Bài 3: Hài hòa lợi ích cùng một mục đích lớn!

(Baonghean) - Từ những vướng mắc về quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu “ tương Nam Đàn” mà chúng tôi đã đề cập, thiết nghĩ cần có hướng giải quyết nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan; với một mục tiêu chung: nâng tầm thương hiệu Tương Nam Đàn, để sản phẩm này thực sự là một đặc sản đặc trưng của xứ Nghệ.

Qua trao đổi, ông Lê Văn Sỹ - Phó Phòng Kinh tế hạ tầng UBND huyện Nam Đàn cho hay: “Không chỉ người dân làng nghề mà UBND huyện cũng rất trăn trở nhằm tháo gỡ vướng mắc xung quanh vấn đề thương hiệu Tương Nam Đàn. Ngày 31/10/2014, UBND huyện Nam Đàn có Tờ trình 691 gửi Sở KH&CN về việc đề nghị chủ trì kết nối để huyện làm việc với Công ty CP Thủy Sản Nghệ An, qua đó để triển khai dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Tương Nam Đàn.

Thế nhưng do doanh nghiệp chưa hợp tác nên huyện cũng chưa có hướng tiếp tục giải quyết”. Còn theo Chánh Thanh tra Sở KH&CN, ông Nguyễn Mạnh Hà, thì: “Cá nhân tôi được biết, Sở KH&CN đã gửi giấy mời cho Công ty CP Thủy sản Nghệ An với mong muốn tìm giải pháp cho vấn đề thương hiệu Tương Nam Đàn nhưng chưa có kết quả”.

Tuy nhiên, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Nghệ An, ông Nguyễn Thanh Hùng lại khẳng định: “Chúng tôi chưa hề nhận được bất cứ một loại công văn, giấy tờ nào mời làm việc từ Sở KH&CN và của UBND huyện Nam Đàn về vấn đề thương hiệu Tương Nam Đàn”. Cũng theo ông Hùng, sản phẩm tương được người dân Nam Đàn sản xuất truyền thống từ lâu đời là không thể phủ nhận, song việc đăng ký sở hữu trí tuệ là theo quy định của pháp luật; và thực tế nhãn hiệu Tương Nam Đàn đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thuộc Công ty CP Thủy Sản Nghệ An.

Vấn đề đăng ký thương hiệu là nhạy cảm trong kinh doanh, hơn nữa để được cấp quyền là một quá trình rất khó khăn trong nghiên cứu, phân tích thị trường,... mất rất nhiều thời gian, tốn kém không ít công sức và tiền bạc của doanh nghiệp. Thế nên, phía công ty đồng thuận với quan điểm nâng tầm thương hiệu Tương Nam Đàn; và để làm được, cần sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Nghệ An, nhưng phải đảm bảo lợi ích của các bên liên quan...

Chánh Thanh tra Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Hà phân tích về sự cần thiết đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm Tương Nam Đàn.
Chánh Thanh tra Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Hà phân tích về sự cần thiết đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm Tương Nam Đàn.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chánh Thanh tra Sở KH&CN trao đổi: “Tôi không biết vì sao Công ty CP Thủy sản Nghệ An lại chưa nhận được văn bản của Sở KH&CN. Nhưng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là các bên cần có thiện chí, sớm cùng nhau thương thảo với nhau để cùng sử dụng và phát triển thương hiệu. Trường hợp không thương thảo được, để không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty CP Thủy sản Nghệ An mà vẫn được phép sử dụng tên gọi Nam Đàn cho sản phẩm tương mà các tổ chức, cá nhân tại Nam Đàn sản xuất kinh doanh, thì chỉ còn một cách là Sở KH&CN sẽ hướng dẫn để huyện Nam Đàn đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tương. Pháp luật Việt Nam cho phép điều này. Tức là có sự tồn tại song song giữa nhãn hiệu đã được bảo hộ trước và chỉ dẫn địa lý đăng ký bảo hộ sau”.

