Thêm hành lang pháp luật mới cho báo chí.

(Baonghean) - Những ngày qua, dư luận báo chí bày tỏ sự đồng thuận cao với những nội dung mới về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin được ban hành theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/5/2013. Với một số điểm bổ sung, nội dung quy chế mới đã khắc phục một số bất cập trong hoạt động báo chí, xử lý thông tin báo chí nêu. Một mặt quy chế mới đã mở rộng đối tượng phát ngôn và cung cấp thông tin, rút ngắn thời gian được cung cấp thông tin so với quy chế cũ (quy chế ban hành theo Quyết định 77/2007/TTg ngày 28/5/2007), mặt khác đã tạo thêm hành lang để bảo vệ báo chí trong trường hợp báo chí đăng tải đúng nội dung thông tin do người phát ngôn chính thức cung cấp.

Điểm đáng chú ý đầu tiên là về người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Văn bản mới quy định trong cơ quan hành chính nhà nước có 3 người có thể phát ngôn: người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, người được người đứng đầu giao nhiệm vụ phát ngôn và người được người đứng đầu ủy quyền phát ngôn. Quy chế mới cũng quy định rõ, ngoài 3 người phát ngôn chính thức, các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước được quyền cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật; trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cung cấp.

Như vậy, quy định mới này đã mở rộng đối tượng phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời cũng giới hạn rõ những phạm vi nội dung thông tin được quyền phát ngôn, cung cấp, mở rộng hơn quyền được phát ngôn và cung cấp thông tin của cá nhân trong cơ quan hành chính nhà nước. Với việc mở rộng đối tượng phát ngôn và cung cấp thông tin, quy chế này khắc phục được tình trạng “cát cứ thông tin”, tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương cho rằng chỉ có người được giao nhiệm vụ chính thức, người đứng đầu, mới được phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Đây cũng là vấn đề mà một số cấp, ngành, địa phương lâu nay lúng túng trong việc tiếp cận và cung cấp thông tin cho báo chí. Thậm chí, không ít nơi còn có những quy định (bằng văn bản hoặc “luật bất thành văn”) rằng chỉ khi được sự cho phép của lãnh đạo, cấp trên mới được phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.

Điểm mới thứ hai là quy chế này nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin. Đó là, dù giao trách nhiệm hoặc ủy quyền cho người khác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin của cơ quan cấp thông tin cho báo chí. Do đó, khi đã có phát ngôn chính thức từ người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải chịu trách nhiệm về thông tin do cơ quan mình cung cấp cho báo chí. Điểm mới của quy chế này là tập trung và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nội dung này giảm được tình trạng né tránh, thoái thác trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chịu trách nhiệm về nội dung thông tin cung cấp cho báo chí.

Điểm đáng chú ý thứ ba là những điều chỉnh, rút ngắn về thời gian cung cấp thông tin cho báo chí, định kỳ hoặc trong trường hợp đột xuất bất thường. Theo quy chế mới, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình ít nhất 3 tháng một lần, tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí, trong khi trước đây ít nhất 6 tháng một lần. Đối với trường hợp đột xuất bất thường, khi xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất 1 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra (quy chế cũ quy định chậm nhất 2 ngày). Đây là sự rút ngắn thời gian cần thiết, thể hiện rõ mục đích cung cấp thông tin cho báo chí nhanh hơn, kịp thời hơn, tránh tình trạng lần lữa, kéo dài thời gian chờ đợi.

Điểm mới thứ tư, được các cơ quan báo chí quan tâm và đánh giá cao, đó chính là quy định về trách nhiệm của báo chí và nhà báo. Nội dung đáng chú ý là: “Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó”. Có thể coi đây là một trong những nội dung rất đáng chú ý, có ý nghĩa đối với việc tạo hành lang pháp lý mới để bảo vệ báo chí khi đã đăng, phát thông tin một cách trung thực, chính xác từ người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thông tin. Điều này có nghĩa là, nếu người phát ngôn đưa thông tin sai cho báo chí, thì báo chí không chịu trách nhiệm, không bị kiện, khởi tố về trách nhiệm đối với nội dung thông tin đã được cung cấp. Điều này hạn chế được một số tình trạng đã từng xảy ra trước đây, đó là trường hợp báo chí phản ánh, trích dẫn đúng, chính xác, nguyên văn nội dung thông tin được người phát ngôn cung cấp, trong trường hợp nội dung thông tin cung cấp không chính xác, không đúng với thực tế, thì cơ quan báo chí, nhà báo đó vẫn bị kiện.

Không ít trường hợp cơ quan báo chí, nhà báo còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cho dù họ đăng tải đúng thông tin người phát ngôn cung cấp. Điều này, trên nhiều phương diện, đã hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin của nhà báo và cơ quan báo chí. Thậm chí, đã bó hẹp năng lực thông tin và làm giảm sức chiến đấu của báo chí, nhất là đối với những nội dung thông tin liên quan đến những mặt trái, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Có thế nói, việc bổ sung những nội dung mới, điều chỉnh về đối tượng, phạm vi, trách nhiệm về người phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí mới là điều cần thiết. Một mặt, nhằm đòi hỏi nội dung chuẩn bị cho người phát ngôn, cung cấp thông tin một cách chính xác, rõ ràng, trung thực, khách quan, kịp thời với trách nhiệm cao. Mặt khác, quy chế mới đã mở rộng hành lang pháp lý để bảo vệ báo chí trong trường hợp đăng tải, sử dụng đúng nội dung thông tin được người phát ngôn cung cấp một cách chính thức.

Vì thế, có thể coi quy chế mới về người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được áp dụng từ 1/7/2013 là một bức tiến dài trong việc tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện để báo chí thực hiện tốt hơn Luật Báo chí, để báo chí đóng góp nhiều hơn đối với quá trình phát triển, hội nhập của đất nước.

Ngô Kiên

Tin mới