Báo lớn của Mỹ cũng mắc bẫy các trang tin giả mạo

Theo tạp chí về báo chí CJR (Mỹ), nhiều hãng tin, trang tin lớn của Mỹ như Bloomberg Politics, Washington Post cũng từng bị mắc bẫy của các trang tin giả mạo bởi những trang này có rất nhiều mánh khóe tinh vi.

CJR cho hay, đầu năm 2015, trang Bloomberg Politics đã có một bài viết dựa trên tin bịa đặt về việc cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Nancy Reagan ủng hộ bà Hillary Clinton làm tổng thống. Năm 2013, tờ Washington Post cũng bị trang tin giả mạo Daily Current lừa với tin cựu Thống đốc Alaska Sarah Palin làm việc cho hãng tin Al-Jazeera. Tờ Los Angeles Times cũng gặp một sự cố tương tự với tin Liên hợp Quốc đang chuẩn bị hợp pháp hóa cần sa.

Tại sao các trang tin tức giả vẫn có thể lừa được các nhà báo? Theo CJR, những trang này thường có tên nghe khá đáng tin như National Report, World News Daily Report,  Empire News. Ngoài ra, chúng còn nhái logo hoặc địa chỉ web của các trang tin thật, ví dụ như   abcnews.com.co. Không chỉ vậy, chúng còn mánh khóe pha trộn cả tin thật và tin giả để dễ dàng đánh lừa các phóng viên.  Bên cạnh đó, hầu hết các tin tức giả đều dẫn nhiều nguồn bịa đặt để tỏ ra đáng tin cậy hơn. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một nguyên nhân quan trọng khác nằm ở chính các trang tin chính thống. Áp lực về lượng truy cập cũng như tốc độ đưa tin khiến những sai sót dễ xảy ra hơn. CJR đánh giá, một nguyên nhân khác khiến các tin bịa đặt “lộng hành” được chính là bản thân các hãng tin chính thống. Để thu hút lượng người truy cập và gây hiệu ứng trên mạng xã hội, một số tòa soạn đã ưu tiên đăng tải những tin tức giật gân, gây tò mò hay “tin vịt”, tin “lá cải”. Chính nhờ đó, các trang tin tức giả mạo mới có “đất sống” và trở nên ngày càng tinh vi hơn.

Vậy các tin giả mạo lây lan ra sao? CJR đã lấy một ví dụ về sự việc xảy ra vào đầu tháng Năm vừa qua. Khi đó, một số trang giả mạo đã đưa tin huyền thoại bóng rổ Michael Jordan, hiện là chủ của câu lạc bộ bóng rổ Charlotte Hornets, dọa sẽ rút đội bóng của mình ra khỏi giải NBA All-Star Game ở bang North Carolina nếu bang này không chịu rút lại bộ luật cấm người chuyển giới dùng nhà vệ sinh theo ý muốn.

Trong số những trang đưa tin trên có cả trang nhái cả địa chỉ web và logo của hãng tin ABC News. Sau đó, tin tức này đã lan sang hàng loạt các trang tin thật khác của Mỹ như Metro US, Elite Daily và Dallas Voice. Tờ Milwaukee Journal Sentinel thậm chí còn dùng nó cho một bài xã luận nhằm phản đối bộ luật trên của bang North Carolina.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Facebook hiện đã cho phép người dùng tố giác những câu chuyện, tin tức giả mạo để chúng ít xuất hiện hơn hoặc bị gắn cảnh báo trên trang NewsFeed. Tuy nhiên, nếu vấn đề cốt lõi là văn hóa làm báo không thay đổi thì những câu chuyện lừa bịp vẫn sẽ tiếp tục xâm nhập vào dòng tin chính thống.

Ông Craig Silverman, biên tập viên của trang BuzzFeed (Canada), người tiên phong trong cuộc chiến chống tin tức giả mạo cho hay: “Các trang tin giả mạo bị chỉ trích rất nhiều nhưng chúng có quy mô lớn và thu hút được một lượng đáng kể người dùng mạng xã hội chia sẻ (share) thông tin của họ. Các hãng tin phải nhận ra vai trò quan trọng của việc chọn lọc tin tức trong một thế giới thông tin khổng lồ, mơ hồ và đầy nghi vấn”.

Trước tiên, các trang tin cần phải có quy trình phát hiện tin giả tốt hơn. CJR đã đưa ra một ví dụ về sự cẩu thả khi đăng tin. Chưa đầy một tháng trước khi tin giả về Michael Jordan xuất hiện, trang tin giả mạo ABC News cũng đã bịa ra câu chuyện Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) quyết định không tổ chức giải All-Star Game tại North Carolina vì phản đối luật về việc sử dụng nhà vệ sinh dành cho người chuyển giới ở đây.

Trang Cleveland.com, phiên bản trực tuyến của The Plain Deale, đã nhanh chóng đưa tin này mà không xác thực nguồn tin, thậm chí cả qua điện thoại hay tìm các nguồn tin khác. Phó chủ tịch chịu trách nhiệm về nội dung của Cleveland.com sau đó thừa nhận: “Nếu chúng tôi chịu tiến hành các bước cơ bản, chúng tôi sẽ nhanh chóng phát hiện ra mình đang gặp phải một trang giả mạo ABC”.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Columbia Journalism Review (CJR), một tạp chí dánh cho các nhà báo chuyên nghiệp được thành lập từ năm 1961. CJR thường đưa tin về xu hướng của truyền thông, các bài phân tích về truyền thông, đạo đức báo chí.

Theo Infonet

Tin mới