Chính phủ tiếp xúc với dân qua Facebook: Sẽ giảm bớt chính sách ở trên trời

"Căn cứ vào đó, những chính sách, biện pháp thi hành để thực hiện pháp luật hợp lòng dân hơn, gần gũi với người dân hơn, sẽ giảm bớt những chính sách “trong tủ kính” hoặc chính sách máy lạnh, chính sách ở trên trời"- Đại biểu QH Nguyễn Thanh Hải nói.
Thông tin Chính phủ đang thử nghiệm cung cấp thông tin qua mạng xã hội khiến nhiều người rất quan tâm. 
Để góp thêm cái nhìn về sự việc này, PV đã có cuộc phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bên lề kỳ họp.
1
ĐBQH Lê Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ý kiến
Thưa bà, mới đây Chính phủ đã thử nghiệm cung cấp thông tin, giao tiếp với người dân qua Facebook, điều này khiến nhiều người rất quan tâm, hào hứng. Xin bà cho biết quan điểm của mình?
Quan điểm của tôi rất ủng hộ. Chính phủ càng gần với người dân càng tốt. Có thể có nhiều biện pháp, nhiều hình thức. Từ việc tiếp xúc người dân như chương trình “Dân hỏi bộ trưởng trả lời” và nhiều hình thức khác. 
Tôi thấy, việc Chính phủ lên Facebook để sẵn sàng trả lời là cách tận dụng sự phát triển của mạng xã hội và khai thác nó theo hướng tích cực.
Tôi cũng hy vọng rằng với hình thức này, người dân sẽ được bày tỏ quan điểm của mình, cũng như những người công tác hành pháp, các cơ quan Chính phủ lắng nghe tiếng nói của người dân nhiều hơn nữa. Căn cứ vào đó, những chính sách, biện pháp thi hành để thực hiện pháp luật hợp lòng dân hơn, gần gũi với người dân hơn, sẽ giảm bớt những chính sách “trong tủ kính” hoặc chính sách máy lạnh, chính sách ở trên trời.
Bên cạnh việc Chính phủ nghe tiếng nói của dân, người dân sẽ hiểu được cơ sở về mặt lý thuyết về hoạt động hành pháp. Từ đó sẽ tiếp cận được thông tin 2 chiều. Dân thì tiếp cận gần hơn với chính sách của Đảng và Nhà nước, còn cơ quan Nhà nước có thể nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân một cách nhanh chóng và thực tế.
Thưa bà, với tư cách là một đại biểu dân cử, bà thường sử dụng phương pháp nào để tiếp cận với người dân?
Tôi vẫn tiếp xúc với người dân bằng cách tiếp xúc cử tri, trước kỳ họp và sau kỳ họp. Một năm có 4 lần đi tiếp xúc cử tri. Mỗi lần tiếp xúc cử tri 3-5 ngày, mỗi ngày 2 buổi.
Thứ 2, chúng  tôi công bố số điện thoại và Email tại đoàn Quốc hội tỉnh, .
Ngoài ra, các cử tri vẫn gọi điện trực tiếp, qua email, phối hợp với người dân để phản ánh nguyện vọng cần thiết.
Thưa bà, bà có cho rằng, việc sử dụng Facebook sẽ khiến cho đại biểu dân cử và cơ quan hành chính sẽ gần dân hơn không?
Trong khuôn khổ nào đó, còn phụ thuộc vào điều kiện, cơ sở vật chất, không phải chỗ nào, đại biểu quốc hội cũng có điều kiện để tiếp cận với internet, thông qua 3G hoặc wifi. Tôi nghĩ rằng đây cũng là hình thức, các đại biểu Quốc hội nếu có hiểu biết về mặt công nghệ như là nhận thấy tác dụng tích cực của Facebook để có thể tiếp cận với người dân. Đó cũng là một phương pháp.
Tuy nhiên, tôi nghĩ có nhiều phương pháp để có thể tiếp cận. Điện thoại, email, thông qua đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh…
Thực tế, thời gian của các đại biểu Quốc hội không quá nhiều. Ngoài thời gian họp ở hội trường còn thảo luận tổ. Trong thời gian không họp ở kỳ họp đi giám sát, thẩm tra, thẩm định dự án luật.
Vấn đề đặt ra, nếu Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thu thập ý kiến của người dân và phân định rõ, tránh trùng lặp. Điều này cũng giúp ĐBQH tiếp cận dễ dàng.
Tất nhiên, Facebook, là mạng xã hội, đặc biệt giới trẻ dùng. Facebook phù hợp với những cử tri trẻ muốn tiếp cận với chính khách, tiếp cận cơ sở ban hành chính sách pháp luật.
Mỗi loại hình, phương pháp tiếp cận có cái hay, cái thuận tiện riêng.
Sắp tới bà có dự định dùng Facebook để giao tiếp với người dân không?
Điều này còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện. Hiện nay, chúng tôi vẫn nhận được đều đều kiến nghị của cử tri. Qua điện thoại, email chúng tôi thấy cũng khá thuận tiện.
Tuy nhiên, sử dụng hình thức khác như mạng xã hội, chúng tôi sẽ suy nghĩ trong tương lai.
Xin cảm ơn bà!
Theo Infonet.vn
TIN LIÊN QUAN

Tin mới