Vụ 'chê phóng viên xấu, già mồm không tiếp' và quy định tại Luật Báo chí mới?

Gần đến ngày 21/6, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chuyện đời, chuyện nghề của người làm báo lại được nhắc đến nhiều hơn. Nhưng vẫn nhức nhối chuyện “cản trở hoạt động báo chí hợp pháp của nhà báo, phóng viên".
Trước đây vài ngày, báo Người đưa tin đăng bài nói về một trưởng phòng của Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế đã có hành vi cản trở, có dấu hiệu xúc phạm danh dự, nhân phẩm của phóng viên, nhà báo. Trưởng phòng này đã ngăn cản không cho phóng viên vào phản ánh tình hình, khi nữ PV báo Thừa Thiên Huế lên tiếng thì ông trưởng phòng này nói rằng: “Đã xấu lại còn già mồm. Đẹp người ta mới tiếp, xấu thì không tiếp".
Câu nói phản cảm này đã khiến cho cộng đồng mạng xôn xao bình luận. Vấn đề “cản trở hoạt động báo chí”, vấn đề bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên, nhà báo hơn lúc nào hết được nhắc lại. Nhiều phóng viên băn khoăn, Luật Báo chí mới có quy định gì để bảo vệ quyền hoạt động báo chí của phóng viên nhà báo, quyền tự do báo chí của công dân?
Hành vi cảm trở hoạt động báo chí hợp pháp cần phải lên án (Ảnh: Người đưa tin)
Hành vi cảm trở hoạt động báo chí hợp pháp cần phải lên án (Ảnh: Người đưa tin)
Thực tế, không phải đến Luật Báo chí mới, việc bảo hộ quyền tác nghiệp của báo chí mới được đặt ra. Từ Luật Báo chí năm 1989, đến Luật báo chí sửa đổi bổ sung năm 1999 đều đã quy định bảo vệ nhà báo. Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 quy định: “Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật” (Điều 15, Luật Báo chí 1999).
Tiếp thu quan điểm bảo vệ quyền tác nghiệp của báo chí, tại Điều 9 Luật Báo chí năm 2016, có hiệu lực vào ngày 1/1/2017 (sau đây gọi là Luật Báo chí mới) nghiêm cấm các hành vi sau: “Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng.
Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Như vậy là, từ quyền của nhà báo với từ ngữ nhẹ nhàng “không ai”, Luật Báo chí mới đã đưa hành vi này vào hành vi bị “nghiêm cấm”.
Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Tp Hà Nội) cho rằng, việc đưa hành vi cản trở hoạt động báo chí (bao gồm cản trở in, đăng phát, cản trở hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật) vào quy định “cấm” là đã nâng mức độ bảo vệ cao hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng và bản thân phóng viên nhà báo bảo vệ quyền tác nghiệp của báo chí tốt nhất.
Cao hơn, Luật Báo chí mới còn mở rộng hơn nữa quy định quyền tự do báo chí của công dân ở điều 10 như sau: Tại điều Điều 10, Luật báo chí mới. Quyền tự do báo chí của công dân được quy định bao gồm: Sáng tạo tác phẩm báo chí; Cung cấp thông tin cho báo chí; Phản hồi thông tin trên báo chí; Tiếp cận thông tin báo chí; Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; In, phát hành báo in.
Như vậy, công dân cũng có quyền hoạt động báo chí bằng việc tiếp cận thông tin báo chí, sáng tạo tác phẩm báo chí và cung cấp thông tin cho báo chí….
Quy định đã được nâng lên rõ hơn, vậy chế tài nào để bảo đảm thực hiện quyền tác nghiệp của phóng viên, nhà báo và quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân?
Trước hết về hình sự, tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực vào ngày 1/7/2016), Điều 167 quy định về Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân đã quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, tuy chưa ghi rõ “hoạt động tác nghiệp của nhà báo” trong Bộ Luật hình sự nhưng ai cũng hiểu trước khi hoạt động với tư cách là Nhà báo, Phóng viên, với tư cách là công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mình đã được Bộ Luật hình sự bảo vệ.
Về chế tài hành chính, tại Điều 7. Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định về Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí như sau:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên;
b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên;
c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này”
Khi bị cản trở hoạt động nghề nghiệp, xúc phạm danh dự nhân phẩm, phóng viên nhà báo cần phải làm gì? Theo các nhà báo lâu năm, việc bị cản trở tác nghiệp, nhà báo cần ghi hình, ghi âm hành vi cản trở, đồng thời với việc đăng báo cần gửi đơn đến Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh sở tại, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và gửi đơn đến Hội Nhà báo Việt Nam. Nếu có dấu hiệu hình sự cần chuyển bằng chứng đến cơ quan công an sở tại.
Bởi, trong Luật Báo chí mới đã quy định chi tiết tại Điều 7, Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí. Tại điều 8, Luật Báo chí mới cuãng quy định, Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn, bảo vệ hội viên của mình.
Theo Infonet

Tin mới