Ý kiến bạn đọc về dịch vụ tiền lẻ, an toàn giao thông...

(Baonghean) - Xử lý nghiêm dịch vụ kinh doanh tiền lẻ
Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ, hành vi đổi tiền lẻ sẽ được xử lý nghiêm và mức phạt có thể từ 20 - 40 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tượng kinh doanh tiền lẻ vẫn diễn ra lén lút ở một số điểm...
Trong vai một người đi đổi tiền lẻ để đặt lễ, ghé vào một quầy bán đồ lễ trên đường dẫn vào đền H. Khi thử hỏi đổi tiền lẻ, chủ quầy hàng ban đầu tỏ ra rất dè chừng. Tuy nhiên, sau một vài câu hỏi han liên quan đến việc bày lễ, chủ cửa hàng không ngần ngại chỉ ra từng loại giá mời chào để đổi tiền lẻ. Tiếp đó, tại quầy bán hàng có tên là H.A, khi chúng tôi hỏi đổi tiền lẻ, chủ cửa hàng không ngần ngại cho biết, vì năm nay ngân hàng không in tiền mới mệnh giá nhỏ, vì vậy không có tiền sêri, chỉ có tiền đã lưu thông nhưng còn mới, giá đổi tiền ở đây là “10 ăn 8” (đổi 100.000 đồng khách hàng lấy lại 80.000 đồng tiền lẻ) với mệnh giá 2.000, 1.000, 500 đồng; tiền 5.000 đồng trở lên thì “10 ăn 9” (đổi 100.000 đồng lấy về 90.000 đồng). Tương tự, tại một quầy hàng khác không đề biển bảng, khi chúng tôi ngỏ ý đổi tiền lẻ mệnh giá 1.000, 2.000, chủ cửa hàng nhanh nhảu ra giá “10 ăn 8”…
Hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra.
Hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra.
Không chỉ đổi tiền lẻ tại các di tích, hoạt động đổi tiền lẻ còn diễn ra ngay trên trang mạng xã hội, các trang rao vặt. Trên các trang mạng đổi tiền lẻ cung cấp rất cụ thể mệnh giá, chiết khấu % chênh lệch, địa chỉ, số điện thoại liên lạc... Một địa chỉ facebook mang tên Doitien… có lời quảng cáo hết sức bắt mắt: “Phục vụ nhu cầu đổi tiền lẻ của các bà con, anh chị em trên địa bàn TP. Vinh vào dịp Tết Nguyên đán 2015”. Mức phí ăn chênh lệch từ 5 - 30%. Tiền mệnh giá càng thấp, tỷ lệ chênh lệch càng lớn. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần gọi điện thoại là có thể được giao ngay trong ngày trên địa bàn thành phố.
Để chấm dứt hiện tượng kinh doanh tiền lẻ, sử dụng tiền lẻ tại các di tích, bên cạnh những quy định đã có, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt kiểm tra, xử phạt của ngân hàng và các đơn vị liên quan như Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chi cục Quản lý thị trường, lực lượng Công an. Về phía người dân, cần thay đổi thói quen “rải tiền lẻ” ở các ban thờ nhằm cầu lộc, cầu tài, nêu cao ý thức gìn giữ văn hóa tại các lễ hội, đền, chùa, không để thói quen sử dụng tiền lẻ của mình trở thành điều kiện để các đối tượng kinh doanh tiền lẻ tồn tại như hiện nay. 
“Tiếp tay” cho tai nạn giao thông
Thời gian gần đây, tình trạng người dân tự ý tháo gỡ rào chắn của dải phân cách, tạo lối tắt ngang để băng qua đường trên tuyến QL1A đoạn qua huyện Diễn Châu xảy ra ngày càng nhiều. Nhiều nhất ở địa bàn các xã Diễn Ngọc, Diễn Kỷ, Diễn Hồng, Yên Lý. Trong đó nổi cộm là đoạn đường thuộc xóm 6, xóm 7 xã Diễn Kỷ. Theo quan sát trên chiều dài hơn 100m đã có đến gần 10 điểm rào chắn phân cách bị tháo gỡ. Hành vi ý thức này gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, trực tiếp đe dọa đến tính mạng của nhiều người. 
Đoạn lưới phân cách bị người dân phá dỡ  làm lối đi tắt tại xã Diễn Kỷ (Diễn Châu).
Đoạn lưới phân cách bị người dân phá dỡ làm lối đi tắt tại xã Diễn Kỷ (Diễn Châu).
Dải phân cách Quốc lộ 1A có chiều cao khoảng 1,5m, trong đó phía dưới là làm bằng bê tông, phía trên được lắp đặt thêm các tấm rào chắn. Mỗi tấm rào chắn có chiều cao khoảng 50 cm, dài khoảng 1,2m. Phần lớn người dân tham gia giao thông đều cho rằng, sau khi QL1A được mở rộng, nâng cấp và với việc lắp đặt hệ thống dải phân cách gắn rào chắn đã tạo thuận lợi trong việc đi lại. Bên cạnh đó góp phần quan trọng đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự.
Trước vấn đề nêu trên, đề nghị cơ quan chức năng, các cấp chính quyền huyện Diễn Châu nhanh chóng vào cuộc khắc phục, trả lại hiện trạng cho tuyến QL1A. Đồng thời xem xét, nghiên cứu những điểm cần mở thêm đường ngang dân sinh tạo điều kiện cho người dân trong vùng. Nên chăng tính đến phương án mở cầu vượt đường bộ nếu thấy cần thiết. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần điều tra, xử lý nghiêm khắc những trường hợp cố tình thay đổi kết cấu công trình giao thông,  phá hoại tài sản quốc gia. 
Để sạch nhà, đẹp phố
Bảo vệ môi trường rất cần sự chung tay của người dân. Mỗi người ý thức từ những việc nhỏ như bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác ra đường, dọn dẹp vệ sinh nơi ở, xung quanh nhà,… hành động đó không chỉ thể hiện nếp sống văn minh, mà còn là việc làm cụ thể nhất để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, phòng tránh các dịch bệnh nguy hiểm đối với con người. 
Rác tập kết không đúng nơi quy định trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Vinh).
Rác tập kết không đúng nơi quy định trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Vinh).
Tuy nhiên, sạch đẹp không chỉ cho gia đình mình mà còn phải đảm bảo mỹ quan đô thị, khu phố, xóm làng. Trên địa bàn Thành phố Vinh vẫn còn những hình ảnh chưa sạch, đẹp do ý thức của người dân. Trên đường Minh Khai từ sáng rác đã chất thành  đống với những hoa tàn và các phụ kiện cắm hoa; dọc vỉa hè trên đường Hồng Bàng vẫn còn rất nhiều đống rác nhỏ. Thậm chí, nhiều người không quan tâm đến thời gian thu gom rác, đưa rác ra đường bất kỳ thời gian nào trong ngày và chờ người thu gom, miễn sạch nhà mình nên mới có hình ảnh trước nhà của một số gia đình, hoặc dưới gốc cây trong xóm để nguyên bịch rác suốt cả ngày. Để sạch nhà, đẹp phố quả thực rất cần ý thức của người dân và cả trách nhiệm của cán bộ khối xóm, đô thị. Nếu nhắc nhở không hiệu quả, đổ rác không đúng nơi, không đúng thời gian quy định sẽ bị xử phạt thì đường phố, khối xóm chắc chắn sẽ sạch hơn, văn minh hơn.  
P.V - CTV

Tin mới