Nhìn lại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32 tại Vinh

(Baonghean.vn) - Sau 4 ngày diễn ra đầy ắp những hoạt động sôi nổi, thiết thực và nhiều cảm xúc, Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32 tại TP Vinh đã khép lại. Với sự hỗ trợ hết mình và nồng nhiệt của tỉnh Nghệ An, với sự tận tâm và nghiêm túc của ban giám khảo, với tinh thần hợp tác, chia sẻ và cầu thị của những người làm truyền hình Việt Nam, có thể khẳng định: Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32 đã thành công trên nhiều mặt.
 
Về mặt quy chế và thể lệ: Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32 có nhiều nét mới, như: Ban tổ chức không chấm thi thể loại phóng sự ngắn. Phóng sự ngắn được bình chọn từ những tác phẩm phát trên sóng truyền hình Việt Nam. Sự thay đổi này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng phóng sự ngắn. Ban tổ chức không trao các giải cá nhân cho phim truyền hình mà chỉ trao cho tác phẩm. Thể loại Sân khấu xuất hiện trở lại, phim Tài liệu-Phóng sự đứng riêng thành 2 thể loại. Số lượng thành viên ban giám khảo đổi mới thành phần, các đơn vị tham gia có quyền đề cử những nguời có uy tín, năng lực, được thừa nhận vào ban giám khảo nhằm đảm bảo việc chấm thi được công tâm, chính xác nhất. Đối tượng tham dự liên hoan được mở rộng hơn so với mọi năm. Các đơn vị ngoài khu vực nhà nước cũng có thể tham dự khi có giấy xác nhận chương trình đã được phát sóng. Điều này góp phần khích lệ việc xã hội hóa chương trình truyền hình, thúc đẩy và nâng cao chất lượng của các chương trình truyền hình hơn nữa. 

Chương trình nghệ thuật của đoàn ca múa dân tộc Nghệ An biểu diễn chào mừng thành công Liên hoan truyền hình toàn quốc 2012  -Ảnh: S.M

Liên hoan năm nay có sự tham gia của 107 đơn vị; với gần 496 tác phẩm ở 9 thể loại với nội dung rất phong phú và có chất lượng cao. Theo đánh giá của Ban tổ chức: Các tác phẩm, nhất là ở hạng mục phóng sự, phim tài liệu phản ánh sinh động những vấn đề thời sự và thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đồng hành cùng sự phát triển đất nước của những người làm truyền hình. Đã có nhiều tác phẩm công phu, sáng tạo ở cả nội dung và hình thức thể hiện. Không ít tác phẩm mang đến tư duy, góc nhìn mới mẻ, cho thấy sự say mê nghề nghiệp, chịu khó tìm tòi, sáng tạo và sự xả thân của các tác giả. Đáng mừng là nhiều tác phẩm đã được đầu tư kỹ lưỡng, tỉ mỉ ở từng khuôn hình - góc máy, được ứng dụng những công nghệ - kỹ thuật truyền hình tiên tiến để tạo nên những hiệu quả hình ảnh đầy ấn tượng.

Tại 3 cuộc hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan năm nay, hơn 1.000 đại biểu đã cùng trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn trong thực tế tác nghiệp và phối hợp để mang đến cho khán giả những tác phẩm hấp dẫn. Nhiều góc tiếp cận mới, nhiều ý tưởng thú vị hướng tới sự chuyên nghiệp, chuẩn mực cũng đã được gợi mở bởi các chuyên gia trong và ngoài nước. Hội thảo “Quy tắc tác nghiệp của phóng viên truyền hình” đã nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm từ các đại biểu nhằm xây dựng bộ quy tắc tác nghiệp hoàn chỉnh, mang tính áp dụng cao, là sự khởi đầu cho mọi hoạt động liên quan đến tính chất pháp lý trong quá trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên truyền hình. Trong quá trình tác nghiệp, cuộc sống thực tế sẽ tạo điều kiện để bổ sung vào quy tắc, trên cơ cở đó sẽ giúp cho truyền hình Việt Nam đến với công chúng gần hơn, có trách nhiệm và hiệu quả hơn; Hội thảo “Chuyển đổi số hóa trong sản xuất và phát sóng” đã đem lại cho người tham dự nhiều thông tin thiết thực về thực trạng ngành truyền hình trong nước cũng như các công nghệ, thiết bị tiên tiến trên thế giới. Hội thảo đã có thêm những tham chiếu mới trong việc phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật tại các đơn vị, nâng cao kiến thức nghiệp vụ để ngày càng làm chủ và sử dụng thiết bị hiệu quả; Hội thảo “Nâng cao chất lượng phóng sự thời sự” đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến về nuôi dưỡng và phát triển đề tài cho phóng sự với việc tổ chức đề tài tác nghiệp, thời điểm thực hiện phóng sự thời sự; kỹ năng dẫn hiện trường trong phóng sự; tiêu chí quan trọng nhất của một sản phẩm truyền hình.  

Các hoạt động bên lề khác cũng diễn ra rất sôi nổi, giàu ý nghĩa. Diễn đàn về phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trên chính quê hương của Bác Hồ kính yêu lần này thực sự đã mang lại nhiều dấu ấn đẹp và ý nghĩa sâu sắc với những người làm truyền hình. Những diễn giả, những nhà sử học cũng như những nhà báo trao đổi, thảo luận những phong cách làm báo của Người và tính chân thực của báo chí (một trong những yếu tố quan trọng nhất của nghề báo); đặc biệt đi sâu hơn về góc độ gắn liền với truyền hình. Diễn đàn đã nhìn nhận: Phong cách làm báo của Hồ Chí Minh rất hiện đại; những yêu cầu đặt ra của Người đối với báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?” vẫn mãi là kim chỉ nam đối với người làm báo…
 
Chương trình giao lưu khán giả trẻ với những người làm truyền hình đã thu hút sự quan tâm đông đảo của sinh viên trường đại học Vinh, góp phần giúp khán giả trẻ đến gần hơn với truyền hình. Cùng với đó là một triển lãm ảnh ấn tượng với gần 200 bức ảnh được gửi tới tham dự. Triển lãm kỹ thuật truyền hình cũng được tổ chức tại liên hoan nhằm giúp người làm truyền hình có cơ hội tiếp xúc với công nghệ và kỹ thuật hiện đại của ngành truyền hình quốc tế.
 
Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32 tại Nghệ An đã khép lại, với những đại biểu tham dự thì đến với Liên hoan năm nay, ngoài việc được học hỏi được nhiều kinh nghiệm chuyên môn khi gặp gỡ đồng nghiệp trên cả nước thì càng có ý nghĩa hơn khi được tri ân với con người, mảnh đất xứ Nghệ Anh hùng. Đến với Nam Đàn, đến với địa danh đã ghi sâu vào ký ức người dân Việt Nam, nơi đã sinh ra người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh vĩ đại.

Thành Chung

Tin mới