Ban Nội chính Trung ương triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Một trong những vấn đề được Ban Nội chính các Tỉnh uỷ, Thành uỷ cụm thi đua số II quan tâm là giải pháp, cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm soát quyền lực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, hoạt động tố tụng điều tra, truy tố, xét xử.

bna_ MH8.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: MH

Sáng 22/6, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023; kết quả thực hiện Kế hoạch số 15 của Ban Nội chính Trung ương về thi đua chuyên đề của các Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Thành uỷ cụm thi đua số II (gồm 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng).

Các đồng chí Phó trưởng ban Nội chính Trung ương: Nguyễn Thái Học và Đặng Văn Dũng; đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An; Nguyễn Quang Đức - Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Nội chính Thành uỷ Hà Nội; Hồ Lê Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ Nghệ An đồng chủ trì hội nghị.

bna_ MH9.jpg
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Phó trưởng ban Nội chính Trung ương khai mạc hội nghị. Ảnh: MH

Cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm

Thay mặt Thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh uỷ đã phát biểu chào mừng hội nghị.

Chia sẻ một số thông tin về đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội và tổ chức đảng, đảng viên của tỉnh Nghệ An, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định sự quan tâm của Trung ương và quyết tâm của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhất là sau khi Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập và đi vào hoạt động; công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn Nghệ An đạt nhiều kết quả quan trọng.

bna_ MH3.jpg
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu chào mừng hội nghị. Ảnh: MH

Phó Bí thư Tỉnh uỷ cũng cho rằng, công tác nội chính là lĩnh vực khó, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực chuyên sâu, cùng với đặc thù về địa lý tự nhiên, thành phần dân cư, nhiều nét riêng biệt về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo… của địa bàn, đặt ra cho ngành Nội chính Đảng Nghệ An không ít khó khăn, thách thức.

Hiện nay, sau tổng kết 10 năm thực Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành nghị quyết mới về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là thời cơ hội thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An, đồng thời cũng đặt ra cho ngành Nội chính Đảng Nghệ An nhiều nhiệm vụ mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, bản lĩnh công tác để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

bna_ MH1.jpg
Lãnh đạo Ban Nội chính các địa phương tham gia hội nghị. Ảnh: MH

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và kết quả thực hiện Kế hoạch số 15 của Ban Nội chính Trung ương về thi đua chuyên đề “Phát hiện và tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; chủ động tham mưu, đề xuất xử lý các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh, trật tự trên địa bàn” Cụm thi đua số II được tổ chức tại Nghệ An là cơ hội để Ban Nội chính các Tỉnh uỷ, Thành uỷ khu vực đồng bằng sông Hồng cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo để học hỏi lẫn nhau.

Từ đó có những tham mưu, đề xuất, kiến nghị chính xác, kịp thời có hiệu quả trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, góp phần ổn định, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng nói chung, trong đó có tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

bna_ MH2.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương tham gia hội nghị. Ảnh: MH

Phát hiện, tham mưu chỉ đạo xử lý 147 vụ án, vụ việc

Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm và thực hiện Kế hoạch số 15 của Ban Nội chính Trung ương về thi đua chuyên đề “Phát hiện và tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; chủ động tham mưu, đề xuất xử lý các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh, trật tự trên địa bàn” Cụm thi đua số II và thông qua các tham luận tại hội nghị, đã khẳng định sự bài bản trong xây dựng kế hoạch triển khai và tham mưu xây dựng chương trình công tác của Tỉnh uỷ, Thành uỷ năm 2023 của Ban Nội chính các địa phương.

Ban Nội chính các địa phương cũng đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ theo vai trò, chức năng là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh.

bna_ MH12.jpg
Đồng chí Nguyễn Quang Đức - Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Nội chính Thành uỷ Hà Nội phát biểu liên quan đến biên chế Ban Nội chính các địa phương. Ảnh: MH

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, Ban Nội chính các tỉnh, thành phố đã tham mưu, giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ theo dõi, chỉ đạo xử lý 141 vụ việc, vụ án diện Ban Thường vụ theo dõi, chỉ đạo; trong đó tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm 31 vụ án, vụ việc.

Liên quan đến thực hiện Kế hoạch số 15 của Ban Nội chính Trung ương về thi đua chuyên đề “Phát hiện và tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; chủ động tham mưu, đề xuất xử lý các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh, trật tự trên địa bàn”, đã có 14/14 đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, đăng ký chỉ tiêu thi đua và xây dựng chỉ tiêu đến từng phòng chuyên môn, từng lĩnh vực.

bna_ MH 13.jpg
Đồng chí Hồ Lê Ngọc - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ Nghệ An chia sẻ một số kinh nghiệm trong xử lý một số vụ án, vụ việc. Ảnh: MH

Kết quả 6 tháng đầu năm 2023, các Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Thành uỷ đã phát hiện và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ chỉ đạo xử lý 147 vụ án, vụ việc; trong đó đã giải quyết xong 37 vụ việc, vụ án tham nhũng.

Các đơn vị trong cụm cũng đã tham mưu, đề xuất xử lý 100 vụ việc, vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh, trật tự trên địa bàn…

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, nhiều ý kiến cũng đã trao đổi nhiều vấn đề cần quan tâm. Công tác xử lý tham nhũng thời gian qua rất quyết liệt, nhưng việc phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, bằng chứng là nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý do tham nhũng thời gian qua đều xảy ra khi ở các cương vị công tác trước đó.

bna_MH11.jpg
Đồng chí Trịnh Thăng Quyết - Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ban Nội chính Trung ương tham gia thảo luận tại hội nghị. Ảnh: MH

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng như kiểm soát quyền lực trong các hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tố tụng, điều tra, truy tố, xét xử…

Một số ý kiến cũng đề xuất Trung ương quan tâm tạo sự thống nhất về xây dựng tổ chức bộ máy và con người của Ban Nội chính các địa phương, tránh mỗi địa phương một mô hình. Đồng thời cần có quy định về chế độ cộng tác viên của ban nội chính các tỉnh uỷ, thành uỷ, khắc phục tình trạng thiếu hụt về biên chế và nhân lực có trình độ chuyên môn chuyên sâu về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng…

bna_ MH7.jpg
Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh uỷ Nghệ An tham gia hội nghị. Ảnh: MH

Kết thúc hội nghị, các đồng chí Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương: Nguyễn Thái Học và Đặng Văn Dũng đã ghi nhận và giải trình làm rõ một số kiến nghị, đề xuất của các ban nội chính các địa phương.

Ban Nội chính Trung ương xác định, an ninh chính trị trong đời sống xã hội và phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ hàng ngày, hàng giờ của cả hệ thống chính trị, trong đó ban nội chính đóng vai trò hết sức quan trọng, yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở mỗi địa phương.

bna_ MH10.jpg
Đồng chí Đặng Văn Dũng - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MH

Bởi vậy yêu cầu đặt ra đối với các ban nội chính, nhất là đội ngũ lãnh đạo các ban phải xác định rõ trách nhiệm cao của mình, chủ động nghiên cứu và triển khai các quy định của Đảng, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để triển khai có hiệu quả.

Quan tâm đến các giải pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện và tham mưu xử lý với quan điểm, rõ đến đâu, xử lý đến đó. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ngành liên quan; những khó khăn, phức tạp kịp thời báo cáo với thường trực, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và Ban Nội chính Trung ương để chỉ đạo kịp thời.

Tin mới