Cần trả lại giá trị thực cho bóng đá Việt Nam

(Baonghean) - Trong mấy năm trở lại đây, khi các CLB bóng đá Việt Nam được chuyển sang dưới hình thức là các doanh nghiệp (một trong những yêu cầu bắt buộc của Liên đoàn bóng đá châu Á để hình thành CLB bóng đá chuyên nghiệp), chất lượng chuyên môn của bóng đá Việt Nam chưa thay đổi là mấy nhưng chi tiêu của các đội bóng bỗng dưng tăng đột biến. Từ chỗ mỗi CLB chi tiêu hết trên dưới chục tỷ đồng, tăng dần đến vài chục tỷ đồng rồi nhảy vọt lên đến cả trăm tỷ đồng.

Văn Quyết (Hà Nội T&T) - cầu thủ có mức thu nhập không dưới 50 triệu đồng mỗi tháng, trong một pha tranh bóng với tiền đạo Abass (SLNA)

ở mùa giải 2012

Nguyên nhân chính là các “ông bầu” - những “nhà giàu” mới nổi đã tham gia vào bóng đá - môn thể thao vua, thu hút nhiều người hâm mộ để đánh bóng tên tuổi, thương hiệu và thậm chí là để… rửa tiền. Do không có hệ thống đào tạo trẻ, lại muốn mau nổi tiếng nên những “ông bầu” này đã làm bóng đá theo cách “ăn xổi ở thì”. Họ sẵn sàng chi hàng chục tỉ đồng tiền “lót tay” và mức lương 40-60 triệu đồng mỗi tháng để lôi kéo các “ngôi sao” nội về đội bóng của mình thi đấu và tung hàng triệu đô để mua ngoại binh, trả lương hàng trăm triệu đồng mỗi tháng cho các HLV, treo thưởng hàng tỉ đồng cho mỗi trận thắng, vài chục triệu đồng cho mỗi bàn thắng... Do đó, để tồn tại và cạnh tranh được với các đội bóng “nhà giàu” này,  những CLB “con nhà nghèo” khác cũng phải gắng sức đua theo. Thế là kinh phí cho các đội bóng cứ thế mà tăng theo cấp số nhân, mặc cho chất lượng chuyên môn thì dẫm chân tại chỗ, mỗi trận đấu chỉ lèo tèo vài trăm khán giả đến sân theo dõi!

Có người nói bóng đá là loại hình lao động đặc thù, thế nhưng đặc thù gì thì cũng phải có chuẩn của nó! Thật khó chấp nhận việc cán bộ công nhân viên chức tốt nghiệp đại học lương khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng, bộ trưởng khoảng 10,18 triệu đồng/tháng thì mức lương loại A và tiền thưởng của một cầu thủ Việt lên đến dăm sáu chục triệu đồng mỗi tháng, còn cầu thủ dự bị “ăn không ngồi rồi” mà vẫn hưởng lương 28 triệu đồng mỗi tháng!

Do không thể cứ mãi “ném tiền qua cửa sổ” một cách phi lý như vậy, đến nay, sau những “bốc đồng”, hàng loạt ông bầu đã “bỏ của chạy lấy người”, nhiều đội bóng đang lao đao, có đội bóng đá bị giải thể. Mùa giải mới đã bắt đầu mà nhiều CLB vẫn chưa đăng ký danh sách thi đấu, thị trường chuyển nhượng cầu thủ gần như “đóng băng”.

Để bóng đá Việt Nam trở về giá trị thật của nó và phù hợp với mặt bằng chung xã hội, đã đến lúc lãnh đạo các CLB, các “ông bầu”, Liên đoàn bóng đá Việt Nam phải ngồi lại với nhau và đưa ra một mức lương trần cụ thể cho bóng đá Việt Nam - điều mà Giải nhà nghề Mỹ đã làm cách đây từ hàng chục năm! Và những người làm bóng đá Việt Nam cũng cần ý thức rằng phải làm sao để thu hút khán giả đến sân và phải xem tiền bán vé, bản quyền truyền hình, thương hiệu CLB là nguồn thu chính chứ không phải cứ bám mãi vào “bầu sữa” của các ông bầu để sống như hiện nay.

Đức Nghĩa

Tin mới