Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cho ý kiến về kinh tế - xã hội, đầu tư công, cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sáng 28/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 6/2023. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện một số ban Đảng Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, và lãnh đạo một số sở, ngành.

bna_IMG_7397.JPG
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

TIẾP TỤC DUY TRÌ ĐÀ TĂNG TRƯỞNG

Trong 6 tháng đầu năm, cùng với cả nước, Nghệ An đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; thời tiết nắng nóng kéo dài, gây thiếu nước, thiếu điện cục bộ,... ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Trong bối cảnh khó khăn đó, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 5,79%, cao hơn bình quân cả nước, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành. Thu ngân sách ước thực hiện 8.489 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 7.858 tỷ đồng, đạt 53,9% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 630 tỷ đồng.

bna_IMG_7051.JPG
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo về kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả tích cực. Tính đến ngày 22/6/2023, toàn tỉnh đã cấp mới cho 65 dự án và điều chỉnh 81 lượt dự án; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 22.186,4 tỷ đồng, trong đó, vốn cấp mới là 19.714,8 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2022, dự án cấp mới tăng 20,37%, tổng vốn cấp mới tăng 1,32 lần.

Đặc biệt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng, 6 tháng đầu năm 2023 thu hút được 8 dự án FDI với số vốn đăng ký 613,8 triệu USD, tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 725,4 triệu USD, xếp vị trí thứ 8/63 địa phương trong cả nước.

Các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh (như đường ven biển, đường bộ cao tốc Bắc- Nam,...) được tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

bna_IMG_7064.JPG
Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo và có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, song các hoạt động hỗ trợ, kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm được quan tâm.

Công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực. Kết quả công bố các chỉ số: PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS của năm 2022 đạt kết quả khá tích cực so với năm 2021. Công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh, UBND cấp huyện có nhiều tiến bộ, quyết liệt hơn, tập trung hơn.

bna_IMG_7075.JPG
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tỉnh đã cơ bản hoàn thành được một số nội dung quan trọng: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; qua đó, Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để thực hiện; hoàn thành việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại có nhiều hoạt động nổi bật.

bna_IMG_7138.JPG
Đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới, như: Tốc độ tăng trưởng GRDP chưa đạt kịch bản 6 tháng đề ra (8,4-9,4%), thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (8,44%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, một số loại hình dịch vụ. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng dẫn tới cắt giảm lao động, gây ra tình trạng giảm giờ làm, mất việc làm.

Thu ngân sách Nhà nước đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và chưa đạt kịch bản đề ra; một số khoản thu đạt thấp như: tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu.

bna_IMG_7119.JPG
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh đã vận động được trên trên 611 tỷ đồng để xây dựng 11.983 nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Đến nay, gần 3.000 nhà đã hoàn thành, trong đó, trên 2.700 nhà do Bộ Công an và Công an tỉnh thực hiện. Ảnh: Thành Duy

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn mặc dù cao hơn so bình quân chung của cả nước, nhưng còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và chưa đáp ứng so với kỳ vọng (tính đến ngày 20/6/2023, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt 29,7% kế hoạch).

Công tác cải cách hành chính mặc dù đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; thời gian xử lý hồ sơ, công việc của một số sở, ngành, địa phương còn chậm so với quy định.

bna_IMG_7178.JPG
Đồng chí Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, làm rõ thêm một số nội dung về giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất, ghi nhận với các kết quả đạt được về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm trong bối cảnh có nhiều khó khăn; đồng thời, trao đổi thêm một số nội dung liên quan như xây dựng bộ chỉ tiêu về kinh tế - xã hội; tiếp tục quyết liệt đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là phải tạo được sự chuyển biến ở cấp cơ sở; tháo gỡ khó khăn trong đấu giá đất; thực hiện Đề án 06;…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã thông tin, làm rõ thêm nguyên nhân tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay không đạt kịch bản đề ra; trong đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh gặp khó khăn.

bna_IMG_7202.JPG
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở phân tích, trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh các nhiệm vụ chính, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng, đáp ứng mục tiêu đề ra; đồng thời, thúc đẩy các nhà đầu tư có các dự án đầu tư hoàn thiện phần xây dựng đi vào sản xuất để bổ sung năng lực tăng trưởng cho tỉnh.

