Báo chí không nên đưa tin quy kết có tội khi chưa có phán quyết của tòa án

Việc báo chí cứ quy chụp tội danh trước cho người thực hiện hành vi không những gây áp lực cho cơ quan tiến hành tố tụng mà còn làm ảnh hưởng đến gia đình, thân nhân của người bị bắt.
LTS: Ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trình bày Tờ trình về dự án Luật báo chí (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Dự thảo Luật báo chí sửa đổi lần này đã được bổ sung rất nhiều những điểm mới, tiến bộ, và phù hợp với thực tiễn phát triển của thời đại. Một trong những điểm mới, được chú trọng là những nội dung bị cấm đã trở nên cụ thể hơn rất nhiều, thể hiện tính nhân văn, ví dụ như: Cấm thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi chưa có căn cứ cho rằng những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân, cấm đưa tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em....
Tại Khoản 2, Điều 36 dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) có nói đến các quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí. Trong đó nói rõ: Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí; báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình nhưng không được quy kết tội danh; phải nêu rõ là nguồn tin riêng của báo, nhà báo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM), những quy định này là hoàn toàn phù hợp, và việc đưa tin của báo chí cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật.  
1
Luật sư Nguyễn Nguyễn Đức Chánh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Thưa luật sư, dự thảo Luật Báo chí sửa đổi có nói đến quy định vụ án đang trong quá trình điều tra thì báo chí có quyền đưa tin theo nguồn tài liệu của mình nhưng không được quy kết tội danh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Theo tôi, quy định như trong dự thảo Luật Báo chí là phù hợp quy định pháp luật. Bởi lẽ, theo quy định hiện nay thì chỉ có việc xét xử là công khai, trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai. Còn lại các quá trình điều tra, truy tố, chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng không có nghĩa vụ công khai thông tin. Vì vậy, không thể buộc các cơ quan tiến hành tố tụng công khai thông tin, trừ khi chính các cơ quan này chủ động trong việc cung cấp thông tin.
Báo chí có quyền thông tin theo nguồn tin của mình như từ bị hại, gia đình bị cáo, từ người bào chữa…Nhưng không được đưa tin theo hướng quy kết tội danh. Vì theo khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”. Và theo Điều 9 của Bộ luật Tố Tụng Hình sự năm 2003 quy định: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Do đó, khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì không được đưa tin quy kết có tội.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí vẫn thường đưa tin kiểu quy chụp tội danh cho người bị bắt. Theo luật sư, điều này có ảnh hưởng ra sao? 
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Thời gian vừa qua khi đưa tin về các vụ án giết người, cướp tài sản… thu hút dư luận thì mặc dù mới chỉ là giai đoạn xác minh, điều tra nhưng một số tờ báo đã đăng những bài viết với những “tít” khá giật gân theo hướng tự mình quy kết, áp đặt cho người bị tình nghi hay bị can một hoặc một số tội nhất định, khi mà chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Một số tờ báo cứ mặc nhiên xem những người bị cơ quan điều tra khởi tố bị can và tạm giam là người đã có tội, rồi gọi họ là “hung thủ gây án”. Điều này là không đúng quy định pháp luật. Việc báo chí đăng tải bài viết theo hướng quy kết có tội không những gây áp lực cho cơ quan tiến hành tố tụng mà còn làm ảnh hưởng đến nhân thân, gia đình của người bị tình nghi, bị can, bị cáo.
Theo luật sư, đối với sự việc vụ án mới xảy ra, cơ quan tiến hành tố tụng đang khởi tố bị can thì báo chí nên đưa tin như thế nào cho đúng với quy định của pháp luật?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Theo tôi để đưa tin chính xác và đúng theo quy định pháp luật, phóng viên cũng như ban biên tập tờ báo phải biết và hiểu về một số quy định của pháp luật trong tố tụng. Trên cơ sở này thì việc đưa tin mới chính xác. Vì để phân biệt từng giai đoạn cũng như các thuật ngữ chuyên ngành trong pháp luật, nhất là hình sự không phải đơn giản. Chỉ cần viết sai một khái niệm thì cách hiểu đã khác rất nhiều.
Mặt khác, khi đưa tin về diễn biến vụ án mà chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì báo chí chỉ nên đứng trên lập trường khách quan đưa tin một cách trung thực về diễn biến vụ án, nêu ra các hành vi… không nên kết luận một vấn đề nào cả. Một số từ có thể sử dụng khi đưa tin như “có thể bị truy tố”, “đối diện với các cáo buộc về hành vi của mình”, “có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”…thay vì “bị can sẽ bị tội…”, “bị cáo sẽ đối diện tử hình về tội giết người”… Điều này rất dễ dẫn đến việc đưa tin sai và vi phạm pháp luật.
Đồng thời, việc báo chí quy kết tội danh cho người bị tình nghi/bị can/bị cáo khác với tội danh mà trong Bản án tuyên sau này, sẽ gây mất lòng tin cho người dân đối với cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này cũng gây hậu quả không tốt trong xã hội - người dân sẽ phân vân không biết nên tin vào báo chí hay tin vào phán quyết của cơ quan xét xử.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo Infonet
TIN LIÊN QUAN

Tin mới