Văn hóa đặt tên và "tầm" của đại biểu dân cử

(Baonghean) - Tuần qua, bài “Mời Anh!” của Hải Triều đăng trang 5, báo Nghệ An cuối tuần  ngày 2/11, số báo 10034 và bài “Có tâm mà nỏ có tầm” của CTV Duy Hương đăng trang 5, ra thứ Sáu, ngày 31/10, số báo 10031 được độc giả bình chọn tin bài hay cao thứ ba, được Ban Biên tập khen thưởng...

TIN LIÊN QUAN
Cả hai bài viết đều nói về vấn đề vừa được đưa ra bàn nghị sự tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Tuy nhiên, 2 bài viết được nhìn dưới 2 góc độ khác nhau: Ở bài “Mời Anh” tác giả Hải Triều bàn về chuyện đặt tên con theo góc độ văn hóa của người Việt. Đó là, con trai thì phải có tên đệm là “Văn”, con gái nhất định phải là “Thị”. Điều này nói lên văn hóa của mỗi nhà, mỗi gia đình, mỗi vùng quê và của đất nước, là truyền thống của một cộng đồng. Qua đó, khẳng định chủ quyền, sắc tộc của người Việt.
Thật ra, việc đặt tên cho con chỉ là một chuyện nhỏ, tưởng chừng như vô hại. Sinh con ra, ai muốn đặt tên con như thế nào là tuỳ thích, chưa có luật nào cấm kỵ việc đặt tên cả. Hiện nay, việc đặt tên con đang theo trào lưu  “ngoại hoá”, thích đặt tên con theo kiểu chơi chữ. Ngay cả những vùng miền núi, dân tộc thiểu số, việc đặt tên con theo phong tục cổ truyền cũng đã mai một, một người dân tộc thiểu số lại mang một cái tên rất “ngoại quốc”. Ngày trước, với phong tục Việt Nam, việc đặt tên cho con đều do bậc trưởng bối trong gia đình, dòng tộc đảm nhận.
Cái tên gắn bó với con người cả cuộc đời, đẹp xấu gì cũng theo suốt hành trình của cuộc sống. Cái tên mang nhiều ý nghĩa, mong mỏi khi con lớn lên sẽ thành đạt, nên người. Do vậy, việc đặt tên là vấn đề của xã hội cần xem xét, nhưng việc này xem ra chỉ nên tuyên truyền để người dân hiểu biết, như tác giả Hải Triều đã phân tích; việc đặt tên con cũng như bộ quần áo mặc trên người, ăn mặc phải làm sao phù hợp với văn hoá, truyền thống dân tộc, phải dựa trên hệ giá trị thế nào là đẹp, thế nào là phản cảm của quốc gia, cộng đồng nơi mình sinh sống. Quần áo không đẹp có thể thay thế được, chứ cái tên sẽ đi theo suốt cuộc đời, cho nên, việc đặt tên cũng cần có ý thức, có hiểu biết để đừng đến lúc đọc cái tên của con cái lên người ta muốn bỏ xứ mà đi.
Còn ở bài “Có tâm nỏ có tầm” của tác giả Duy Hương lại được nhìn dưới góc độ của một công dân đối với vai trò, chức trách của “đại biểu dân cử”. Họp Quốc hội, thường người ta bàn về vấn đề quốc kế dân sinh, về chuyện quốc gia đại sự. Những người dự họp, là những đại biểu dân cử, dân bầu ra đại biểu của họ và đóng thuế để phục vụ hoạt động của các đại biểu, là kỳ vọng để được giải đáp những vấn đề quan trọng, tháo gỡ được những vấn đề khó khăn, nan giải trong cuộc sống. Vậy mà, trong khi, còn vô số vấn đề gay cấn, bức xúc liên quan thiết thực đến cuộc sống người dân, đến đường hướng phát triển của đất nước đang rất cần đại biểu dành thời gian bàn bạc một cách thấu đáo để có biện pháp giải quyết đến nơi đến chốn thì lại đi làm cái việc rất nhỏ, “vấn đề đặt tên thuần Việt” là rất không đáng. Và làm thế, thì chẳng khác nào “giết gà dùng dao mổ trâu” rất lãng phí, rất không đáng và không xứng tầm. 
Việc đặt tên như tác giả Hải Triều viết chỉ là một số cá thể nhỏ nhoi, một số bộ phân đua đòi, lai tạp văn hoá ngoại lai, chứ chưa phải là vấn đề lớn làm tổn hại đến văn hoá Việt Nam mà phải “làm phiền” đến đại biểu Quốc hội. Do đó, việc đặt tên con ở đây chỉ nên dừng lại ở việc tuyên truyền để người dân hiểu được phong tục, tập quán, văn hoá đẹp của dân tộc mình, không nên lãng phí thời gian vào chuyện này. 
Người Xây Dựng