Từ đổi đến... đòi đất!

(Baonghean) - Báo Nghệ An nhận được đơn của ông Văn Đức Thuật (xóm Thọ Lộc, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn) tố cáo UBND xã Nghĩa Lộc làm trái quy định pháp luật trong quản lý đất đai; thiếu dân chủ, không công khai trong việc thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình ông. Phóng viên Báo Nghệ An đã vào cuộc xác minh vụ việc.

8 năm đi đòi đất
Theo đơn của ông Văn Đức Thuật, năm 2000, UBND xã Nghĩa Lộc mở rộng khuôn viên trụ sở và thống nhất đổi đất vườn với gia đình ông. Theo đó, diện tích đất gia đình ông đổi cho xã khoảng 900m2 có trong giấy chứng nhận QSDĐ do UBND huyện Nghĩa Đàn cấp cho gia đình ông năm 1996. Ngược lại, UBND xã Nghĩa Lộc bù đất công ích cho gia đình ông với diện tích 808m2 gồm: Thửa số 1060, tờ bản đồ số 1, diện tích 432m2 và thửa đất 239, tờ bản đồ số 2, diện tích 376m2 với mục đích sử dụng lâu dài như đất vườn. Việc chuyển đổi đất được lập thành văn bản vào ngày 25/1/2000.
Ông Văn Đức Thuật và vợ trình bày sự việc.
Ông Văn Đức Thuật và vợ trình bày sự việc.
Đối với thửa đất số 1060, từ năm 2000  gia đình ông sử dụng vào mục đích trồng lúa 1 vụ và đến năm 2003 đào ao nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đến năm 2006 thì việc sử dụng đất bị ngừng lại do gia đình ông Nguyễn Văn Châu (xóm Thọ Lộc, xã Nghĩa Lộc) cho rằng thửa đất đó nằm trong bìa đỏ của gia đình ông Châu. Ngày 10/10/2007, ông Thuật có làm đơn gửi cho UBND xã đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai tại thửa 1060. Sau đó, xã đã tiến hành hòa giải nhưng không thành. Gần 8 năm qua, ông Thuật vẫn không đòi lại được thửa đất 1060 xã Nghĩa Lộc đã đổi cho ông.
Biên bản làm việc giữa đoàn thanh tra huyện Nghĩa Đàn với ông Thuật vào tháng 10/2012.
Biên bản làm việc giữa đoàn thanh tra huyện Nghĩa Đàn với ông Thuật vào tháng 10/2012.
Đối với thửa đất số 239 được gia đình ông Thuật trồng lúa 2 vụ. Đến năm 2003, xã quy hoạch vùng Đập Đanh (có thửa đất 239) làm đất ở và bán cho gia đình ông Nguyễn Văn Lữ thửa đất 239 mà ông Thuật không được biết. Đến năm 2005, sau khi xã dồn điền, đổi thửa nên thừa đất công ích, gia đình ông xin xóm được sản xuất trên thửa đất số 70. Đây là đất công ích theo hình thức giao khoán nên khi xã thu hồi thì gia đình phải trả. Ông Thuật cũng cho rằng, xã đổi cho gia đình thửa đất 239 được xác định như đất vườn nên gia đình mong muốn sau này xây nhà cho con. Trong khi đó thửa đất 70 là đất 2 lúa nằm giữa đồng thì làm sao xây nhà cho con được.
Ngoài 2 nội dung trên, ông Văn Đức Thuật còn phản ánh, gia đình ông có 2 thửa đất số 1061 và 1062. Năm 1999, gia đình ông Phan Thế Lâm (cùng xã) được xã bán cho 1 nửa diện tích thửa đất số 1062 và sau đó ông Phan Thế Sơn (anh trai ông Lâm) làm nhà ở. Phần còn lại xã cấp cho gia đình ông dựa trên đơn của mẹ ông Thuật là bà Nguyễn Thị Xan. Tuy nhiên, đến năm 2011, gia đình ông Phan Thế Sơn xây hàng rào và lấn chiếm 100m2 vào thửa đất 1061 của gia đình ông. Đến nay, diện tích đất lấn chiếm đã được ông Sơn xây hàng rào kiên cố.
