Biến đổi khí hậu có thể lãng phí 50 năm thành quả trong lĩnh vực y tế

(Baonghean.vn) - Mối đe dọa đối với sức khỏe con người do biến đổi khí hậu gây ra lớn đến nỗi nó có thể phá hoại 50 năm thành quả đạt được trong lĩnh vực phát triển và y tế toàn cầu, các chuyên gia cảnh báo hôm 23/6.

Theo các chuyên gia, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt và các đợt nắng nóng đang làm tăng rủi ro về các bệnh truyền nhiễm, dinh dưỡng yếu kém và căng thẳng. Các thành phố ngày càng bị ô nhiễm, người dân làm việc trong nhiều giờ và không có thời gian lẫn không gian để tản bộ, đạp xe hay thư giãn - môi trường sống và làm việc như thế này cực kỳ có hại cho tim mạch, hô hấp và sức khỏe tinh thần.

Khoảng 200 nước đã đặt mức gia tăng nhiệt trung bình trên toàn cầu là 2 độ C trước giai đoạn tiền công nghiệp làm mức trần nhằm hạn chế biến đổi khí hậu, nhưng giới khoa học cho rằng chiều hướng hiện nay có thể dẫn tới mức tăng 4 độ C đối với nhiệt độ trung bình, có nguy cơ gây ra hạn hán, bão lụt và mực nước biển dâng cao.

Giới khoa học cảnh báo thế giới có thể sẽ hứng chịu mức tăng nhiệt độ trung bình thêm 4 độ C, có nguy cơ gây hạn hán, bão lụt và mực nước biển dâng cao. Ảnh: Reuters.
Giới khoa học cảnh báo thế giới có thể sẽ hứng chịu mức tăng nhiệt độ trung bình thêm 4 độ C, có nguy cơ gây hạn hán, bão lụt và mực nước biển dâng cao. Ảnh: Reuters.

Anthony Costello, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu thuộc Đại học London, cho biết trong buổi báo cáo tóm tắt tại London: “Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng và có thể rất thảm khốc đối với sức khỏe và sự tồn tại của loài người. Tuy nhiên vấn đề này thường bị lờ đi trong các cuộc tranh luận chính sách”.

Báo cáo này, do tờ báo về y tế The Lancet đặt làm và công bố, đã được ban chuyên gia bao gồm các nhà khoa học về khí hậu và các nhà địa lý, các nhà khoa học xã hội, môi trường và năng lượng, các chuyên gia về đa dạng sinh học và y tế của châu Âu và Trung Quốc soạn thảo. Trong đó nói rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện nhiều hơn và dữ dội hơn. Các ảnh hưởng gián tiếp có thể xuất phát từ những thay đổi trong các kiểu bệnh truyền nhiễm, ô nhiễm không khí, mất an ninh lương thực và thiếu dinh dưỡng, thay đổi chỗ ở và các cuộc xung đột.

Hugh Montgomery, Giám đốc Viện Sức khỏe và Hoạt động của con người thuộc Đại học London và đồng tác giả của báo cáo trên khẳng định: “Biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực y tế. Nó đòi hỏi một phản ứng cấp bách sử dụng các công nghệ sẵn có hiện nay”.

Ban chuyên gia nói rằng hiện đã có nhiều cách để mang lại các thành quả về y tế bằng việc hành động trước sự biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, đốt ít nhiên liệu hóa thạch hơn làm giảm các bệnh về đường hô hấp và khiến người dân đi bộ và xe đạp nhiều hơn giảm ô nhiễm, tai nạn giao thông và tỷ lệ béo phì, đái tháo đường, đau tim và đột quỵ.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, khiến khoảng 17 triệu người chết mỗi năm. Giáo sư Montgomery nhấn mạnh: “Sẽ tiết kiệm được nhiều năng lượng khi người dân tiêu thụ bớt calo để đi lại, và có một số lợi ích trực tiếp từ các lối sống tích cực hơn”.

Thu Giang

(Theo Reuters)

Tin mới