Các dự án đầu tư đã có tầm về quy mô và sử dụng công nghệ cao

(Baonghean) - Thu hút đầu tư những năm gần đây được tỉnh ta đặc biệt quan tâm với hàng loạt hoạt động xúc tiến, hội thảo, hội nghị cả ở nước ngoài lẫn tại địa phương. Sau những nỗ lực, Nghệ An đã ký kết được nhiều dự án. Nhân kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVI, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Độ- Giám đốc Sở KH và ĐT xung quanh những kết quả chất lượng thu hút đầu tư.
 
PV: Xin ông cho biết kết quả thu hút đầu tư của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2012?
 
Ông Nguyễn Văn Độ: Tính từ ngày 1/1/2012 đến ngày 30/6/2012, Nghệ An đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho 24 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đăng ký 1.089,7 tỷ đồng và 2 dự án FDI/30,5 triệu USD vốn đăng ký. Thực hiện điều chỉnh GCNĐT cho 9 dự án, trong đó có 2 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 111 tỷ đồng; 1 dự án điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư 203,4 tỷ đồng, các dự án còn lại điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh (ngành nghề kinh doanh, người đại diện theo pháp luật….).
 
Trong đó, 24 dự án đầu tư trong nước, chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản (12/24 dự án, chiếm 50%), 8 dự án trong lĩnh vực thương mại (33,33%), 2 dự án trong lĩnh vực công nghiệp (8,3%), 1 dự án trong lĩnh vực trồng rừng, 1 dự án trong lĩnh vực y tế ; 1 Dự án đầu tư điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 19,06 tỷ đồng, 1 dự án điều chỉnh giảm vốn 203,418 tỷ đồng. Có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ở lĩnh vực dệt may và sản xuất linh kiện điện tử (1 dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư thêm 97,096 tỷ đồng (4.623.605 USD)).

Dây chuyền vắt sữa tại Công ty CP Thực phẩm sữa TH. Ảnh: Sỹ Minh

PV: Ông có thể đánh giá về chất lượng thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm gần đây?
 
Ông Nguyễn Văn Độ: Chất lượng thu hút đầu tư trong những năm trở lại đây có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng dự án và quy mô dự án ngày càng tăng. Giai đoạn 2000-2005 thu hút được 286 dự án /53.229 tỷ đồng vốn đăng ký; Giai đoạn 2006-2010 thu hút được 311 dự án/112.049 tỷ đồng vốn đăng ký (tăng 108,7% số lượng dự án và 210,5% vốn đăng ký so với giai đoạn 2000-2005). Riêng năm 2011, đã cấp GCNĐT cho 88 dự án đầu tư trong nước/17.384,96 tỷ đồng vốn đăng ký và 5 dự án FDI/41,68 triệu USD vốn đăng ký.
 
Nhiều dự án có quy mô lớn như: Bia Sài Gòn- Sông Lam (1.498 tỷ đồng), Chăn nuôi và chế biến sữa công nghiệp tập trung (6.300 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất sắt xốp Kobelco (1 tỷ USD), Xi măng Tân Thắng (3643.7 tỷ đồng), Thuỷ điện Bản Vẽ (4.763 tỷ đồng), Thủy điện Hủa Na (4.255 tỷ đồng), Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Đông Hồi (5388 tỷ đồng)...
 
Các dự án đã có sự biến động lớn về cơ cấu, ngày càng thu hút được nhiều dự án trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng, nông nghiệp sử dụng công nghệ cao xã hội hóa với quy mô lớn như: Dự án Trồng hoa và rau trong nhà kính, Dự án Chế biến sữa công nghiệp tập trung, Dự án Sản xuất ván MDF, Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Vinh, Bệnh viện Phụ sản Vinh, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Thái An, Bệnh viện Thành An - Sài Gòn.
 
Nhiều dự án đi vào hoạt động và đóng góp ngân sách tỉnh lớn như Xi măng Hoàng Mai, Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghiệp tập trung, Nhà máy bia Sài Gòn- Sông Lam, Bia Sài Gòn- Nghệ Tĩnh, Bia Nam Cấm – Hà Nội,.... Một số dự án sử dụng nhiều lao động như Nhà máy Sản xuất gia công đồ chơi trẻ em các loại (5 triệu USD), Đầu tư sản xuất sản phẩm da và dệt may (11,6 triệu USD) tại Đô Lương, Nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu MLB Tenergy Company Limited tại Yên Thành, Dự án may Haivina Nam Đàn, Nhà máy Sản xuất hàng may sẵn và trang phục tại Cụm công nghiệp Tháp - Hồng - Kỷ, huyện Diễn Châu.
 
Bên cạnh đó, cũng có một số dự án triển khai chậm tiến độ như Dự án Nhà máy sản xuất sắt xốp Kobelco; Dự án Cải tạo Khu A, B chung cư Quang Trung, Xi măng Đô Lương, Đầu tư hạ tầng KCN Hoàng Mai, Khu đô thị mới Smart City Vinh…
 
PV: Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Nghệ An vẫn đạt nhiều kết quả trong thu hút đầu tư. Vậy, hiện nay Nghệ An nên thu hút đầu tư như thế nào để có hiệu quả nhất?
 
Ông Nguyễn Văn Độ: Mặc dù trong bối cảnh suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu, nhưng thời gian qua, thu hút đầu tư của tỉnh vẫn có bước chuyển biến mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư xã hội được huy động đạt 76 ngàn tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với 5 năm trước, trong đó nguồn huy động trong dân chiếm 20%, đầu tư nước ngoài 5,5%.
 
Tuy nhiên, cơ cấu đầu tư còn thể hiện nhiều bất hợp lý, số lượng dự án và quy mô vốn đăng ký của các dự án về thủy điện, bất động sản, khoáng sản chiếm tỷ trọng lớn trong các dự án thu hút đầu tư, số dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến, sử dụng công nghệ cao còn rất ít. Thu hút đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp chất lượng chưa cao.
 
Vì vậy, thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An giai đoạn tới ngoài phù hợp định hướng thu hút đầu tư chung của cả nước còn phù hợp với thế mạnh của tỉnh. Cụ thể, thu hút đầu tư các dự án có chọn lọc, chú trọng chất lượng dự án và thẩm tra kỹ năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư, phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của Nghệ An, không phân biệt nguồn vốn. Trong đó ưu tiên chú trọng thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên; hạn chế các dự án có công nghệ, thiết bị lạc hậu, đóng góp ngân sách ít và sử dụng đất lớn. Chú trọng các dự án phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến và sản phẩm xuất khẩu.
 
PV: Xin cảm ơn ông!

Châu Lan - thực hiện

Tin mới