Bước đột phá giúp Anh Sơn ‘nhảy vọt’ trên bảng xếp hạng cải cách hành chính

Bước đột phá giúp Anh Sơn ‘nhảy vọt’ trên bảng xếp hạng cải cách hành chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thẳng thắn nhận rõ khuyết điểm, quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm nâng cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật với mục tiêu “vì nhân dân phục vụ”, huyện Anh Sơn đang vươn lên tốp đầu của tỉnh về cải cách hành chính.
Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Hữu Sáng trực tiếp trao đổi với cán bộ và nhân dân xã Tường Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thanh Phúc
Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Hữu Sáng trực tiếp trao đổi với cán bộ và nhân dân xã Tường Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thanh Phúc

Một thời gian dài, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở xã Long Sơn (Anh Sơn) gặp nhiều vướng mắc, không thể giải quyết, hàng trăm bộ hồ sơ tồn đọng, người dân mỏi mòn chờ cấp sổ đỏ. Có không ít người nóng lòng vì muốn có được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích vay vốn làm ăn nên đã phải nhờ “cò” làm hồ sơ, từ đó nảy sinh không ít tiêu cực, nhũng nhiễu.

Nắm bắt tình hình đó, năm 2022, nhận được sự chỉ đạo của huyện, chính quyền xã Long Sơn đã phát động phong trào “Hỗ trợ nhân dân làm hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, cao điểm thực hiện từ tháng 8-12/2022. Theo đó, 100% cán bộ, công, viên chức của xã tham gia, phân công mỗi người phụ trách 1 xóm, giúp dân kê khai hồ sơ, hoàn tất các thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nhanh nhất, sớm nhất đối với những hộ đủ điều kiện.

Ròng rã 4 tháng trời, cán bộ, công chức xã Long Sơn được huy động làm thêm để giải quyết 600 bộ hồ sơ đất còn tồn đọng. Ảnh: CSCC

Ròng rã 4 tháng trời, cán bộ, công chức xã Long Sơn được huy động làm thêm để giải quyết 600 bộ hồ sơ đất còn tồn đọng. Ảnh: CSCC

Khó khăn đầu tiên là hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất phức tạp, nhiều giấy tờ, thủ tục phải kê khai, trong khi đó, cán bộ xã không phải ai cũng có kiến thức về đất đai, về luật. Để khắc phục hạn chế này, chủ tịch xã, cán bộ địa chính xã đã tổ chức các lớp tập huấn, chỗ nào vướng mắc thì cùng tập trung tháo gỡ. Sau 4 phiên tập huấn, sau 1 tuần cầm tay chỉ việc, kết quả 20 cán bộ, công chức xã và cán bộ xóm đã thạo việc các bước làm hồ sơ, thủ tục.

“Ròng rã 4 tháng, từ ngày 15/8 đến ngày 31/12, anh em cán bộ xã, cán bộ xóm làm không có thời gian nghỉ, xuyên trưa, làm thêm vào buổi đêm và ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, hết giờ hành chính thì làm hồ sơ cấp sổ đỏ cho dân. Đặc biệt, chủ trương của xã là không để dân đi lại phiền hà nên toàn bộ hồ sơ, cán bộ xã, xóm đều đảm nhận hoàn thiện, đến tận nhà kê khai, lấy chữ ký, người dân chỉ việc cung cấp các giấy tờ cần thiết mà không mất bất kỳ một chi phí nào”, ông Nguyễn Trần Chương - Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết.

Cán bộ xã Long Sơn làm việc ngoài giờ đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân. Ảnh: Thanh Phúc

Cán bộ xã Long Sơn làm việc ngoài giờ đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân. Ảnh: Thanh Phúc

Kết quả cho những tháng ngày “hết việc chứ không hết giờ” là 343 bìa đất được cấp cho người dân xã Long Sơn; phấn đấu trong năm 2023 sẽ có 100% số hộ đủ điều kiện được cấp bìa.

Đánh giá về mức độ hài lòng của người dân về những người thực thi công vụ ở địa phương, ông Nguyễn Hữu Minh ở xóm 3, xã Long Sơn cho biết: “Sở hữu đất 30 năm nay nhưng giờ mới được cấp sổ đỏ; trước đây, làm hồ sơ không biết bao nhiêu lần, đi lại không biết mấy bận mà hồ sơ vẫn tồn đọng, muốn vay ngân hàng làm trang trại cũng không được. Tháng 12/2022, nhờ cán bộ xã, dân chúng tôi được cấp bìa, phấn khởi lắm”.

Những cán bộ "hết việc không hết giờ" ở xã Long Sơn. Ảnh: Thanh Phúc

Những cán bộ "hết việc không hết giờ" ở xã Long Sơn. Ảnh: Thanh Phúc

Hoặc như xã Hùng Sơn, công tác cải cách hành chính luôn được địa phương chỉ đạo quyết liệt. Đầu năm, xã tổ chức ký cam kết tập thể và cá nhân công chức về thực hiện cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương; ban hành kế hoạch, chương trình cải cách hành chính từng tháng cụ thể.

Thông qua chào cờ và giao ban hằng tuần, cán bộ, công chức sẽ bị phê bình, nhắc nhở nếu để xảy ra sai sót, không làm hết trách nhiệm hay bị người dân phản ánh… Bên cạnh đó, quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chính xác và nhanh gọn…

Người dân đến giao dịch tại Bộ phận một cửa xã Hoa Sơn. Ảnh: Thanh Phúc

Người dân đến giao dịch tại Bộ phận một cửa xã Hoa Sơn. Ảnh: Thanh Phúc

Hoặc như xã Hoa Sơn, bên cạnh thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính, xã còn có những việc làm ý nghĩa tạo sự hài lòng cho người dân như: có thư chúc mừng khi trao giấy chứng sinh, kết hôn; thư chia buồn khi người dân đến làm giấy chứng tử; thư xin lỗi khi vì lý do nào đó mà chậm trễ giải quyết thủ tục, giấy tờ cho dân…

Có được sự chuyển biến tích cực đó từ cơ sở là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc tích cực của huyện đã khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức địa phương, nêu cao tinh thần “vì dân phục vụ".

Chính quyền xã Hoa Sơn trao thư chúc mừng cho công dân đến làm giấy khai sinh. Ảnh: CSCC

Chính quyền xã Hoa Sơn trao thư chúc mừng cho công dân đến làm giấy khai sinh. Ảnh: CSCC

"Bên cạnh việc tổ chức quán triệt công tác cải cách hành chính Nhà nước của cấp trên, của huyện Anh Sơn, giai đoạn 2022-2025 và Nghị quyết số 03-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện, Anh Sơn đã phát động phong trào thi đua với chủ đề “Tất cả vì quê hương Anh Sơn giàu đẹp”. Trong đó, thực hiện tốt “Năm không": "Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà"; "Không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm"; "Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ"... trong quá trình thực thi nhiệm vụ", ông Nguyễn Đức Vĩnh - Trưởng phòng Nội vụ huyện Anh Sơn cho biết.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn đã đăng ký sáng kiến, đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ; không để tồn đọng hồ sơ thủ tục của nhân dân, doanh nghiệp.

Cán bộ huyện thường xuyên xuống cơ sở nắm thông tin và tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. Ảnh: Thanh Phúc

Cán bộ huyện thường xuyên xuống cơ sở nắm thông tin và tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. Ảnh: Thanh Phúc

Ngoài ra, huyện cũng ưu tiên đầu tư Trung tâm một cửa cùng cơ sở vật chất và trang thiết bị công nghệ thông tin cho nhiều xã và thị trấn; sử dụng phần mềm trong quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành; ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Nhờ đó, từ một địa phương đứng cuối bảng về cải cách hành chính, đến nay, huyện Anh Sơn đã vươn lên nằm trong tốp đầu của tỉnh về công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, sự hài lòng của người dân chính là "thước đo" chuẩn mực cho những thành công đó.

Trong năm 2022, toàn huyện đã giải quyết hơn 1.000 hồ sơ trực tuyến; 10% lãnh đạo phòng, ban, cấp xã đều sử dụng chữ ký số; có 179 đề tài, sản phẩm ứng dụng về cải cách hành chính cấp huyện… Bộ phận một cửa cấp huyện đã tiếp nhận 356 hồ sơ, trong đó, trả đúng hạn và trước hạn 350 hồ sơ. Gần 12.600 hồ sơ đã tiếp nhận và giải quyết qua bộ phận một cửa cấp xã, trong đó 12.198 hồ sơ trả đúng hạn... Cổng thông tin điện tử huyện: https://anhson.nghean.gov.vn được tích hợp trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, tích hợp đầy các thông tin chuyên mục và đăng tải đầy đủ các thủ tục hành chính, văn bản chỉ đạo, điều hành, thông báo, lịch làm việc liên quan.

Tin mới