Liên tiếp các nhà báo bị hành hung: Nỗi lo của người cầm bút

Dư luận vẫn đang xôn xao và bất bình khi nhắc đến việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động) bị hành hung dã man khi trên đường đi tác nghiệp. Những vụ tấn công nhà báo đang khiến dư luận và chính bản thân những người cầm bút cảm thấy bất an… 

Bị truy sát, đánh đập dã man

Những hình ảnh các nhà báo, phóng viên bị đánh đập dã man trong thời gian qua.
Những hình ảnh các nhà báo, phóng viên bị đánh đập dã man trong thời gian qua.

Cách đây chưa đầy một tuần, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (SN 1976, công tác tại Báo Lao Động) - một trong những nhà báo chuyên viết các bài phóng sự điều tra - đã bị một nhóm côn đồ hành hung dã man khi đang trên đường đi tác nghiệp. Không phải từ vụ việc này, mà liên tiếp các vụ trước đây nữa, nên đã đến lúc, Quốc hội và các cơ quan hữu quan cần soạn ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ nhà báo khi đang tác nghiệp cũng như ngăn chặn hành vi trả thù đối với những người cầm bút. 

Có thể nói, tấn công nhà báo là tấn công vào thiết chế dân chủ hóa minh bạch của xã hội, tấn công vào quyền được tiếp cận thông tin của người dân và sự tôn nghiêm của pháp luật...

Trước khi nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung, vào ngày 18.3, anh Nguyễn Quang Hải - PV của VTCnews - đang tác nghiệp tại đoạn trước số 20 phố Láng Hạ thì bị một số nhân viên của nhà hàng Queen Bee chửi bới, kéo vào ngõ 22 Láng Hạ đánh vào người, giật điện thoại và xoá hết tư liệu. Sau đó những người này còn đưa phóng viên vào quán cà phê đe dọa, đánh vào đầu. Cho đến khi có công an tới hiện trường, anh Hải mới được giải cứu.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng (phải ảnh) thăm hỏi, động viên nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Ảnh: ĐẶNG TIẾN
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng (phải ảnh) thăm hỏi, động viên nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Ảnh: ĐẶNG TIẾN

Vào ngày 4.9.2015 nhà báo Nguyễn Ngọc Quang - Phó Trưởng phòng Thời sự Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) tỉnh Thái Nguyên - cũng là nạn nhân bởi một nhóm đối tượng lạ mặt truy sát. Theo đó, anh Quang cùng vợ đang đi xe ôtô mang BKS 97H-27xx hướng Đồng Hỷ - TP.Thái Nguyên, khi đến khu vực cầu Gia Bảy, bất ngờ có 2 đối tượng đi xe máy không đội mũ bảo hiểm chặn xe. 

Sau đó, 2 đối tượng này đã cầm búa đinh và dao đập cửa kính ôtô bên ghế lái và dùng dao chém tới tấp vào người khiến anh Quang bị thương nặng. Sau 4 tháng vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt được Phạm Anh Huy (24 tuổi, trú xóm Ngò, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) - nghi can chủ mưu trong vụ truy sát nhà báo Nguyễn Ngọc Quang.

Cấp công cụ hỗ trợ cho nhà báo?

Một vụ tấn công nhà báo cũng khá nghiêm trọng xảy ra vào đầu tháng 6.2015. Theo đó, phóng viên (PV) Vĩnh Phú và Linh Hoàng của Báo Giao Thông đang trong quá trình tác nghiệp tại cầu Tăng Long, phường Long Trường (quận 9, TPHCM) thì bị một nhóm đối tượng xông đến đánh đập, cướp máy quay phim. 

Theo tường trình, sau khi tác nghiệp tại khu vực cầu Tăng Long, 2 PV đến ngồi uống nước tại một quán cà phê trên đường Lã Xuân Oai, khu phố Phước Hiệp, phường Long Trường. Trong lúc đang ngồi uống nước, 2 PV đã bị một nhóm thanh niên (khoảng 7 người) xông vào giật máy quay, dùng đá đập vào đầu gối và đánh đấm túi bụi. Các đối tượng này vẫn không buông tha và truy đuổi hơn 500m khiến 2 PV phải chạy xuống phía bờ sông gần đó để lẩn trốn.

Cách đây 6 năm, ngày 6.1.2010, làng báo cũng rúng động khi biết tin nhà báo Trần Thế Dũng - PV Báo Người Lao Động - đã bị một nhóm cửu vạn buôn lậu hành hung dã man ở Lạng Sơn. Sau đó, thủ phạm hành hung nhà báo Dũng được xác định là Phan Bình An, (SN 1975, trú tại số 12, ngõ 13, đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, TP.Lạng Sơn), chỉ bị xử lý hành chính. 

Hay như giữa năm 2011, khi đang đổ xăng tại cây xăng ở TP.Vinh, nhà báo Võ Thanh Mai - công tác tại Báo Nông Nghiệp Việt Nam, thường trú tại Nghệ An - đã bất ngờ bị 2 đối tượng đi trên một xe máy dùng kiếm tấn công rồi lên xe máy tẩu thoát. Được biết, nhà báo Võ Thanh Mai có nhiều bài viết phản ánh tình trạng tiêu cực ở Nghệ An, có thể đây là nguyên nhân dẫn đến anh bị côn đồ tấn công.

Về vấn đề này, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Việc trang bị công cụ cho các nhà báo, luật sư hoạt động cũng là cần thiết và nên xem xét. Tuy nhiên, cũng cần phải nghiên cứu kỹ, tránh những trường hợp lạm dụng công cụ được hỗ trợ mà làm vượt quá tầm kiểm soát gây ra một số việc xấu không đáng có.

Trở lại vụ việc của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, luật sư Trần Thu Nam cho hay, trước hết, nhà báo Hoàng cần phải đi giám định thương tật, nếu kết quả giám định của cơ quan chuyên môn xác đinh tỉ lệ thương tật của nhà báo Hoàng dưới 11% thì các đối tượng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 BLHS với tình tiết “có tính chất côn đồ”.

Theo Laodong.com.vn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới