Tăng thời lượng môn Lịch sử ở bậc học trung học phổ thông

(Baonghean.vn)- Cử tri Nghệ An kiến nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa bộ môn lịch sử vào môn thi bắt buộc tại các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, đồng thời tăng tiết dạy bộ môn lịch sử ở các bậc học trung học phổ thông vì đây là môn học có mục đích giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay môn học này chưa được sự quan tâm đúng mức của học sinh, phụ huynh và nhà trường.

Vấn đề này, Bộ GD-ĐT trả lời như sau:

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng và Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ năm 2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia lấy kết quả để vừa xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong tuyển sinh.

Cuộc thi rung chuông vàng của trường THTP Quế Phong
Cuộc thi rung chuông vàng của trường THTP Quế Phong. Ảnh tư liệu 

Kỳ thi THPT quốc gia học sinh thi 3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn ít nhất 01 trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý nhằm phát huy sở trường, hứng thú và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Bên cạnh đó, việc xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông sử dụng 50% điểm kết quả học tập lớp 12 của học sinh, trong đó có kết quả học tập môn Lịch sử. Như vậy, trong quá trình học tập ở trường trung học phổ thông, học sinh bắt buộc phải chú trọng học tập nghiêm túc môn Lịch sử để có kết quả tốt tham gia vào đánh giá tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động hoặc phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt các biện pháp nhằm tăng thời lượng giáo dục Lịch sử như:

- Chỉ đạo tăng cường giáo dục lịch sử địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 5977/BGDĐT ngày 07/7/2008  chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

- Nhiều nội dung giáo dục lịch sử như giáo dục về biển đảo, biên giới, giáo dục di sản được đưa vào Hướng dẫn nhiệm vụ năm học hằng năm; ban hành công văn hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”.

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi ảnh minh họa Mỹ Hà
Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi ảnh minh họa Mỹ Hà

- Phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương tập huấn giáo viên cốt cán 2 môn Địa lý và Lịch sử (3 đợt/3 miền Bắc, Trung, Nam) để họ về hướng dẫn giáo viên cả nước nội dung và cách thức lồng ghép/tích hợp giáo dục biển đảo trong các môn học có liên quan.

- Tăng cường các hoạt động ngoại khóa về giáo dục lịch sử như: chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục kết hợp với các hoạt động ngoại khóa để giáo dục lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền đất nước; Tổ chức Cuộc thi em yêu lịch sử Việt Nam, Cuộc thi liên môn tích hợp cả giáo viên và học sinh với các chủ đề về lịch sử; giáo dục lồng ghép các nội dung về lịch sử vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, kỉ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc…

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tìm những biện pháp tăng cường thời lượng giáo dục Lịch sử cho học sinh ở cả trên lớp và ngoài giờ lên lớp.

PV (TH)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới