ASIAN Cup và chuyện nâng tầm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Theo dõi trận đấu đỉnh cao giữa 2 đội bóng hàng đầu châu lục mới đây giữa Đội tuyển Iran và Đội tuyển Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) ở bảng C, ASIAN Cup 2023 mới thấy rằng, thể hình, thể lực vượt trội cộng với đẳng cấp vốn có đã giúp Iran làm chủ hoàn toàn cuộc chơi.

Đội tuyển Iran đã toàn thắng cả 3 trận ở vòng bảng và đang là ứng viên vô địch của giải đấu với màn trình diễn rất thuyết phục như nhiều người đã biết.

tuyen-iran-6517-1-4673.jpeg

Hãy nhìn lại những thống kê về ASIAN Cup 2023 để hiểu thêm câu chuyện đáng bàn này. Tại giải đấu cấp châu lục đang diễn ra, Đội tuyển Iran sở hữu dàn cầu thủ có chiều cao trung bình tốt nhất với 183.8 cm, trong khi đội bóng có chiều cao trung bình thấp nhất là Việt Nam chỉ 175,4 cm. Chỉ số về cân nặng cũng thuộc về Iran với 73,9 kg và Việt Nam đứng thứ 3 từ dưới lên với 71,7 kg, trong khi Thái Lan có đội hình “nhẹ nhõm” nhất với 69,6 kg. Rõ ràng, các cầu thủ Việt Nam sẽ gặp vô vàn khó khăn khi đối thủ chơi bóng bổng. Còn việc Việt Nam để thủng lưới từ những tình huống bóng thấp, bóng sệt lại là câu chuyện khác về tốc độ, sự phối hợp và liên kết trong tổng thể chung.

Tất nhiên, ở đây cần nói thêm rằng, dù “nặng cân” nhất giải nhưng các cầu thủ Iran lên công về thủ nhịp nhàng, uyển chuyển, xử lý từng đường bóng vô cùng mềm mại. Trong khi so sánh giữa các cầu thủ Việt Nam và Thái Lan sẽ cho thấy cầu thủ của chúng ta rõ ràng nặng nề hơn, thiếu thanh thoát hơn so với đối thủ hàng xóm…

Trước đây, khi loay hoay đi tìm lối chơi thích hợp nhất cho bóng đá Việt Nam, người ta thường nói “thế mạnh” của những cầu thủ thấp bé, nhẹ cân là khéo léo, xoay trở nhanh, có thể tận dụng để đối đầu và hóa giải những cầu thủ to cao, chậm chạp. Thực tế sân cỏ cho thấy rằng, đó chỉ là những phán đoán mơ hồ, thiếu căn cứ. Bóng đá là cuộc chơi thể lực đỉnh cao suốt 90 phút và hơn thế, là mỗi pha xử lý nhanh nhạy, gọn ghẽ trong phạm vi hẹp và việc khai thác tận dụng các khoảng trống. Muốn vậy, cầu thủ phải có tốc độ, có sự bứt phá trong quãng ngắn, quãng dài, có sức bền bỉ, chịu trận… mà nói thẳng ra, đó là những điều rất xa lạ với cầu thủ trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

Không chỉ một lần, ông Troussier nói thẳng ra rằng, cầu thủ ở V-League chỉ chơi đúng yêu cầu trong khoảng 70 phút, còn lại là thời gian bóng chết, chậm đưa bóng vào sân, đi bộ và đủ mọi cách để kéo dài thời gian, đưa trận đấu vào thế tan tác, cù nhầy… Hiện nay, ở Đội tuyển Việt Nam, thường chỉ có tiền vệ trẻ Thái Sơn chạy trung bình mỗi trận có chiều dài trên dưới 10 km, tương đương với cầu thủ ở Giải Ngoại hạng Anh. Điều này cũng lý giải vì sao ông thầy người Pháp kêu gọi V-League phải nâng cao chất lượng, để làm cơ sở cho việc chọn lựa nhân sự lên các đội tuyển. Đó là chưa kể trong một giải đấu kéo dài, các nhân tố trẻ có thể đáp ứng yêu cầu tốt hơn là các nhân tố luống tuổi, có kinh nghiệm nhưng chưa hẳn đã đáp ứng yêu cầu thể lực, khát vọng cống hiến.

Và không riêng gì ở Đội tuyển Việt Nam, ông thầy người Hàn Quốc Shin Tae-yong ở Đội tuyển Indonesia trước kỳ ASIAN Cup này cũng đặt ra một mức phấn đấu rất cao cho các học trò. Đó là không thể “chạy nhiều hơn nghĩ”, phải “nhìn vào Messi mà học tập”, rằng, “anh ấy không chỉ nhìn vào quả bóng mà còn chú ý đến những gì diễn ra xung quanh mình”, “quan sát, suy nghĩ, di chuyển, dứt điểm. Hãy chơi bóng như vậy”. Gần đây nhất, ông thầy này tiếp tục đưa ra yêu cầu “không tưởng” như mỗi cầu thủ phải chạy tối thiểu 11-13 km mỗi trận, phải đảm bảo liên tục trong 4 trận ở câu lạc bộ thì mới được gọi lên tuyển…

Để thấy, yêu cầu nâng tầm đang được đặt ra cấp thiết và khắt khe ở bất cứ đội tuyển nào, nhất là khu vực Đông Nam Á nếu muốn tiến sâu, tiến xa ở một giải đấu châu lục như ASIAN Cup chẳng hạn. Bởi nếu không nâng tầm, không đặt ra các mục tiêu khó, không tưởng như trên thì rốt cuộc, vùng trũng vẫn hoàn vùng trũng mà thôi.

Cũng để thấy, nên ủng hộ những cách làm thiết thực, những tiếng nói đúng đắn liên quan đến công tác đào tạo trẻ, đến chất lượng V-League, đến việc đưa các cầu thủ trẻ ra nước ngoài thi đấu và mời gọi các cầu thủ từ nguồn lực Việt kiều để thực sự đẩy nhanh, có chất lượng nền bóng đá Việt. Cứ “xem người mà ngẫm đến ta” thì sẽ biết, sẽ thấy bóng đá Việt đang ngổn ngang, bộn bề công việc phải làm và chuyện thắng/thua ở mỗi trận đấu, giải đấu sẽ còn diễn ra dài dài, không thể nóng vội hay cạn nghĩ như đã biết, từng biết lâu nay./.

Tin mới