Đáng thương và đáng trách

(Baonghean) - Chị là người phụ nữ đơn thân, mạnh mẽ, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, đảm bảo chăm lo cho 2 con đang tuổi ăn, tuổi học. Hoàn cảnh của chị lẽ ra sẽ nhận được sự cảm phục, sẻ chia của bà con lối xóm nhưng chính những hành động thái quá, chị đang tự tách mình ra khỏi cộng đồng.

Nhà chị nằm khuất trong một ngõ nhỏ, bao gồm căn nhà cấp 4, được bố trí, sắp xếp ngăn nắp với đầy đủ các tiện nghi cần thiết và căn nhà ngang đổ mái bằng, được sơn màu xanh mát mắt cùng với hệ thống chăn nuôi được xây dựng khá quy củ. Ngồi tiếp chuyện với tôi trong căn nhà nhỏ, kể về mình, chị bùi ngùi: Cuộc sống của chị không được may mắn như những người khác. Ngoài 20 tuổi, chị lấy chồng nhưng được 8 tháng do 2 người không đồng thuận nên chia tay. Chị về ở với bố mẹ đẻ. Bố mẹ chị có 7 người con, tất cả đều là con gái. Vì vậy mà chị kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc bố mẹ mà không đi bước nữa. 2 đứa con gái lần lượt ra đời trong sự dèm pha, nghi kị của hàng xóm. Chị tần tảo sớm hôm để đủ tiền trang trải cho con ăn học. Năm 2011, chị được nhân dân trong xóm tín nhiệm bầu làm thanh tra viên giám sát cộng đồng. Đến năm 2012, chị tiếp tục được bầu làm chi hội phó Chi hội nông dân của xóm. Với sự năng nổ, hăng say, chị đã đưa phong trào của chi hội ngày càng đi lên, được các cấp khen ngợi. 

