Báo chí đồng hành trong thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị

(Baonghean  ) -   LTS: Nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Hồ Đức Phớc – Bí thư Tỉnh ủy đã có bài viết ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của báo chí đối với sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước, đồng thời bày tỏ mong muốn báo chí tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa, đồng hành cùng Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện có hiệu quả mục tiêu Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Nghệ An đến năm 2020.
Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Đức Phớc nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.
l Đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với Báo Nghệ An về việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (ảnh lớn).
 Đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với Báo Nghệ An về việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị
Ngày 21/6 năm nay, chúng ta vui mừng kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Báo chí cách mạng Việt Nam - ngày ra đời Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập. Từ đó báo chí trở thành công cụ, cầu nối mắt xích quan trọng tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường giải phóng dân tộc cho nhân dân để thành lập Đảng vào ngày 3/2/1930. Kể từ khi có Đảng, trong mọi giai đoạn lịch sử, báo chí là vũ khí sắc bén, là phương tiện phản ánh mọi mặt đời sống trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. 
Nghệ An là cái nôi cách mạng, là quê hương Xô-viết Anh hùng nên báo chí cách mạng cũng xuất hiện khá sớm, chỉ sau đó 4 năm kể từ khi tờ “Bôn Sê Vích” do đồng chí Nguyễn Phong Sắc sáng lập vào tháng 2 năm 1929 tại Chi bộ Vạn Phần. Và sau đó, tờ báo đã trở thành tờ báo của Đảng bộ Nghệ An có tên gọi Báo Nghệ An (từ năm 1961). Từ chỗ chỉ có tờ Báo Nghệ An, đến nay Nghệ An là một trong những địa phương có phong trào hoạt động báo chí sôi động, với đầy đủ các loại hình báo chí, ngày càng phát triển mạnh về số lượng, nâng cao chất lượng, ứng dụng, sử dụng có hiệu quả những thành tựu CNTT vào hoạt động nghiệp vụ. Với số lượng 42 cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn, trong đó có 6 đơn vị báo chí trong tỉnh, 36 cơ quan đại diện, thường trú báo chí Trung ương và với đội ngũ hơn 300 nhà báo được cấp thẻ cho thấy, Nghệ An đã và đang trở thành một trung tâm báo chí khu vực Bắc Trung bộ.
Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí luôn quan tâm, đồng hành, sát cánh với sự phát triển của Nghệ An. Chính những thông tin kịp thời, khách quan, trung thực và những dự báo chính xác mà các cơ quan báo chí đã đăng tải, truyền phát đã giúp cho lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền có thông tin để chỉ đạo, điều hành có hiệu quả. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, sinh động, hấp dẫn, sát thực với đời sống xã hội, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ những điển hình, những nhân tố mới, người tốt việc tốt, những mô hình kinh tế năng động hiệu quả, cách làm hay đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong phong trào toàn dân đoàn kết, phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới, phát hiện nhiều cách làm sáng tạo để cổ vũ nhân rộng... 
Các cơ quan báo chí trên địa bàn cũng thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, phát hiện nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, giúp cấp uỷ, chính quyền các cấp có biện pháp đấu tranh, xử lý kịp thời, ổn định xã hội. Nhiều vụ việc được các cơ quan báo chí vào cuộc với trách nhiệm cao, định hướng thông tin rõ ràng, lập luận sắc sảo, đã tạo được sự lan toả, hiệu ứng xã hội tích cực như vấn đề vi phạm pháp luật tại xã Nghi Phương (Nghi Lộc), vấn đề hoạt động của một số đạo lạ. Mới đây, báo chí đồng hành cùng tỉnh trong việc giải phóng mặt bằng QL 1, tạo đồng thuận xã hội để góp phần để dự án diễn ra đúng tiến độ... Ghi nhận sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cơ quan báo chí trong việc tham gia vào việc đấu tranh với tiêu cực, vi phạm pháp luật, ổn định tình hình, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã ghi nhận loạt bài vi phạm pháp luật tại Nghi Phương đạt giải A và rất nhiều tác phẩm đoạt giải báo chí tỉnh Nghệ An năm 2013. Lãnh đạo tỉnh trân trọng ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của cơ quan báo chí đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua.
Nghệ An là một tỉnh đất rộng, người đông, có truyền thống hiếu học nổi tiếng, văn hóa và cách mạng lâu đời. Nhưng đến nay, Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp thua bình quân chung cả nước, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, mức tăng trưởng kinh tế hàng năm chưa vững chắc. Làm thế nào để Nghệ An trở thành một tỉnh giàu mạnh đang là nỗi băn khoăn, trăn trở và là mong muốn khát vọng của các cấp lãnh đạo cũng như mọi người dân trong tỉnh. Tới đây, chúng ta sẽ tổ chức kỷ niệm 45 năm Bác Hồ viết bức thư cuối cùng gửi Đảng bộ và nhân dân Nghệ An. Điều căn dặn của Bác sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của miền Bắc đã qua nhiều thế hệ nhưng vẫn chưa thực hiện được. Cách đây gần 1 năm, được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về phương hướng nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020. Nghị quyết chỉ rõ: Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo đà để trở thành một tỉnh công nghiệp đến năm 2020. Thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TƯ là chúng ta đã thực hiện được lời căn dặn, mong muốn của Bác Hồ trong bức thư cuối cùng Người gửi cho Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà. Để thực hiện NQ 26- NQ/TƯ có hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 24, gồm 20 chương trình, dự án lớn và đang tổ chức triển khai lãnh đạo thực hiện, trong đó có một số nội dung có tính chất trọng tâm, trọng điểm như: Đề án phát triển kinh tế- xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2355-QĐ-TTg ngày 4/12/2013; phát triển Thành phố Vinh thành Trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ; xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành Khu kinh tế trọng điểm và các cơ chế chính sách phát triển Khu công nghiệp Hoàng Mai - Đông Hồi như Khu kinh tế Nghi Sơn; phát triển Nghệ An trở thành Trung tâm công nghệ thông tin vùng Bắc Trung bộ; Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu tỉnh Nghệ An đến năm 2020... và nhiều đề án quan trọng khác mà Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đang quyết liệt tổ chức thực hiện. 
