Quy hoạch báo chí là cần thiết và cấp bách

Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị phổ biến quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 bày tỏ sự đồng tình với việc cần thiết phải quy hoạch lại báo chí.
Quy hoạch là sắp xếp lại, thay đổi cơ bản cấu trúc theo một trật tự nhất định. Nếu nói đến mức độ ảnh hưởng đến từng cơ quan báo chí không phải là không có. Mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí sẽ có những tâm tư, lo lắng khác nhau. Nhưng nhiều người đồng tình quan điểm, đã đến lúc phải quy hoạch lại báo chí. Bởi, chính thực tiễn báo chí gần đây đã bộc lộ quá nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh một cách triệt để ở tầm vĩ mô. Chỉ có quy hoạch lại, báo chí mới có thể loại bỏ được những khuynh hướng xấu như bị “lá cải hóa”, giật gân câu khách, bị “thương mại hóa”, bị tư nhân chi phối và làm mờ nhạt lòng tin của công chúng với báo chí...
“Quy hoạch báo chí là cần thiết và cấp bách”
Phát biểu tại hội nghị phổ biến quy hoạch báo chí, Nhà báo Nguyễn Như Phong cho rằng: “Việc đưa ra quy hoạch báo chí là hết sức cần thiết và cấp bách. Quy hoạch đưa ra là phù hợp với thực tiễn”. Mặc dù, bản thân Nhà báo Như Phong cũng có nhiều băn khoăn thắc mắc về bài toán nhân sự, bài toán xử lý các ấn phẩm viết “kiểu lá cải” và vấn đề trách nhiệm cơ quan chủ quản “đẻ ra báo” mà không nuôi được báo, khiến anh em báo chí khó khăn tự bươn trải dẫn đến nhiều hệ lụy phía sau.
Nhà báo Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập Báo Năng Lượng Mới: “Quy hoạch báo chí là cần thiết và cấp bách”
Nhà báo Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập Báo Năng Lượng Mới: “Quy hoạch báo chí là cần thiết và cấp bách”
Sau khi nghe ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí giải thích về những thắc mắc của mình, bên lề hội nghị, Nhà báo Nguyễn Như Phong tiếp tục chia sẻ cùng các phóng viên báo chí. Ông Phong cho rằng: “Vấn đề nhân sự là vấn đề chúng ta rất lo lắng và anh em báo chí cũng rất lo. Nếu theo quy hoạch sẽ có nhiều tờ báo của các cấp hội, đoàn thể sẽ phải từ báo xuống tạp chí, thậm chí phải giải tán. Có lượng đông anh em phải thất nghiệp. Trong chỉ đạo của Bộ Chính trị tránh đến mức tối đa việc này. Bảo vệ đời sống cho anh em báo chí. Lãnh đạo vừa giải thích rồi. Cái này phải có lộ trình, thứ 2 sắp xếp lại cơ quan báo chí, để cho mạnh lên. Đặc thù, quy hoạch này được tổ chức, tính toán một cách kỹ lưỡng, đặc biệt tính toán đến vị trí của các tờ báo, tờ nào cần để, tờ nào không cần để. Ảnh hưởng xã hội của tờ báo như thế nào?”
Tuy vẫn còn những lo lắng như vậy, nhưng ông Nguyễn Như Phong cũng bày tỏ sự tin tưởng: “Nếu quy hoạch báo chí thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và quan điểm của Thủ tướng Chính phủ, tôi nghĩ rằng, không có gì quá lo lắng”.
Ngoài ra, ông Nguyễn Như Phong cũng nhấn mạnh đến vai trò của cơ quan chủ quản. Điều này, cũng được dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đưa vào và trong định hướng quy hoạch báo chí, trách nhiệm vai trò cơ quan chủ quản báo chí đã được đặt ra rất rõ ràng. Theo ông Phong: “Cơ quan chủ quản đã sinh ra tờ báo là phải đảm bảo được kinh phí tối thiểu để phát triển tờ báo. Một khi đã không đảm bảo được điều kiện để tờ báo hoạt động mà phải để cơ quan báo chí chạy theo lợi nhuận. Phải đi viết theo kiểu “đâm thuê chém mướn” để kiếm tiền thì đó là lỗi tại cơ quan chủ quản. Lúc đấy người đứng đầu cơ quan chủ quản là người sinh ra tờ báo thì phải chịu trách nhiệm”.
“Quy hoạch báo chí giảm được sự chồng chéo, giảm lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước”
Trả lời PV Infonet bên lề hội nghị phổ biến quy hoạch báo chí, ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị cũng khẳng định: “Tôi thấy đề án quy hoạch giảm bớt đầu mối cơ quan báo chí không cần thiết”.