Minh họa: Hồng Toại
Minh họa: Hồng Toại
Xen lẫn trong câu chuyện là những giọt nước mắt buồn tủi của người phụ nữ có hoàn cảnh đáng thương. Chị cho biết, vì chị phanh phui những sai trái của cán bộ xóm nên trong các lần bầu thanh tra viên và chi hội nông dân chị bị ngăn cản và trù dập. Như khi bầu thanh tra viên kiêm giám sát cộng đồng, chị được số phiếu cao nhưng kết quả vẫn không được chấp nhận, mặc dù phải bầu đến 3 lần. Hay như đại hội chi hội nông dân xóm nhiệm kỳ 2015-2017, chị cũng được số phiếu cao nhưng cuối cùng kết quả đại hội không được công nhận. Chị còn phản ánh những khuất tất của cán bộ xóm như: việc bình xét hộ nghèo năm 2015, tổ chấm điểm của xóm chấm không khách quan nên chị không được bình xét; việc cấp gạo cứu đói dịp Tết không đúng chủ trương, không đúng đối tượng, những gia đình có hoàn cảnh khá cũng được nhận gạo; Việc chuyển đổi ruộng đất của xã không công bằng, cán bộ được thêm đất còn gia đình chị T (chị gái của chị) trước đã được chia đất nhưng nay lại không được chia nữa mà không có giải thích thỏa đáng. 
Khi nghe những lời kể của chị, chúng tôi không khỏi buồn lòng với cách làm của cán bộ xóm đối với hoàn cảnh như chị. Nhưng quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nhiều người dân trong xóm mặc dù không đồng tình với cách làm của cán bộ, song cũng không đồng tình với những việc làm của chị. Khách quan mà nói, việc để chị viết đơn phản ánh, trách nhiệm của cán bộ xã, xóm là không hề nhỏ. Bởi khi xóm tổ chức bầu thanh tra nhân dân kiêm giám sát cộng đồng và cán bộ chi hội nông dân không đúng với điều lệ, quy định của hội, hướng dẫn cấp trên. Theo quy định thì số lượng hội viên tham dự phải quá 2/3 nhưng qua 3 lần bầu thì lần nào cũng chỉ có hơn 1/3 hội viên tham gia. Đây là việc làm hết sức tắc trách của cán bộ xóm, xã nên mặc dù chị có số phiếu cao hơn nhưng khi gửi kết quả lên xã và xã gửi lên huyện thì không được công nhận. Điều này đã khiến chị bức xúc và mất niềm tin vào đội ngũ cán bộ xóm, xã.
Về vấn đề bình xét hộ nghèo năm 2015, việc chị không có danh sách là đúng với thực tế. Tuy nhà chị hoàn cảnh đáng thương, một mình chị phải nuôi 2 con ăn học nhưng điều kiện sinh hoạt khá hơn nhiều gia đình khác. Hơn nữa, trước đây chị đã được hưởng chế độ hộ nghèo nhiều năm, được nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng để sữa chữa nhà ở. Khi chấm điểm nhà chị có số điểm vượt khung (73/40 điểm) nên xóm không đưa ra bình xét. Chị có nguyện vọng được nằm trong hộ nghèo để giảm chi phí học hành cho 2 đứa con nhưng chỉ tiêu ít, trong khi còn có những gia đình khác đáng thương hơn...
Đối với nội dung chị phản ánh cán bộ xã, xóm khuất tất trong việc chuyển đổi ruộng đất là chưa có cơ sở. Chị T (chị gái của chị) là cán bộ hưu trí được nghỉ hưu theo diện mất sức. Qua các hồ sơ danh sách chia đất theo Nghị định 64/NĐ-CP năm 1993 còn lưu ở xã và xóm thì không có tên của chị T. Nguyên nhân là do chị T không thuộc diện được chia đất. Nhưng điều lạ là năm 1995, chị T lại được chia 370 m2 đất sản xuất nông nghiệp, thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do huyện cấp. Theo lý giải của cán bộ địa chính và cán bộ xóm thì khi chị T về hưu, xã có cho mượn 2 thửa ruộng để sản xuất. Nhưng sau khi xã thực hiện chuyển đổi ruộng đất vào năm 2013 thì chị T không nằm trong diện được chia đất. Mặc dù xóm đã thực hiện đúng, song không giải thích rõ với chị nên cũng đã dẫn tới hiểu nhầm của chị.
Về nội dung chị phản ánh cấp gạo cứu đói dịp Tết năm 2015 có vi phạm đã được UBND xã kiểm tra và khẳng định là đúng. Khi nhận được phản ánh của chị, xã đã lập đoàn kiểm tra và khẳng định những phản ánh của chị có cơ sở. Xã đã yêu cầu xóm trưởng viết bản tường trình và thu hồi gạo của những đối tượng sai quy định để cấp cho các đối tượng đúng quy định. Ông xóm trưởng cũng đã thừa nhận, theo chủ trương xóm làm như vậy là sai và đã nhận lỗi, đồng thời thu hồi gạo của một số gia đình không có trong danh sách. 
Sau khi nhận được đơn của chị, xã đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh xử lý từng nội dung và có thông báo kết luận gửi cho chị. Nhưng không đồng tình, chị lại gửi đơn đến cấp cao hơn. Sau đó, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, UBND xã, UBMTTQ, Hội nông dân xã cũng đã trả lời chị rõ các vấn đề. Rồi cấp huyện cũng kiểm tra và đã có các thông báo kết luận trả lời về nội dung mà chị phản ánh. Song, chị vẫn không chấp nhận.
Trong quá trình đi tìm hiểu, xác minh nội dung đơn, chúng tôi nhận được ý kiến phản ánh của một số người dân trong xóm  về chị. Nhiều người cho rằng, đáng lẽ chị là một người đáng thương nhưng vì cách sống của chị khiến chị thành người đáng trách. Họ còn phản ánh chị đã “ẵm” số tiền trợ cấp theo chế độ đơn thân của một hoàn cảnh đáng thương trong xóm nhiều năm qua. Sự việc đang được UBND xã xác minh nhưng qua trao đổi thì chị đã thừa nhận có sự việc trên nhưng không nhớ số tháng, số tiền là bao nhiêu.
Như vậy, những nội dung trong đơn chị gửi cho Báo Nghệ An có một phần đúng, thể hiện việc làm tắc trách của cán bộ xóm trong việc bầu cử cũng như cấp gạo cứu đói, cần phải được xử lý nghiêm. Mặc dù, sự việc đã được các cấp, ngành cấp trên làm rõ, song chị vẫn không đồng tình và tiếp tục có đơn gửi nhiều nơi đã không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của bà con hàng xóm. Bản thân chị là một hoàn cảnh đơn thân đáng được nhận sự cảm thương, chia sẻ của bà con hàng xóm, nhưng với sự cố chấp của mình chị đang đổi sự đáng thương ấy trở thành đáng trách…
Nguyên Hưng

Tin mới