Bóng đá chuyên nghiệp và thầy ngoại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Bóng đá Việt Nam kể từ ngày hội nhập trở lại với khu vực và thế giới gắn liền với những ông thầy ngoại, từ ông Weigang cho đến ông Troussier hiện nay ở Đội tuyển Việt Nam và nhiều thầy ngoại khác ở các câu lạc bộ.

Thành công gắn liền với các ông thầy ngoại là điều ai cũng biết, cũng công nhận, nhưng câu chuyện nhìn rộng ra không chỉ có vậy. Bởi ở cấp câu lạc bộ chẳng hạn, lại có khá nhiều ông thầy ngoại thất bại chóng vánh, trường hợp mới nhất là ông Gong Oh-kyun ở Công an Hà Nội minh chứng điều đó.

31-gong-oh-kyun-2507.png
HLV Gong Oh-kyun.

Ở cấp độ Đội tuyển Việt Nam, thành công nhất với thầy ngoại là ông Park Hang-seo và trước đó là ông Calisto. Nhiều người biết, ông Park Hang-seo thành công bởi ông không chỉ là một nhà chuyên môn giỏi, mà còn là nhà quản lý giỏi, biết tập hợp sức mạnh của từng cá nhân tạo nên một tập thể mạnh, đoàn kết, một người gần gũi với từng cầu thủ, tạo được niềm tin ở đông đảo người hâm mộ. Bởi vậy, dưới thời ông Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam vừa giành AFF Cup 2028, vừa giành Huy chương Vàng SEA Game 31 và 32, chưa kể các thành tích cấp châu lục… Trong khi đó, ông Calisto trước hết thành công với Đồng Tâm Long An và từ những ngôi sao hàng đầu Tài Em-Minh Phương kết hợp với một loạt tài năng khác như Hồng Sơn, Công Vinh… để lần đầu tiên đoạt AFF Cup với Đội tuyển Việt Nam hồi 1998. Còn lại là những ông thầy ngoại chỉ đưa Đội tuyển Việt Nam về nhì như Weigang, Riedl, thậm chí không đạt tới đó như Dido, Goetz, Miura…

Câu chuyện của các ông thầy ngoại thành công nói trên, cùng những dấu ấn của ông Gong Oh-kyun khi dẫn dắt U23 Việt Nam hồi 2022 cho thấy, nếu có trong tay những cầu thủ tốt nhất, được tập trung huấn luyện bài bản, dài ngày… thì mọi việc cơ bản êm thuận và khả quan. Trái lại, công việc huấn luyện ở một câu lạc bộ với lịch trình thi đấu dài ngày, nhiều điều khác hẳn với khi lên tập trung đội tuyển, trình độ cầu thủ khác nhau, quan điểm về lối sống, triết lý bóng đá khác nhau… sẽ khiến cho mọi việc phức tạp hơn rất nhiều. Ai ai cũng biết, cho đến nay, chỉ có ông Calisto là thành công với cả Đồng Tâm Long An lẫn Đội tuyển Việt Nam và phần nào với U23 Việt Nam. Đó là điều hiếm thấy và thật không dễ để nói ông thầy người Bồ Đào Nha thành công nhờ tài năng, tâm huyết hay may mắn đạt được điều đó?

kiatisak-hagl-2-5073.jpg
HLV Kiatisak.

Trên thực tế, dù rất được yêu mến, kính trọng nhưng ông thầy người Áo A.Riedl và ông thầy người Nhật Miura, tiếp đó là ông thầy người Hàn Gong Oh-kyun… đã không thể thành công khi dẫn dắt các đội bóng ở V.League sau khi rời khỏi con thuyền Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam. Chuyện mới nhất, đáng nói nhất liên quan đến ông Gong Oh-kyun khi cầm quân 5 trận mà chỉ có 1 trận thắng, 1 trận hòa và 3 trận thua, dẫn đến “mất quyền chỉ đạo” và rời đi không kèn, không trống. Để rồi ngay sau đó, Công an Hà Nội đã có trận thắng hủy diệt 3-0 trước đội đang lên chân Bình Dương ở vòng 8 V-League? Câu hỏi đặt ra là vì sao đội bóng lột xác nhanh chóng và dễ dàng như vậy? Rõ ràng, ông Gong chưa hiểu nội tình đội bóng, văn hóa đội bóng, không thực sự nắm được phòng thay đồ, không có “cánh tay nối dài” ở đội bóng nên mọi việc cứ tuột khỏi tầm với mà không thể hiểu vì sao?

Thất bại hay chưa thể thành công như mong đợi của các ông thầy ngoại ở cấp câu lạc bộ là một danh sách kéo dài, kể cả ông Popov ở Đông Á Thanh Hóa dù dấu ấn để lại là có thật, hay như ông Polking ở Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Kiatisak ở Hoàng Anh Gia Lai… Không thể phủ nhận tài năng của các ông thầy ngoại, nhưng việc họ có thành công hay không, tiếc thay ở V.League lại không chỉ cần tài năng là đủ, mà cần nhiều điều khác. Nhiều ông thầy ngoại ở Hà Nội FC, Viettel hay Công an Hà Nội… đã lần lượt rời đi, nhường chỗ cho các ông thầy nội, “cây nhà lá vườn” đang là một thực tế. Cần phải thấy rằng, nhiều ông thầy nội nhờ làm “trợ lý” cho thầy ngoại nên đã học hỏi được nhiều điều, để từng bước đủ sức đảm nhận nhiệm vụ, kể cả những người nổi tiếng như Nguyễn Thành Vinh, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Chu Đình Nghiêm…

Xu thế hội nhập toàn diện và sâu rộng hiện nay của bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút các ông thầy ngoại đi kèm ê-kip chuyên môn, đội ngũ bác sĩ, huấn luyện viên thể lực… Người nào phát huy tài năng và sự chuyên nghiệp vốn có, nhanh chóng “hội nhập” được văn hóa, lối sống, chọn cách hành xử phù hợp… sẽ nhanh chóng đạt tới thành công và ngược lại. Chính lúc đó, các trợ lý người Việt, các cầu thủ nếu biết cách tranh thủ học hỏi, trang bị thêm vốn kiến thức từ thực tế sinh động sẽ nhanh chóng trưởng thành.

Nên nhớ, đến như các nền bóng đá nổi tiếng Brazine, Anh, Nhật, Hàn… hay gần gũi như Thái Lan, Indonesia đều cần đến những ông thầy ngoại. Bóng đá Việt đã thành công và vẫn đang rất cần các ông thầy ngoại tài năng để hướng đến những mục tiêu cao nhất có thể. Bài học thành công của các ông thầy Park Hang-seo, Calisto… cũng như bài học thất bại của nhiều ông thầy khác cho thấy mọi điều có thể làm được dù không dễ dàng. Vấn đề là trải qua nhiều đời huấn luyện viên ngoại đến rồi đi, bóng đá Việt có thêm những hành trang quý báu gì để bước tiếp? Còn nếu đâu đó để xảy ra chuyện “ghế huấn luyện viên có 4 chân, cầu thủ nắm 3” thì đó dứt khoát là thầy dở và trò cũng dở. Những gì liên quan đến ông Gong Oh-kyun mới đây và ông Polking tới đây hẳn có nhiều điều đáng suy ngẫm cho không chỉ một đội bóng, một nền bóng đá phát triển?

Tin mới