Ông Hoàn chia sẻ: “Với địa phương, theo tôi sắp xếp như vậy là phù hợp. Địa phương có một kênh phát thanh, một kênh truyền hình. Báo in có một tờ báo in của Đảng bộ, một tờ tạp chí của Hội văn học nghệ thuật địa phương. Những tỉnh nào nằm trong vùng trọng điểm có thể đề xuất thêm tạp chí. Như vậy là phù hợp và tiện trong quản lý và đảm bảo cho các cơ quan báo chí được hoạt động đúng tôn chỉ mục đích theo giấy phép, tránh chồng chéo chức năng và lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước”

Ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị: “Quy hoạch báo chí giảm được sự chồng chéo, giảm lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước”.
Ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị: “Quy hoạch báo chí giảm được sự chồng chéo, giảm lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước”.
“Đến lúc cần phải có sự quy hoạch này”
Chia sẻ quan điểm cùng Infonet, ông Phan Tấn Linh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, quy hoạch như vậy là tạo thuận lợi cho công tác quản lý báo chí và tạo điều kiện tốt cho báo chí hoạt động.
Ông Phan Tấn Linh giải thích: “Như chúng ta đã biết, hiện trạng báo chí hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí trên cả nước. Với số lượng rất lớn những người làm báo, kể cả có thẻ nhà báo và không có thẻ nhà báo. Việc quản lý các đầu mối báo chí ở địa phương là rất khó”.
Ông Phan Tấn Linh bày tỏ tin tưởng: “Quy hoạch này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý nhà nước về báo chí ở cả địa phương và trung ương. Chúng ta phải thấy rõ rằng đây là việc hết sức cần thiết. Trước đây, chúng ta cấp quá nhiều giấy phép hoạt động báo chí cho quá nhiều cơ quan báo chí, do đó có sự chồng chéo, không hiệu quả mà lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Đến lúc cần phải có sự quy hoạch này”.
Ông Phan Tấn Linh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh: “Đến lúc cần phải có sự quy hoạch này”
Ông Phan Tấn Linh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh: “Đến lúc cần phải có sự quy hoạch này”
Tại phần nội dung cơ bản của đề án quy hoạch báo chí, do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trình bày, vai trò và những đóng góp của báo chí được đề cao. Điều này cũng đòi hỏi sự góp sức của báo chí với công cuộc phát triển đất nước trong tình hình hiện nay lại càng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, đề án cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong thực tiễn của báo chí hiện nay. Đây là cơ sở thực tiễn, tình thế cấp thiết cần phải có sự điều chỉnh, thay đổi cơ bản hệ thống báo chí hiện tại. Bởi, hệ thống báo chí nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ.
Xu hướng “thương mại hoá” trong hoạt động báo chí, khai thác thông tin thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội, nhiều nội dung tin bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút; có hiện tượng một số báo điện tử, kênh chương trình phát thanh, truyền hình,... bị tư nhân chi phối đã làm giảm chất lượng chính trị, chất lượng văn hoá, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ của báo chí.
Mặt khác, lãnh đạo một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Quy trình biên tập, duyệt bài chưa được coi trọng và thực hiện nghiêm túc, cá biệt có trường hợp thậm chí không qua thẩm định, xác minh dẫn tới một số cơ quan báo chí và nhà báo đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trách nhiệm, thông tin sai nhiều nhưng không cải chính, vi phạm đạo đức người làm báo, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, vai trò quản lý Nhà nước, vai trò của cơ quan chủ quản báo chí chưa được phát huy nên hiệu lực quản lý còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của các loại hình báo chí trong tình hình mới; Chưa nghiên cứu, phân loại, xác định tính chất, nhiệm vụ của báo chí để có cơ chế, chính sách phù hợp; Cần tăng cường hơn nữa các biện pháp, chế tài xử lý những vi phạm để bảo đảm kỷ cương trong công tác quản lý báo chí;
Song song với đó, việc cung cấp thông tin cho báo chí thiếu kịp thời, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan báo chí.
Ngoài ra, vẫn còn sự chênh lệch lớn về sự hưởng thụ thông tin báo chí giữa các khu vực, địa bàn, vùng, miền.
Theo Infonet

Tin mới