Biểu tượng và danh vật xứ Nghệ trên cửu đỉnh

(Baonghean) - Cửu đỉnh, tức chín cái đỉnh đồng được đúc dưới thời Vua Minh Mạng, đặt trước sân Thế miếu, trong Hoàng thành Huế. Trên cửu đỉnh chạm khắc các họa tiết với rất nhiều hình ảnh biểu trưng của nhiều vùng miền khắp từ Bắc chí Nam, tập hợp thành bức tranh sinh động của đất nước Việt Nam thống nhất và giàu mạnh dưới thời Nguyễn, trong đó có biểu tượng, hình ảnh của xứ Nghệ.

Trên cửu đỉnh có nhiều nhóm họa tiết hình tượng khác nhau và đều được sắp xếp theo 9 nhóm hình tượng về cảnh sông, núi, mây, gió, hoa cỏ, cây trái, linh vật... đặc trưng cho các vùng miền xứ sở trên khắp đất nước, tổng cộng 153 hình ảnh được chạm khắc. Những họa tiết sinh động này chính là phần hồn, phần tinh túy nhất của cửu đỉnh. Trong các nhóm hình tượng đó có 2 nhóm hình tượng nổi bật là 9 ngọn núi cao và 9 con sông lớn tiêu biểu trên khắp đất nước. Nếu như xứ Thanh có núi Thiên Tôn và sông Mã, tỉnh Quảng Bình có Hoành Sơn và sông Gianh… thì chúng ta vinh dự có hình ảnh núi Hồng sông Lam – biểu tượng thiêng liêng của quê hương xứ Nghệ.

Núi Hồng được khắc trên Anh đỉnh. Núi còn có tên Ngàn Hống, rú Hôống hay Hồng Lĩnh, là ngọn núi cao và nổi tiếng nhất ở xứ Nghệ. Núi nằm giữa Thị xã Hồng Lĩnh và hai huyện Nghi Xuân, Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Mạch núi Hồng đi từ núi Trà chạy xuống phía đông, hình thế rộng cao hùng vĩ. Nhìn từ phía Nam dãy núi sắp xếp như chim Hồng xòe cánh nên gọi là Hồng Lĩnh. Núi được sông Lam, sông Hoàng bao quanh, cửa Hội cửa Sót khống chế.

                              Chiếc đỉnh có khắc hình núi Hồng của xứ Nghệ.

Năm Minh Mạng thứ 17, sau khi đúc xong cửu đỉnh, nhà vua cho khắc núi Hồng vào Anh đỉnh. Ngày Giáp Thân, tháng 2 năm Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị thứ 2, trong chuyến tuần du ra Bắc nhận sắc phong, nhà vua ngự thuyền từ sông Đại Nại qua núi Hồng Lĩnh và cho triệu quan tỉnh là Vũ Đức Nhu hỏi về danh thắng này. Nhà vua bèn làm một bài thơ vịnh và cho khắc bia dựng dưới chân núi. Về sau, bài thơ này được chép lại trong bộ Thánh Chế thi tập.

Sông Lam  được khắc trên Tuyên đỉnh. Sông còn có nhiều tên khác như sông Rum, sông Cả, sông Thanh Long,... là con sông lớn nhất xứ Nghệ. Sông có hai nguồn lớn là nguồn Hiếu và nguồn Tương. Nguồn Hiếu bắt nguồn từ Thanh Động thuộc phủ Quỳ Châu, còn nguồn Tương thì phát nguồn từ thác đá thuộc phủ Trà Lân. Khi cả hai nguồn hợp thành một dòng chính thì tiếp tục chảy về các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn xuôi về Dũng Quyết (Thành phố Vinh) rồi lại vòng qua Đức Thọ, Nghi Xuân rồi chảy ra biển Cửa Hội. Trên suốt chặng đường chảy về phía biển Đông nó lại được các con sông con tiếp tục nhập và tạo thành một con sông lớn với một hệ thống mạch nhánh đi qua hầu hết các huyện của tỉnh Nghệ An và một số huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua cho khắc hình ảnh sông Lam lên Tuyên đỉnh. Đến năm Tự Đức thứ 3 (1850), sông Lam được xếp vào hàng các con sông lớn của đất nước và được liệt vào tự điển, hàng năm đều cử hành đại lễ tế thần sông.

Ngoài núi Hồng và sông Lam, xứ Nghệ còn có một số danh vật khác được khắc trên cửu đỉnh. Những danh vật này tuy không phải nguồn gốc tại xứ Nghệ nhưng cũng là nơi nổi tiếng với những loại này. Trên Cao đỉnh có khắc hình cây trầm hương. Loài cây này có nhiều ở miền rừng núi Nghệ An, Hà Tĩnh trở vào cho tới Nam Trung bộ. Hay như trên Nhân đỉnh có khắc hình con chim khổng tước, tên dân gian là Công (hay Cuông). Loài chim này có nhiều ở vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang, vùng Tu Bông tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh khác ở Nam Trung bộ. Còn ở Nghệ An có Đền Cuông thờ Vua Thục Phán trên núi Mộ Dạ, huyện Diễn Châu. Tục truyền rằng núi Mộ Dạ ngày xưa có rất nhiều chim công, sau này tiếng địa phương đọc chệch thành Cuông. Huyện Con Cuông, tương truyền cũng là nơi có nhiều chim công nên mới có tên là Con Cuông.

Cửu đỉnh là báu vật quốc gia, di sản văn hóa có giá trị nhiều mặt và là biểu tượng của đất nước Việt Nam giàu mạnh và thống nhất dưới thời Nguyễn. Qua những họa tiết về sông núi và danh vật xứ Nghệ trên cửu đỉnh, chúng ta càng thấy rõ hơn về vị thế và hình ảnh của xứ Nghệ trong lòng đất nước.

Trần Tử Quang (Thư viện tỉnh Nghệ An)

Tin mới