Cần sớm chuyển giao thẩm quyền chứng thực

(Baonghean) - Sau 5 năm Luật Công chứng có hiệu lực đã đóng góp rất lớn trong việc thực hiện quan hệ giao dịch dân sự của cá nhân và tổ chức, góp phần tích cực trong thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số bất cập cần tháo gỡ.

Thi hành Luật Công chứng, điểm nổi bật là sự xuất hiện của các phòng, văn phòng công chứng. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập 24 tổ chức hành nghề công chứng tại 10 huyện, thành phố, thị xã. Đặc biệt, trên địa bàn TP. Vinh đã có 1 phòng công chứng và 10 văn phòng công chứng. Hoạt động của các phòng, văn phòng công chứng đã góp phần thực hiện nhanh việc công chứng các hợp đồng, giao dịch của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn  thuận lợi, kịp thời trong việc ký kết các hợp đồng, giao dịch vay vốn, thế chấp tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, phân chia tài sản thừa kế…

Nghệ An cũng là một trong những địa phương đầu tiên có phòng công chứng Nhà nước. Năm 1991, UBND tỉnh đã thành lập Phòng Công chứng số I tại TP Vinh và sau 10 năm, Phòng Công chứng số II tại TT Diễn Châu, huyện Diễn Châu chính thức ra mắt hoạt động. Các phòng công chứng này đều đảm bảo về trang thiết bị, con người để phục vụ nhân dân. Từ khi Luật Công chứng có hiệu lực đến nay, trên địa bàn có 22 văn phòng công chứng được thành lập, nâng tổng số phòng công chứng, văn phòng công chứng trên địa bàn lên 24. Đối với Văn phòng công chứng Vinh (Thành phố Vinh) - Văn phòng công chứng thành lập sớm nhất tại Nghệ An chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2009 với 2 công chứng viên. Theo báo cáo tổng hợp, từ khi thành lập đến nay, văn phòng đã thực hiện công chứng được trên một vạn bộ hồ sơ, trong đó chủ yếu là các hợp đồng thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, phân chia tài sản thừa kế.

Bà Trần Minh Cầm, phường Lê Mao, TP Vinh cho biết: “Sự xuất hiện các văn phòng công chứng giúp thời gian thực hiện công chứng nhanh hơn rất nhiều. Thái độ phục vụ của các công chứng viên cũng khá tốt, hướng dẫn quy trình, thủ tục rất chi tiết. Do đó, tôi không còn phân biệt loại hình công chứng Nhà nước hay tư nhân như trước đây”. Trong thời gian 5 năm thực hiện Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng 79.042 hợp đồng, giao dịch. Phí công chứng thu được hơn 25 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 6 tỷ đồng.

Người dân đến làm công chứng tại Văn phòng công chứng Vinh.

Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, chủ quan, hoạt động công chứng ở Nghệ An sau 5 năm vẫn tồn tại một số hạn chế. Trước hết là sự phát triển không đồng đều của các văn phòng công chứng về mặt địa lý. Toàn bộ 24 văn phòng công tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung tại 10 huyện, TP, TX đồng bằng, còn 9 huyện miền núi và 1 huyện đồng bằng chưa thành lập được tổ chức hành nghề công chứng. Ngoài ra, số lượng đơn vị cấp huyện được chuyển giao các hợp đồng giao dịch từ UBND xã, phường, thị trấn sang cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tư pháp còn ít. Đến nay, UBND tỉnh đã quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND xã, phường, thị trấn sang tổ chức hành nghề công chứng tại 4 đơn vị cấp huyện gồm: TP Vinh, huyện Diễn Châu, huyện Đô Lương, TX Cửa Lò. Tại những địa phương chưa được chuyển giao, người dân vẫn đến chứng thực hợp đồng, giao dịch nhiều dẫn công việc của cán bộ tư pháp xã nhiều khi quá tải.

Một khó khăn khác là công tác phát triển đội ngũ công chứng viên và nâng cao chất lượng công chứng viên. Hiện nay, toàn tỉnh có 34 công chứng viên, trong đó có 32 công chứng viên đang hoạt động tại các tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, có đến 26 công chứng viên được bổ nhiệm không qua đào tạo, đã hết tuổi phục vụ trong cơ quan Nhà nước nên phần lớn có tuổi đời cao từ 60 - 65 tuổi, cá biệt có trường hợp 70 tuổi dẫn tới thực trạng đội ngũ công chứng viên tại các văn phòng công chứng đều đã cao tuổi. “Thời điểm hiện nay nếu muốn tìm công chứng viên làm việc ở Nghệ An rất khó khăn. Các đối tượng được bổ nhiệm công chứng viên theo hình thức miễn đào tạo, miễn tập sự hầu hết là các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán nghỉ hưu và phải có bằng cử nhân Luật có số lượng rất ít. Còn những đối tượng phải qua đào tạo, tập sự hành nghề lại phải kèm theo yêu cầu có 5 năm công tác pháp luật tại các cơ quan, tổ chức lại ít có nhu cầu chuyển sang hoạt động công chứng vì họ đã làm việc ổn định tại cơ quan cũ”, ông Nguyễn Xuân Kính – Trưởng Văn phòng công chứng Vinh cho hay.

Trước thực trạng đó, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Sở Tư pháp tỉnh đề nghị cần sớm có sửa đổi, bổ sung thay thế một số nội dung bất cập. Trong đó nhấn mạnh cần có quy định điều kiện tiêu chuẩn độ tuổi tối đa bổ nhiệm công chứng viên, thành lập tổ chức hành nghề công chứng để khắc phục hạn chế về nguồn phát triển công chứng viên. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn cụ thể tiêu chí để chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng giao dịch từ UBND xã, phường, thị trấn sang tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.

Bài, ảnh: Thành Duy

Tin mới