Như vậy, đây là giai đoạn mới với yêu cầu, nhiệm vụ rất cao đòi hỏi cần phải có sự đồng thuận, quyết tâm cao, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà và thu hút tối đa các nguồn lực, đổi mới để vượt lên và phát triển. Trong đó rất cần sự quan tâm, chia sẻ, đóng góp nhiều hơn nữa của báo chí và đội ngũ những người làm báo, ủng hộ, cổ vũ phong trào, phối hợp, trợ giúp tỉnh nhà vừa phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giữ vững ổn định chính trị, lành mạnh xã hội và tạo động lực, vị thế, hình ảnh của Nghệ An nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đó là: Tập trung tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 26- NQ/TƯ của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Nghệ An đến năm 2020. Các cơ quan báo chí giúp tỉnh chuyển tải những thông tin thể hiện những cố gắng và kết quả của các ngành, các cấp và các địa phương trong việc nỗ lực triển khai thực hiện nghị quyết; kịp thời nêu gương, cổ vũ những phong trào, những mô hình mới, những cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo, những tấm gương người tốt, việc tốt; tuyên truyền xây dựng nông thôn mới với những mô hình mới, hiệu quả cao để lan toả nhân rộng. Qua công tác tuyên truyền, phản ánh, báo chí phát hiện, đề xuất những giải pháp hiệu quả cao để sớm đạt mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Đồng thời nâng cao vị thế, hình ảnh của Nghệ An, các tiềm năng đất đai, khoáng sản, nguyên liệu, con người, địa kinh tế… để các nhà đầu tư đến đầu tư tại Nghệ An ngày càng nhiều nhằm nhanh chóng đưa Nghệ An trở thành Trung tâm kinh tế khu vực Bắc Trung bộ. 
 Báo chí trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức thông tin để luôn là tiếng nói định hướng của Đảng và là diễn đàn thể hiện tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Báo chí cần thể hiện trách nhiệm xây dựng cao nhất, thông tin thiết thực và hiệu quả, trung thực nhất, đúng đắn, hữu ích để ngày càng hấp dẫn với bạn đọc, khán thính giả. Kiên quyết phản bác, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, đấu tranh với các luận điểm trái với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt là làm tốt vai trò quảng bá hình ảnh và vị thế của Nghệ An một cách sâu rộng, ấn tượng cả trong nước và quốc tế. Những vấn đề báo chí phản ánh là trung thực và đúng đắn nhưng những vấn đề đăng tải, phản ánh ảnh hưởng đến tỉnh, đất nước thì kiên quyết không phản ánh.
Bắt tay vào thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ, Nghệ An vẫn đang còn là một tỉnh nghèo, còn phải đối mặt với những khó khăn thử thách do điều kiện địa hình miền núi, vùng miền núi chiếm trên 83% diện tích, đường biên giới dài nhất cả nước hơn 419 km, cơ sở hạ tầng mặc dù đã có sự đầu tư nhưng vẫn còn thấp kém, lạc hậu, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh xẩy ra thường xuyên; tích lũy nội sinh nền kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Các vấn đề thuộc về thực hiện chính sách xã hội rất lớn; đời sống của bộ phận dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn rất nhiều khó khăn. Vấn đề tệ nạn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp... Do vậy, trong quá trình tác nghiệp, xử lý, đăng phát thông tin, đặc biệt đối với những vấn đề “nhạy cảm” cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, khuyến khích nhân tố mới phát triển, cách làm mới, những điển hình tiên tiến, những cán bộ năng động sáng tạo, dám làm, dám dấn thân; tránh tình trạng chỉ là một hiện tượng nhỏ, cục bộ, khái quát phóng to, quy chụp ảnh hưởng đến hình ảnh, môi trường thu hút đầu tư, niềm tin về một tỉnh Nghệ An đang nỗ lực bứt phá đổi mới vươn lên.
Đảng bộ và nhân dân Nghệ An quyết tâm nỗ lực hết sức mình thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết 26-NQ/TƯ. Trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng đó, rất cần có sự chung sức của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An sẽ luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất, lắng nghe phản ánh của cơ quan báo chí để báo chí hoạt động và phát triển, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn vào sự phát triển đi lên của quê hương, đất nước. Đồng thời lãnh đạo tỉnh luôn mong muốn được lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các cơ quan báo chí, các nhà báo đối với sự phát triển của tỉnh nhà; mong muốn đội ngũ cán bộ, phóng viên luôn làm theo lời Bác Hồ dặn: “Để làm trọn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi nghiệp vụ, văn hoá, chú trọng học tập chính trị nắm vững chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ” để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 
Nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin được gửi đến các cơ quan báo chí, các nhà báo, người làm việc trong cơ quan báo chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, ngày càng có nhiều ấn phẩm, tác phẩm báo chí tốt. Mong muốn báo chí luôn đồng hành cùng Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh thực hiện khát vọng cán đích thành công mục tiêu mà Nghị quyết 26- NQ/TƯ đã đề ra, thể hiện rõ tình cảm, trách nhiệm vì sự phát triển của quê hương và lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.
HĐP

Tin mới