Tìm hiểu được biết, từ năm 2007, gia đình ông Văn Đức Thuật bắt đầu gửi đơn cho UBND xã Nghĩa Lộc, nhưng nhiều lần gửi đơn mà vẫn không được xã giải quyết thỏa đáng. Ông Ngô Sỹ Cường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc cho biết: Sự việc UBND xã đổi đất cho gia đình ông Văn Đức Thuật đúng như trong đơn ông Thuật trình bày và được thể hiện tại biên bản giao đất vào ngày 25/1/2000. Liên quan đến thửa đất 1060, tại thời điểm năm 2000, khi xã đổi đất cho ông Thuật thì thửa đất nằm trong GCN QSDĐ của hộ ông Nguyễn Văn Châu. UBND xã đã mời ông Châu lên trụ sở UBND xã thỏa thuận thống nhất với ông Châu chuyển thửa đất 1060 sang đất công ích cho ông Thuật sử dụng và bù cho ông Châu 2 thửa đất, gồm thửa 220, diện tích 327,9m2 và thửa 208, diện tích 345m2 (đất 2 lúa) tại cánh đồng Thung Chanh. Gia đình ông Châu nhận đất và sử dụng ổn định từ đó đến nay. Như vậy, thửa đất 1060 là của gia đình ông Thuật. Điều này được thể hiện rõ nhất là sau khi xã thực hiện chuyển đổi ruộng đất năm 2002 thì diện tích đất nông nghiệp của gia đình ông Châu tăng lên 507m2. Từ năm 2003 – 2006, gia đình ông Châu biết gia đình ông Thuật sử dụng thửa đất 1060 nhưng không có ý kiến gì. 
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Châu lại cho rằng, ông không hề hay biết việc xã cắt thửa 1060 trong sổ đỏ của gia đình ông để bù cho ông Thuật mà 2 thửa đất ở cánh đồng Thung Chanh là đất công ích của xã chứ không phải là thửa đất xã đổi cho ông lấy thửa 1060, bởi vì xã không có biên bản giao và nhận đất. Theo biên bản giao đất cho ông Văn Đức Thuật vào 21/1/2000 thì không có chữ ký của ông Nguyễn Văn Châu (hộ liên quan đến thửa đất 1060). Theo bà Quế (vợ ông Châu), gia đình bà lúc đó có 6 sào ruộng khoán, trong đó có một ít diện tích lác và đầm lầy. Thấy thế, xóm trưởng là ông Nguyễn Quốc Tuấn cho gia đình bà 2 thửa đất tại cánh đồng Thung Chanh. Người có thể xác minh việc ông Châu thỏa thuận đổi thửa đất 1060 cho xã là ông Nguyễn Quốc Tuấn xóm trưởng thời đó, song nay ông Tuấn đã mất nên sự việc lâm vào bế tắc. 
Tranh chấp đất kéo dài đến năm 2011, gia đình ông Thuật mới gửi đơn lên UBND huyện Nghĩa Đàn. UBND huyện Nghĩa Đàn đã thành lập đoàn thanh tra và đến ngày 28/12/2012 có Văn bản số 248/TB-UBND, về kết quả xử lý nội dung đơn khiếu nại của ông Thuật. Cụ thể, đối với nội dung liên quan đến thửa đất 1060 tranh chấp giữa gia đình ông Thuật và ông Châu, UBND huyện cho rằng, sau khi xã đổi đất cho gia đình và được gia đình sử dụng ổn định, liên tục từ năm 2000-2011 không có khiếu nại gì, năm 2011 ông Văn Đức Thuật mới làm đơn khiếu nại về việc chuyển đổi đất. Theo quy định tại Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 thì nội dung đơn khiếu nại của ông Văn Đức Thuật đã hết thời hiệu khiếu nại. 
Về nội dung liên quan đến thửa đất 239, UBND huyện cho rằng, sau khi quy hoạch đất thổ cư tại vùng Đập Đanh vào năm 2003 thì xã đã đổi thửa đất số 70, tờ bản đồ số 82, diện tích 656,7m2 cho gia đình ông Thuật. Và từ đó đến nay, gia đình ông Thuật đã sử dụng ổn định. Khi UBND xã thực hiện quy hoạch và định giá cấp đất ở tại vùng Đập Đanh, hộ ông Thuật biết nhưng không nộp đơn xin giao đất ở, cũng không có ý kiến gì về việc chuyển đổi đất (thể hiện trong biên bản làm việc của đoàn thanh tra UBND huyện với ông Văn Đức Thuật vào tháng 10/2012). Và đến năm 2011, ông Thuật mới làm đơn khiếu nại về việc UBND xã Nghĩa Lộc thu hồi đất tại thửa 239 của gia đình ông không thông báo và không thực hiện bồi thường. Theo quy định tại Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 thì nội dung khiếu nại của ông Thuật đã hết thời hiệu khiếu nại. 
