Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Nghệ An họp phiên thứ nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý - Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh nhấn mạnh quan điểm, Ban Chỉ đạo phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ; “không phải quyết tâm trên giấy” mà phải bằng hành động, công việc cụ thể. 

Sáng 11/4, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Nghệ An họp phiên đầu tiên để bàn Quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ các thành viên và thống nhất kế hoạch công tác năm 2023.

Toàn cảnh phiên làm việc lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Toàn cảnh phiên làm việc lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Nghệ An chủ trì cuộc làm việc.

Dự cuộc làm việc có các đồng chí trong Ban Chỉ đạo: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban; cùng 21 thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ trưởng, 3 tổ phó và 13 tổ viên Tổ giúp việc.

NƠI NÀO TRÌ TRỆ PHẢI XEM XÉT LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Nghệ An có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, đảm bảo tiến độ, đúng quy định.

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ trình bày dự thảo Quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ các thành viên và kế hoạch công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ trình bày dự thảo Quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ các thành viên và kế hoạch công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: Thành Duy

Ban Chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; đồng thời, kiểm tra, báo cáo Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy định kỳ, đột xuất về tình hình cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ban Chỉ đạo đồng thời quyết định các chủ trương, nhiệm vụ, biện pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh cải cách hành chính hàng năm và trong từng giai đoạn của tỉnh.

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Theo kế hoạch, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trên các lĩnh vực: Cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy, kịp thời ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị theo quy định. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền việc thực hiện.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông phát biểu đề nghị việc điều chỉnh, bổ sung, thay đổi nhân sự của Ban Chỉ đạo quy định trong Quy chế cần thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Duy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông phát biểu đề nghị việc điều chỉnh, bổ sung, thay đổi nhân sự của Ban Chỉ đạo quy định trong Quy chế cần thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu thảo luận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá, dù công tác cải cách hành chính những năm qua được quan tâm và đã có chuyển biến, song chưa thực sự rõ nét, mạnh mẽ.

Do đó, việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đứng đầu thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh; từ đó đặt ra yêu cầu, đòi hỏi đối với công tác cải cách hành chính phải cao hơn, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, việc ban hành Quy chế, phân công nhiệm vụ từng thành viên và kế hoạch mang tính chất khung; do đó để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Ban Chỉ đạo, cần giao nhiệm vụ chi tiết, cụ thể hóa trách nhiệm cho từng ngành, địa phương, đặc biệt là ở cấp huyện cần thành lập ban chỉ đạo do bí thư cấp ủy làm trưởng ban; còn ở các sở, ngành cũng do người đứng đầu sở, ngành làm trưởng ban để đảm bảo tính đồng bộ từ trên xuống và gắn trách nhiệm người đứng đầu.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất với các ý kiến, từng thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh cần xây dựng có kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ theo phân công; đồng thời đề nghị lựa chọn một vài sở, ngành, địa phương để Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện các nội dung trọng tâm được xác định trong kế hoạch năm 2023.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh, cần xây dựng một số giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ đề ra, trong đó đề nghị phải đặt ra yêu cầu nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính; nếu nơi nào trì trệ phải xem xét luân chuyển cán bộ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng thời, theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu, song song với chế tài mạnh mẽ, cũng cần có giải pháp bảo vệ để cán bộ thông tư tưởng, thực hiện tốt hơn công việc trong bối cảnh luật pháp còn những chồng chéo, chưa rõ.

THIẾT LẬP ĐƯỜNG DÂY NÓNG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Kết luận nội dung cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Nghệ An đề nghị, Sở Nội vụ là cơ quan thường trực tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung vào Quy chế làm việc như: Vấn đề điều chỉnh, bổ sung, thay đổi nhân sự của Ban Chỉ đạo thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thể hiện được mối quan hệ phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo; yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động để cuối năm căn cứ vào đó, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của từng thành viên theo lĩnh vực được phân công phụ trách; tham mưu để Ban Chỉ đạo xây dựng cơ chế chỉ đạo những vụ việc phát sinh về cải cách hành chính;…

Cơ bản thống nhất với Kế hoạch công tác năm 2023, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An đồng thời đề nghị bổ sung nhiệm vụ phối hợp với VCCI để tổ chức đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, sở, ban, ngành (DDCI) trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là thống nhất thiết lập đường dây nóng do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; qua đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cơ quan thường trực tham mưu lựa chọn cán bộ có kỷ luật, kỷ cương cao, trách nhiệm, tâm huyết để lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp để phản ánh kịp thời hàng giờ, hàng ngày đến Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời nghiên cứu cơ chế thành lập tổ công tác hoạt động độc lập, có nghiệp vụ cao để xác minh, làm rõ phản ánh từ cơ sở.

Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Nghệ An cũng đề nghị trong kế hoạch, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là thành viên Ban Chỉ đạo phải có nhận xét về cán bộ, công chức và trách nhiệm người đứng đầu tại những cơ quan, đơn vị, địa phương được giao phụ trách liên quan đến cải cách hành chính. Khi phản ánh đầy đủ, có cơ sở, nếu đến mức phải luân chuyển thì phải dứt khoát luân chuyển để tạo chuyển biến trong công tác cải cách hành chính ở địa phương, đơn vị đó.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cũng yêu cầu trong kế hoạch năm 2023 cần rà soát, tổng hợp lại hệ thống máy móc trang thiết bị để phục vụ cải cách hành chính; quan tâm đến công tác thông tin, truyền thông; nêu rõ thành lập ban chỉ đạo cải cách hành chính cấp huyện do người đứng đầu cấp ủy cấp huyện làm trưởng ban; ở sở, ngành cấp tỉnh, thành lập Tổ công tác về cải cách hành chính do người đứng đầu làm tổ trưởng.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh thống nhất trong năm nay chọn điểm để thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính gồm các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch & Đầu tư và Văn phòng UBND tỉnh. Còn đối với các địa phương có 3 đơn vị gồm: TP. Vinh và các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ quan điểm, Ban Chỉ đạo phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ thực sự; “không phải quyết tâm trên giấy” mà phải bằng hành động, công việc cụ thể; qua đó đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo nêu gương, coi việc này là việc quan trọng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Theo Quy chế, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh họp định kỳ mỗi năm 2 lần (6 tháng đầu năm và cuối năm) và họp đột xuất khi cần thiết, do đó đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh cũng đề nghị cơ quan thường trực nghiên cứu đề xuất thành lập Thường trực Ban Chỉ đạo để giải quyết công việc thường xuyên, giữa các kỳ họp./.

Tin mới