Vấn đề này, trước hết tương Nam Đàn đáp ứng các điều kiện chung tại Điều 79, Luật Sở hữu trí tuệ để có thể đăng ký bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý; Thông tư số 01của Bộ KH&CN hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành việc này. Khả năng đăng ký chỉ dẫn địa lý tương Nam Đàn sẽ đạt được nếu có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu là Công ty CP thủy sản Nghệ An thừa nhận sự tồn tại song song của nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Trường hợp Công ty CP Thủy sản Nghệ An phản đối việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nếu Cục Sở hữu trí tuệ xét thấy ý kiến phản đối đó không có cơ sở, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý không có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm như Khoản 3 Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, thì vẫn có thể chấp nhận phương án đăng ký chỉ dẫn địa lý tương Nam Đàn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng khẳng định: “Quan điểm của Luật Sở hữu trí tuệ về giải quyết mối quan hệ giữa việc bảo hộ một chỉ dẫn địa lý và một nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ trước nhằm để dung hòa được lợi ích giữa một bên là chủ sở hữu nhãn hiệu và một bên là những người sử dụng chỉ dẫn địa lý tại địa phương. Ngoài ra, quan điểm của luật cũng nhằm hướng tới mục tiêu chung là để phát triển, nâng tầm thương hiệu sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến đối với sản phẩm tương Nam Đàn”.

Nhiều khách du lịch hành hương về Quê Bác quan tâm tới sản phẩm Tương Nam Đàn.
Nhiều khách du lịch hành hương về Quê Bác quan tâm tới sản phẩm Tương Nam Đàn.

Về thực tế, nghề làm tương là một nghề truyền thống của Nam Đàn với khoảng 250 hộ, trên 500 lao động tham gia sản xuất đem mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu các sản phẩm tương sản xuất tại các làng nghề, các hộ làng nghề ở Nam Đàn không được gắn với tên địa danh nữa thì uy tín của sản phẩm tương truyền thống này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sinh kế của người dân, tâm huyết gây dựng thương hiệu cho đặc sản truyền thống của các cấp, các ngành từ tỉnh xuống đến địa phương cơ sở và cả doanh nghiệp sẽ đổ xuống sông, xuống bể. Vì vậy, cần có sự dung hòa lợi ích giữa người dân, địa phương với công ty đã được cấp quyền bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa để đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tương.

Đến đây, cần nhìn nhận lại sự việc ở Nghệ An từng xảy ra một trường hợp tương tự. Đó là về nhãn hiệu đối với sản phẩm chè, do trước đây Công ty chè Nghệ An độc quyền thương hiệu “Chè Nghệ An”. Điều này đã thực sự gây khó khăn cho việc phát triển của cây chè vì ở Nghệ An có rất nhiều vùng trồng chè, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh chè cần được sử dụng nhãn hiệu này.

Vì thế UBND tỉnh và Sở KH&CN đã định hướng mở rộng, nâng tầm thương hiệu Chè Nghệ An. Công ty Chè Nghệ An khi đó đã đồng ý với phương án này. Sau đó Hiệp hội sản xuất, kinh doanh chè Nghệ An đã ra đời với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và hộ sản xuất chè trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro (Công ty Chè Nghệ An là Chủ tịch hiệp hội). Tất cả các thành viên trong hiệp hội đều được sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể “Chè Nghệ An”. Từ đó thương hiệu “Chè Nghệ An” đã phát huy thế mạnh, tạo dựng được uy tín không chỉ trên thị trường cả nước mà cả trên thị trường quốc tế.

Thiết nghĩ, để giải quyết về vấn đề thương hiệu Tương Nam Đàn, các bên liên quan có thể tham khảo, nghiên cứu để thực hiện theo hướng đi mà tỉnh từng giải quyết với thương hiệu “Chè Nghệ An”. Hơn nữa, nếu xảy ra vấn đề tranh chấp, cần đến sự can thiệp của pháp luật thì không chỉ các bên liên quan đều bị tổn thương, uy tín tạo dựng lâu nay của đặc sản truyền thống trên quê hương Bác nói riêng, xứ Nghệ nói chung sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.

Nhật Lân - Khánh Ly

TIN LIÊN QUAN

Tin mới