Thước đo công việc!

(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Nói mà không làm” của tác giả Trần Hồng Cơ trên nhật báo ngày 25/9 được bạn đọc bình chọn trong số tin bài hay của tuần. Bài viết đã có những phân tích, bình luận sắc sảo về vấn đề thực hiện một trong những nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “Nói phải đi đôi với làm”. 
Tác giả đã nêu lên một thực trạng còn tồn tại đâu đó trong thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Nói phải đi đôi với làm”: “Có những cá nhân không gương mẫu, chỉ nói suông mà không hành động;… có hiện tượng tập thể nói mà không làm;… 
Nói là khả năng giao tiếp giữa người với người, là khả năng truyền đạt một nội dung nào đó để người khác hiểu, có khi lời nói là mệnh lệnh, chỉ thị truyền đạt ý định của một tập thể, một tổ chức. Làm là hành động, trong đó có suy nghĩ, tư duy để đạt được thành quả, để đạt mục tiêu đặt ra, để hoàn thành nhiệm vụ được giao… Thực tế đã chứng minh, nói và làm có quan hệ khăng khít với nhau: nói được, làm tốt thì thành quả tốt, hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Ngược lại, nói không đi đôi với làm, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo... thì ắt sẽ dẫn tới thất bại, sai lầm.
Từ thực tế đó, tác giả chỉ ra hệ quả của việc “nói mà không làm”: với tập thể, có những nghị quyết sau khi ban hành không được thực hiện, có những phong trào chỉ dừng lại ở sự hô hào chung chung, có những tháng hành động dù được tổ chức lễ ra quân, phát động rầm rộ nhưng rồi cũng không được hiện thực hoá bằng những việc làm cụ thể,… tác giả gọi đây là một căn bệnh, và căn bệnh đó có nguyên nhân sâu xa từ việc kết hợp, phát huy chưa triệt để mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Điều này xuất phát từ nguyên tắc tập thể phụ trách, cá nhân lãnh đạo mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ: “Tập trung làm rõ trách nhiệm của cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương đạo đức, lối sống”. Theo đó, nói đi đôi với làm là thể hiện sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm. Nói đi đôi với làm thể hiện bằng kết quả công việc, là thước đo sự cống hiến của mỗi người. Nói đi đôi với làm còn là biểu hiện của sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của cán bộ, đảng viên. 
Đồng thời, chỉ ra được cách “chữa bệnh” nói trên là “triển khai nghị quyết phải có giải pháp cụ thể để thực hiện, phát động phong trào thi đua phải có chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu”. Tức là để các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, để tập thể hoạt động có hiệu quả ,thì mỗi cá nhân tùy từng vai trò, vị trí của mình phải cố gắng, bền bỉ, quyết tâm thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Bởi bất kỳ công việc nào, nhiệm vụ gì, dù lớn hay nhỏ, khó hay dễ, phức tạp hay giản đơn, nhưng nếu không ra sức phấn đấu thì cũng không thể thành công được. Và chính kết quả công việc là thước đo năng lực, đóng góp của mỗi người. 
Bởi thế, để chống bệnh hình thức, tập thể thì hô hào chung chung còn cá nhân thì nói và không làm, “phương thuốc” hữu hiệu chính là lấy kết quả công việc làm thước đo; phương châm hoạt động dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Người xây dựng