Quỳ Hợp xử lý vấn đề khai thác quặng gây ô nhiễm môi trường

(Baonghean) - Báo Nghệ An ngày 16/12/2014, mục Thông tin đưòng dây nóng có phản ánh: “Nhân dân xã Châu Hồng phản ánh, trên địa bàn xã Châu Hồng có một số mỏ khai thác quặng thiếc thực hiện không đúng nội dung cam kết bảo vệ môi trường, xả thải trực tiếp ra nguồn nước tự nhiên, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Vấn đề này, nhân dân địa phương đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền cũng như kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng chưa được giải quyết”. Ngày 30/12/2014, UBND huyện Quỳ Hợp có Công văn số 1046/UBND.MT trả lời, nội dung như sau:
TIN LIÊN QUAN
Tình trạng một số doanh nghiệp thực hiện không đúng nội dung trong Bản cam kết bảo vệ môi trường là có. Đây là vấn đề mà UBND huyện và các xã có hoạt động khoáng sản hết sức quan tâm, đã đưa nội dung bảo vệ môi trường thành nghị quyết chuyên đề về xây dựng và bảo vệ môi trường vào các hội nghị. Yêu cầu cả hệ thống chính trị phải quan tâm, chăm lo. Tuy nhiên, để yêu cầu các công ty, doanh nghiệp thực hiện triệt để việc xử lý nước thải là hết sức khó khăn, nguyên nhân hầu hết các mỏ quặng thiếc đều ở núi cao hiểm trở. Khi có mưa, nước sẽ cuốn theo bùn, đất vào các hang castơ, sau đó chảy ra các khe suối. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp chưa cao, một số doanh nghiệp thường lợi dụng vào ban đêm, lúc mưa lớn để tháo hồ chứa nước thải; một số người dân địa phương lúc nông nhàn đã cùng nhau mót, đãi quặng thiếc bằng phương tiện thủ công tại các đuôi mỏ của các doanh nghiệp thải ra, trên các dòng khe cạn... đã làm đục dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước. Đây là vấn đề bức thiết, được dư luận luôn quan tâm phản ánh.
Về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của UBND huyện: UBND huyện đã thực sự chăm lo, quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Đã ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo: Công văn 94/UBND-TNMT ngày 8/3/2012 về việc chấn chỉnh hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; Công văn số 302/UBND-MT ngày 15/6/2012 về việc kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản; Công văn số 593/UBND-TN ngày 25/10/2012 về việc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 06-CT/HC của BTV Huyện uỷ để chỉ đạo, phân công các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện Chỉ thị của BTV Huỵện uỷ; Chỉ thị số 17/2013/CT-UBND ngày 22/8/2013 về tăng cường công tác QLNN về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường. 
Đã duy trì Đoàn liên ngành kiểm tra, để chủ động kiểm tra, xử lý vi phạm, năm 2013-2014, đã kiểm tra 136 trường hợp, tham mưu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT 57 trường hợp. Đã có công văn số 291/UBND.MT lập danh sách đưa 10 xưởng, 7 mỏ quặng thiếc thường vi phạm, tái phạm ô nhiễm môi trường vào danh sách cơ sở gây ô nghiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường. Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, thành viên đoàn chủ yếu là kiêm nhiệm, vì vậy công tác kiểm tra chưa được thường xuyên liên tục.
Đã giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND 16 xã có hoạt động khoáng sản thông qua ký cam kết với Chủ tịch UBND huyện về trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và BVMT.
Đã phối hợp với các đoàn công tác của Sở TN&MT kiểm tra về việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản
Đã phối hợp với Đoàn kiểm tra UBND tỉnh do Công an tỉnh chủ trì, cử cán bộ tham gia, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan, trang thiết bị máy móc để phục vụ cho công tác kiểm tra của đoàn để kiểm tra, xử lý vi phạm về khoáng sản và môi trường. Như vậy, theo thông tin đường dây nóng mà nhân dân phản ánh “...vấn đề này, nhân dân địa phương đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền cũng như kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng chưa được giải quyết” là chưa đúng.
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới:
Đoàn liên ngành UBND huyện sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản và nhất là BVMT trên địa bàn, hoạt động mỗi tháng không dưới 10 ngày. Trường hợp doanh nghiệp nào vi phạm, vi phạm nhiều lần mà không có khả năng xử lý hệ thống lắng lọc xử lý môi trường theo Bản cam kết môi trường đã ký, UBND huyện sẽ xử lý nghiêm và báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị đình chỉ sản xuất để khắc phục.
Quy trách nhiệm cho Chủ tịch UBND 16 xã có hoạt động khoáng sản đã ký cam kết với Chủ tịch UBND huyện về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Nếu Chủ tịch UBND xã nào thiếu tinh thần trách nhiệm buông lỏng quản lý Nhà nước nhất là lĩnh vực BVMT thì UBND huyện sẽ báo cáo BTV Huyện uỷ để xem xét, xử lý.
Tiếp tục phối hợp tốt với các đoàn kiểm tra do UBND tỉnh, các sở, ngành thành lập để kiểm tra, xử lý vi phạm về khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Trên đây là báo cáo về một số nội dung mà Báo Nghệ An phản ánh. UBND huyện Quỳ Hợp luôn luôn ghi nhận và cảm ơn sự cộng tác của các cơ quan thông tin đại chúng. Sự hợp tác của quý báo là một trong những điều kiện để UBND huyện thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.
UBND huyện Quỳ Hợp

Tin mới