Bí thư Tỉnh ủy: Cần thay đổi tư duy, nhận thức về Dự án ODA

(Baonghean.vn)- Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, từ tỉnh đến cơ sở cần phải thay đổi tư duy, nhận thức về nguồn vốn vay ODA, cần xác định đây là nguồn vốn quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời thúc đẩy hoạt động đối ngoại của tỉnh.

Sáng 29/3, Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh có cuộc làm việc với UBND tỉnh về thực hiện sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) giai đoạn 2011-2016.

Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Thanh Điền- Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc. Ảnh Thanh Lê

Giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện 31 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài với tổng số vốn đầu tư hơn 14.183 tỷ đồng (vốn nước ngoài cam kết 10.855,28 tỷ đồng, vốn đối ứng trong nước 3.327,85 tỷ đồng).

Lũy kế đến 31/1/2018, vốn nước ngoài ODA được giải ngân là: 5.969,79/10.855,28 tỷ đồng tổng vốn cam kết, đạt tỷ lệ 54,99%. Đến nay có 16 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 2011-2016 và 15 dự án tiếp tục chuyển sang giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo.

Tổng vốn đối ứng trong nước bố trí cho các dự án trong giai đoạn 2011-2016 là 1.639,97 tỷ đồng.

Các chương trình, dự án ODA trên địa bàn đã được triển khai, thực hiện có hiệu quả, đúng mục tiêu dự án được phê duyệt, tuân thủ chặt chẽ các quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam và  yêu cầu của các nhà tài trợ nước ngoài.

Vốn ODA được thực hiện khá toàn diện ở hầu hết các địa bàn trong tỉnh, trên nhiều lĩnh vực như: xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, đường giao thông, thủy lợi, nông lâm nghiệp thủy sản, cấp  thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, giáo dục đào tạo, y tế, giảm nghèo, giúp cải thiện đáng kể về đời sống của người dân, đặc biệt là khu vực miền núi khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phát biểu chỉ đạo các cấp, các ngành khắc phục tồn tại, hạn chế về sử dụng nguồn vốn vay ODA. Ảnh Thanh Lê

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA giai đoạn 2011-2016 gặp một số khó khăn, hạn chế: Quy trình, thủ tục trong nước đối với các chương trình, dự án ODA còn khá phức tạp, thực hiện qua nhiều bước, nhiều cấp, nhiều ngành từ Trung ương đến địa phương; nhiều thủ tục theo quy định riêng của nhà tài trợ...

Do ngân sách địa phương hạn hẹp, mặc dù tỉnh cố gắng nhưng một số dự án chưa cân đối, bố trí nguồn vốn đối ứng kịp thời theo tiến độ nên thực hiện giải ngân dự án chậm, kéo dài.
Năng lực, kinh nghiệm công tác chỉ đạo thực hiện một số chủ đầu tư, ban Quản lý dự án còn hạn chế, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng chậm nên tiến độ chưa đáp ứng cam kết với nhà tài trợ, phải làm thủ tục gia hạn thời gian thực hiện.

Qua giám sát, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền đề nghị UBND tỉnh cần sắp xếp, bổ sung nguồn vốn đối ứng cho công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng; chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thành thanh quyết toán các công trình, dự án.

Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục thu hút nguồn vốn ODA để bổ sung nguồn lực vào tổng vốn đầu tư phát triển, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền-
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, quản lý sử dụng có hiệu quả các công trình, dự án từ nguồn vốn vay ODA. Ảnh Thanh Lê

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định các chương trình dự án ODA đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương được triển khai các dự án ODA khắc phục những vấn đề tồn tại.

Từ tỉnh đến cơ sở cần phải thay đổi tư duy, nhận thức về dự án ODA; phải xác định đây là nguồn vốn quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh, đồng thời là góp phần thực hiện công tác đối ngoại, quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế của tỉnh nhà.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu, UBND tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể quá trình triển khai dự án cũng như có kế hoạch bố trí nguồn vốn đối ứng; tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay ODA; thực hiện thanh tra, kiểm tra, tránh thất thoát, lãng phí.

Nhà máy xử lý nước thải Thái Hòa được xây dựng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Ảnh Thanh Lê
Nhà máy xử lý nước thải Thái Hòa được xây dựng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Ảnh Thanh Lê

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tiếp thu các ý kiến; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các ban quản lý dự án hiện tại, các chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc hoàn thành dự án đang triển khai thực hiện.

Các sở ngành có liên quan nhất là Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, sắp xếp nguồn vốn đối ứng cho các dự án, khắc phục tình trạng chậm tiến độ.

Tin mới