Kỷ niệm về một bài báo Tết…

(Baonghean) - Một ngày cuối đông năm 2005,  khi đó tôi đang là phóng viên thử việc còn anh Minh Quân cũng mới vào nghề được hơn một năm. Biết là để “chen chân” vào được số báo Xuân Âm lịch rất khó nên cả hai chúng tôi đã rất trăn trở tìm đề tài. Ngồi suốt một buổi sáng ở cà phê Điện ảnh 1 (gần với trụ sở tòa soạn cũ), cuối cùng hai anh em cũng thống nhất là báo Xuân nên phải viết về nét đặc trưng xứ Nghệ nhưng phải “ăn khách” để dễ được đăng và phải “lạ” để không bị đụng hàng. Đề văn nghệ sỹ xa quê cuối cùng được chọn, nhưng viết ai trong số hàng chục văn nghệ sỹ người Nghệ đang rất nổi danh của Hà Nội. Lọc trong một loạt nhân vật nổi tiếng nhất, chúng tôi quyết định phỏng vấn nhạc sỹ An Thuyên, nhà văn Võ Thị Hảo, ca sỹ Anh Phương, nhà thơ Vương Trọng và ca sỹ Thái Bảo. Và ngay tối hôm ấy chúng tôi tức tốc ra Hà Nội.

Thực ra khi ấy chỉ còn đúng hai ngày nữa là chốt số báo Xuân, đồng nghĩa chúng tôi chỉ có hơn một ngày để  tác nghiệp. Địa bàn thì không lo lắm vì cả hai đều học đại học ở Hà Nội, lại mới vừa ra trường nên cũng không lạ lẫm, nhưng làm sao để liên lạc được với những nhân vật nổi tiếng đó thì ngay cả khi đã ngồi trên ô tô chúng tôi cũng vẫn chưa nghĩ ra được. Đến nơi, tôi sực nhớ có ca sỹ Tiến Lâm ở Đoàn Quân khu 4, từng học ở Nhạc viện Hà Nội, từng có  thời gian làm việc với ca sỹ Anh Phương nên có thể biết được thông tin. Tức tốc gọi điện cho anh rồi vui mừng được biết anh cũng đang có chuyến công tác ở Hà Nội. Mừng như bắt được vàng, mượn được chiếc cúp 82 từ người quen của anh Minh Quân,  cả hai chạy thẳng đến một quán trong một ngõ nhỏ  trên đường Nguyễn Lương Bằng. Gặp ca sỹ Tiến Lâm, anh cung cấp cho chúng tôi số điện thoại ca sỹ Thái Bảo, nhạc sỹ An Thuyên, ca sỹ Anh Phương. Sau khi đã liên lạc được, chúng tôi quyết định đến nhà ca sỹ Anh Phương ở khu tập thể Văn công quân đội ở Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Thời điểm đó, chị mới chuyển ra công tác ở Hà Nội nên để “bắt” được cảm xúc của một người mới xa quê không khó, chỉ khoảng 1 tiếng chúng tôi đã hoàn thành cuộc trò chuyện.

Tác giả và nhà văn Võ Thị Hảo.

Tạm biệt ca sỹ Anh Phương, chúng tôi lại tức tốc chạy lên đường Đặng Tiến Đông, phường Tây Sơn, quận Đống Đa để đến nhà của ca sỹ Thái Bảo, bởi qua điện thoại chị nói trong ngày hôm ấy chỉ rảnh 30 phút, trước 4 giờ chiều. Rất may khi đó chúng tôi đã có khá nhiều tư liệu về ca sỹ Thái Bảo, lại thực sự rất thích giọng hát khàn, trầm của chị nên sau phút bỡ ngỡ ban đầu, hai bên đã bắt được “nhịp” của buổi nói chuyện. Mải say sưa, nghe chị tâm sự đến khi nhìn lại đồng hồ đã hơn 6h chiều, cuộc nói chuyện kéo dài hơn hai tiếng so với dự kiến 30 phút ban đầu mà chị đưa ra.

Hai cuộc gặp gỡ đầu tiên vậy là suôn sẻ! Mục tiêu tiếp theo của hai chúng tôi là nhà văn Võ Thị Hảo, nhà thơ Vương Trọng và nhạc sỹ An Thuyên. Để có thêm tư liệu và cảm hứng trước những cuộc gặp, hai anh em đến “thỉnh giáo” Tiến sỹ Nguyễn Phượng, vốn trước đây là giáo viên dạy văn Trường THPT Hà Huy Tập, sau đó làm giảng viên khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tiến sỹ Phượng đã rất vui vẻ chia sẻ với chúng tôi những hiểu biết, cảm nhận của ông nhà văn Võ Thị Hảo, nghe chị kể về  tuổi thơ ở vùng quê Diễn Bình (Diễn Châu), về ngôi nhà của chị nay vẫn còn trên đường Nguyễn Văn Cừ, nghe chị nói về cái chất “gàn” của người Nghệ trong con người chị. Đến gặp nhà thơ Vương Trọng, chúng tôi ấn tượng với góc sân bình dị, ấn tượng với phong thái nhẹ nhàng, nồng ấm của ông. Trước hai nhà thơ, nhà văn và là hai nhà báo “kì cựu”, chúng tôi dường như không phải là người đi phỏng vấn mà là người đang được hướng dẫn chỉ bảo. Hồi hộp đến nỗi đến khi đưa máy ảnh ra  không biết vì sao mãi mà không chụp được.  Đến khi nhờ nhà văn Võ Thị Hảo xem mới nhận ra là máy hết pin… Không kể thì mọi người cũng biết lúc đó hai chúng tôi  xấu hổ đến mức nào.

Người cuối cùng chúng tôi mong ước được gặp nhất là nhạc sỹ An Thuyên. Tuy nhiên, khi hẹn ông, rất tiếc ông lại bận. Nhưng ông vẫn đồng ý cho chúng tôi viết về ông theo cảm nhận “vì bài viết về mình đầy ra đấy”. Trăn trở, cuối cùng chúng tôi quyết định thể hiện cảm nhận riêng của mình về ông, nhạc sỹ của những bài hát mang đậm âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Đọc bài, không ai nghĩ chúng tôi chưa từng gặp ông, ngay cả tấm ảnh gia đình ông đăng trong bài cũng là tấm ảnh chúng tôi “mượn” được của một người bà con của ông ở TP. Vinh. Toàn bộ bài báo ấy chúng tôi cũng chỉ chia nhau viết một buổi trưa.

Nhận được bài báo “Họ vẫn là người Nghệ” của chúng tôi, nghe được lời khen của Tổng Biên tập qua điện thoại, cả hai mừng đến run hết tay chân. Chuyến đi thành công, tiền nhuận bút khi đó chia cho cả hai không đủ bù cho “lộ phí” nhưng cả hai vẫn  rất hài lòng. Quan trọng hơn, qua đó, chúng tôi rút được kinh nghiệm cho mình, đó là cần phải tìm hiểu kỹ nhân vật, sự kiện trước khi phỏng vấn, khả năng tác nghiệp nhanh với những bài viết yêu cầu gấp, cách tư duy và cả sự nghiêm túc, cẩn trọng mà chúng tôi học được từ chính những nhân vật trong bài viết của mình.

Bài,ảnh: Mỹ Hà

Tin mới