cũng đòi hỏi chất lượng và vệ sinh an toàn cho sức khỏe được đặt lên hàng đầu. Dù đòi hỏi người dân dùng hàng Việt, ưu tiên dùng hàng Việt thì hàng đó cũng phải thỏa mãn những đòi hỏi, những điều kiện, hoàn cảnh của người mua bởi đồng tiền làm ra đối với đại bộ phận người dân lao động là rất vất vả, không phải "ném tiền qua cửa sổ".

Đối với hàng về thực phẩm, dược phẩm càng đòi hỏi khắt khe chất lượng chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Các hàng "nhái", hàng giả do 1 số người hám lợi sản xuất nếu tồn tại được chẳng qua cũng chỉ đánh lừa một bộ phận dân cư nào đó thiếu thông tin, thiếu điều kiện thẩm định và chọn lựa, chắc chắn sẽ bị đào thải.

Sự thông minh, năng động của người dân một vài xã như trên giá như " bắt nhịp" được với những cơ chế, chính sách về đổi mới công nghệ, hoặc trường vốn và được hướng dẫn xây dựng về thương hiệu, xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở... chắc chắn sẽ có cơ hội phát triển bền vững.

Trân Châu

Tin mới