Liên quan đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, mặc dù cao hơn so với bình quân chung của cả nước, nhưng còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và chưa đáp ứng so với kỳ vọng, đồng chí Nguyễn Đức Trung cho biết, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ ban hành nghị quyết, tổ chức hội nghị chuyên đề, xem xét chuyển chủ đầu tư nếu chủ đầu tư không đủ năng lực và thậm chí sẽ có biện pháp về công tác cán bộ;… để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm.

NÊU CAO TRÁCH NHIỆM TRONG THỰC THI CÔNG VỤ

Phát biểu kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn tác động.

Thống nhất các giải pháp do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình về thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tập trung triển khai thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra.

bna_IMG_7325.JPG
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu kết luận nội dung về kinh tế - xã hội. Ảnh: Thành Duy

Trong đó, để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay đạt từ 95% trở lên, Bí thư Tỉnh ủy ủng hộ các giải pháp đã được UBND tỉnh thực hiện ngay từ 6 tháng đầu năm như: Điều chuyển vốn từ những dự án không giải ngân được, hoặc có dấu hiệu không giải ngân được sang những dự án giải ngân tốt để đưa nguồn vốn vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, đối với vấn đề này, có một nguyên nhân rất quan trọng là năng lực của các chủ đầu tư, mà chủ yếu là ban quản lý dự án ở cấp huyện, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu xem xét công tác cán bộ, để thay thế, bố trí người có đủ năng lực, tâm huyết đảm nhận; đồng thời, chuyển chủ đầu tư, với quan điểm nếu cấp huyện không làm được chuyển về cấp tỉnh làm chủ đầu tư; tăng cường kiểm tra, đốn đốc, nhắc nhở gắn với giải pháp chỉ đạo kịp thời, đi đôi với đó là trách nhiệm của người đứng đầu.

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cũng ủng hộ quan điểm, đưa vào tiêu chuẩn, điều kiện không cho dự thầu đối với những nhà thầu chậm triển khai dự án, chậm thanh, quyết toán.

bna_IMG_7285.JPG
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu trong 6 tháng cuối năm cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh. Muốn vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, gắn chặt trách nhiệm người đứng đầu, các địa phương, cơ quan, đơn vị quản lý, theo dõi cán bộ, đảng viên; kiên quyết xử lý, điều chuyển cán bộ gây “ách tắc” các thủ tục. Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Hiện nay, Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục chỉ đạo, theo dõi xử lý tham nhũng vặt, để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cũng yêu cầu tập trung phối hợp với các cơ quan Trung ương để sớm phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và triển khai các bước tiếp theo; đồng thời, triển khai quán triệt Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được ban hành một cách bài bản, tạo không khí thi đua sôi nổi, vào cuộc ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh. Những cơ quan, đơn vị đầu ngành của tỉnh cần tham mưu triển khai Nghị quyết bài bản, đặc biệt, đề xuất các cơ chế, chính sách mới cho sự phát triển của tỉnh.

Người đứng đầu Tỉnh ủy đồng thời yêu cầu thực hiện tốt các nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa, xã hội; quyết liệt triển khai xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Bí thư Tỉnh ủy cũng đã trao đổi, chỉ rõ hướng thực hiện với các ý kiến đề xuất, thảo luận tại cuộc làm việc; trong đó, đồng ý Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống chỉ tiêu về kinh tế - xã hội cho các địa phương theo từng khu vực đô thị, đồng bằng, miền núi để áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh ở các cấp từ nhiệm kỳ 2025 - 2030.

bna_IMG_7409.JPG
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu ý kiến về phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2022 và nguồn thu hồi các công trình, dự án chưa đủ điều kiện chuyển nguồn sang năm 2023. Ảnh: Thành Duy

Cũng trong chương trình làm việc sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng khác như: Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch phân khu Đại lộ Vinh – Cửa Lò và khu vực hai bên Đại lộ Vinh – Cửa Lò (tỷ lệ 1/2.000); phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2022 và nguồn thu hồi các công trình, dự án chưa đủ điều kiện chuyển nguồn sang năm 2023; nghe và cho ý kiến về chủ trương xây dựng Tượng đài “Bác Hồ về thăm quê” tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An;…

Tin mới