Đối với nội dung liên quan đến việc tranh chấp của ông Thuật và hộ ông Phan Thế Sơn tại thửa đất số 1061 thì UBND huyện cho rằng, việc tranh chấp đã được UBND xã Nghĩa Lộc tổ chức hòa giải nhưng không thành. Và căn cứ vào khoản 1, Điều 136 Luật Đất đai 2003 (Sửa đổi bổ sung năm 2009, 2011), UBND huyện hướng dẫn công dân khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Đàn để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Cũng trong bản Thông báo số 248/TB-UBND, UBND huyện Nghĩa Đàn giao cho phòng TN&MT huyện, phối hợp với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, UBND xã Nghĩa Lộc tổ chức đo đạc xác định ranh giới thửa đất 1060 và cắm mốc thực địa. Hướng tiến hành thu hồi giấy CNQSDĐ số 1134 ngày 10/6/1996 do UBND huyện Nghĩa Đàn cấp cho ông Nguyễn Văn Châu để chỉnh lý biến động đất đai cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất; Hướng dẫn ông Thuật làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ thửa 1060 và thửa 70 theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên cho đến nay, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa tiến hành thu hồi được GCN QSDĐ của gia đình ông Châu. UBND huyện giao cho UBND xã Nghĩa Lộc kiểm điểm nghiêm túc về những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương trong thời gian qua. 
Như vậy, có thể khẳng định, nguyên nhân của việc ông Thuật khiếu kiện kéo dài là do UBND xã Nghĩa Lộc thiếu sót trong việc chỉnh lý biến động đất khi mở rộng khuôn viên trụ sở UBND xã vào năm 2000. Khi giao đất cho ông Thuật thủ tục thiếu chặt chẽ. Đến năm 2007, khi ông Thuật có đơn khiếu nại về việc tranh chấp đất giữa ông và ông Châu nhưng xã chỉ tổ chức hòa giải mà không có tờ trình đề nghị UBND huyện tiến hành thu hồi GCN QSDĐ của gia đình ông Châu. Cùng thời điểm đó, vào năm 2007, gia đình ông Thuật có đơn xin được cấp GCN QSDĐ đối với thửa 1060 nhưng không được các cấp tích cực vào cuộc giải quyết. Ông Thuật có lý khi cho rằng, ông sẽ không nhận thửa đất 1060 đến khi nào nó vẫn còn nằm trong sổ đỏ của gia đình ông Châu. Hiện nay, vụ việc này đang được Toàn án nhân dân huyện Nghĩa Đàn thụ lý, sau khi có đơn kiện của ông Châu về việc UBND xã Nghĩa Lộc tự ý giao thửa đất 1060 cho gia đình ông Thuật. Vì vậy, vụ việc liên quan đến thửa đất 1060 lại đang phải tiếp tục chờ phán quyết của tòa án, nên không biết đến bao giờ mới giải quyết được.
Qua vụ việc này, UBND xã Nghĩa Lộc cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và cần tích cực vào cuộc rà soát, quy hoạch lại việc sử dụng đất ở địa phương, có giải pháp trình cấp có thẩm quyền nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho gia đình ông Thuật. Đó là một việc làm hợp đạo lý, không nên để ông Thuật lại phải tiếp tục đi khiếu kiện đòi đất. UBND xã Nghĩa Lộc cần xác định, việc giải quyết đất đổi và cấp giấy chứng nhận QSDĐ đất cho gia đình ông Thuật là trách nhiệm của UBND xã chứ không phải của ông Thuật, khi ông đã vì việc chung tình nguyện nhường đất để xây dựng trụ sở UBND xã.
Về gia đình ông Thuật, sự việc tranh chấp diễn ra từ năm 2006 nhưng mãi đến năm 2011, gia đình ông mới làm đơn khiếu nại lên UBND huyện Nghĩa Đàn là quá chậm. Liên quan đến thửa đất 239, ông biết được chủ trương quy hoạch đất ở do xã thực hiện năm 2003 tại vùng Đập Đanh nhưng không có ý kiến gì về việc chuyển đổi đất thì không nên tiếp tục khiếu nại khi sự việc diễn ra đã lâu và thời hạn giải quyết đã hết. Hiện nay, ông đang canh tác ổn định trên thửa đất số 70 là đất do xã đổi cho ông thì ông cần thực hiện các nghĩa vụ và có đơn đề nghị gửi lên cơ quan chức năng để tiến hành cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Việc liên quan đến thửa đất số 1061 thì do gia đình ông Phan Thế Sơn đã có GCN QSDĐ nên theo Luật Khiếu nại thì ông cần có đơn khởi kiện ra tòa án để được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Nguyên Hưng

Tin mới