Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hướng tới bỏ thi chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tham mưu sửa đổi toàn diện các nội dung liên quan đến thi chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính bằng hình thức có thể xét tuyển.

Phát biểu tại lễ khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hành chính từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp năm 2023, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng liên quan đến đổi mới cách thức công nhận chuyên viên cao cấp.

Số lượng chuyên viên cao cấp lớn quá

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, đây là một hoạt động công vụ để lựa chọn được những cán bộ, công chức, viên chức hành chính có năng lực, trình độ, đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện để nâng ngạch thành chuyên viên cao cấp (bậc cao nhất của hệ thống chức danh công chức).

“Chính vì vậy, chúng tôi đặt ra những yêu cầu rất cao để kỳ thi thực sự lựa chọn được cán bộ, công chức, viên chức hành chính có năng lực thực sự, có trình độ, kiến thức”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

phamthithanhtra-noivu-01-300.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Từ đó, những cán bộ ở Trung ương khi bổ nhiệm là chuyên viên cao cấp phải có khả năng nhận định, đánh giá, xây dựng hệ thống thể chế, chính sách mang tầm vĩ mô và khả năng tham mưu theo yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra của các cơ quan trung ương.

Đối với địa phương là những cán bộ có khả năng dự báo, đánh giá, tham mưu hoặc trực tiếp tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng trên lĩnh vực ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là đối với nhân sự làm lãnh đạo.

Họ phải có khả năng vừa tham mưu, vừa lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, xây dựng chiến lược phát triển cho địa phương; có tầm nhìn, tư duy để đảm bảo được năng lực quản trị tốt nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị tại địa phương.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, những công chức, viên chức vượt qua kỳ thi này sẽ có thêm điều kiện cần và đủ để bổ nhiệm vào chức danh chuyên viên cao cấp.

“Đây là kỳ thi rất đặc biệt. Chúng tôi coi đây là kỳ thi thông qua một chặng đường rất dài thực hiện Luật Cán bộ, công chức và các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Nội vụ. Chúng tôi đang cho đánh giá lại để từ đó chuyển đổi việc thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp cho phù hợp”, Bộ trưởng Nội vụ thông tin.

Từ đó, Bộ Nội vụ sẽ xem xét chức danh nào cần chuyên viên cao cấp ở địa phương, chức danh nào ở các vị trí lãnh đạo cấp tỉnh có thể căn cứ vào những tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét, coi như đạt chuyên viên cao cấp. Việc này sẽ được phân cấp để thực hiện và ở trung ương cũng tương tự.

Lưu ý với tiêu chuẩn, điều kiện như hiện nay, số lượng chuyên viên cao cấp lớn quá, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo các cấp, từ đó xác định chuyên viên cao cấp quy định cụ thể như thế nào với từng chức danh.

Chẳng hạn như đối với ở Trung ương, phải xác định vị trí việc làm nào cần chuyên viên cao cấp để đào tạo, bồi dưỡng, định hướng để trở thành chuyên gia, tham mưu xây dựng hệ thống thể chế chính sách.

“Không như hiện nay số lượng này lớn quá. Thực chất cũng có những chuyên viên cao cấp khi ở vị trí này rồi nhưng không đáp ứng được yêu cầu trong việc xây dựng hệ thống thể chế chính sách. Đây là vấn đề có trên thực tế nên chúng tôi phải khắc phục để nâng chuẩn theo yêu cầu”, Bộ trưởng Nội vụ nói.

Từ ý nghĩa đó, Bộ trưởng khẳng định “đây là kỳ thi đặc biệt”, tạo ra sự chuyển đổi cuối cùng cho kỳ thi chuyên viên cao cấp. Tới đây sẽ thay đổi hình thức để hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo với yêu cầu chất lượng cao nhất đối với chuyên viên cao cấp.

“Chúng ta phải liên tục đổi mới”

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, cùng với đó sẽ phải cơ cấu lại đội ngũ hướng đến thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo như Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó sẽ tương ứng với việc chức danh nào ở các bộ ngành và địa phương cần chuyên viên cao cấp.

Hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để ban hành nghị định liên quan đến nội dung này. Bộ sẽ sửa đổi toàn diện các nội dung có liên quan đến thi chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính bằng hình thức có thể xét tuyển.

Theo đó sẽ hướng tới những đối tượng đã đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, là lãnh đạo cấp tỉnh rồi thì không phải thực hiện kỳ xét tuyển. “Chúng ta phải liên tục đổi mới”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Với viên chức, Bộ trưởng cho biết cũng đã có chủ trương tương tự và Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng ban hành Nghị định quy định đối với viên chức cũng không thực hiện thi thăng hạng, mà xét thăng hạng.

“Tới đây, đánh giá lại việc thực hiện Luật Viên chức, các văn bản quy phạm pháp luật, sẽ bỏ việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để đổi mới nền công vụ, hướng tới xây dựng nền công vụ phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết có 1.201 cán bộ, công chức, viên chức hành chính đăng ký tham gia kỳ thi; trong đó khối trung ương có 602 người, địa phương có 599 người.
Trong số này, diện cán bộ lãnh đạo chiếm tỷ lệ cao. Riêng ở địa phương, các cán bộ là phó chủ tịch HĐND, UBND là gần 40 người. Ở trung ương, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ hoặc được quy hoạch chức danh chức danh vụ trưởng và tương đương cũng rất cao.

Tin mới