Cảnh báo tình trạng lừa đảo mua bán đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai hiện đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Mặc dù ngành chức năng thường xuyên cảnh báo nhưng nhiều người dân vì hám lợi, thiếu hiểu biết vẫn “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai với các thủ đoạn tinh vi.

Đối tượng Lê Thanh Hưng lừa đảo chiếm đoạt của nhiều bị hại với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Anh tu lieu pham thuy.JPG
Đối tượng Lê Thanh Hưng. Ảnh tư liệu: Phạm Thuỷ

Điển hình trong tháng 10/2023, Công an huyện Nghi Lộc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Thanh Hưng trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra, Lê Thanh Hưng tự nhận có khả năng giải quyết thủ tục "trọn gói" về đất đai như: Làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), làm hồ sơ xin tách thửa và cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Để bị hại tin tưởng, sau khi nhận tiền, Hưng đặt làm giả Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên mạng xã hội rồi đưa cho nạn nhân.

Công an huyện Nghi Lộc làm việc với đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng của 6 bị hại. Anh tu lieu pham thuy.JPG
Công an huyện Nghi Lộc làm việc với đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng của 6 bị hại. Ảnh tư liệu: Phạm Thuỷ

Bước đầu Công an huyện Nghi Lộc xác định trong thời gian từ cuối tháng 10/2022 đến tháng 6/2023, Lê Thanh Hưng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 06 bị hại với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Trước đó ngày 5/4/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đã tạm giữ hình sự đối tượng Lê Thị Thanh Xuân (SN 1970), trú tại xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn đầu tư bất động sản.

Theo đó, Xuân đã tìm kiếm những người có nhu cầu bán đất trên địa bàn thành phố Vinh, huyện Đô Lương và các địa bàn lân cận. Sau khi có thông tin người bán đất, sơ đồ thửa đất, Xuân đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật như: Chuẩn bị có đường quy hoạch chạy qua, mở rộng đường, gần các khu đô thị chuẩn bị thành lập... nhằm lôi kéo những người quen có điều kiện về kinh tế tham gia hùn vốn mua đất.

=đối tượng Lê Thị Thanh Xuân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức hùn vốn đầu tư bất động sản. Anh tu lieu hong ngoc1.jpg
Đối tượng Lê Thị Thanh Xuân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức hùn vốn đầu tư bất động sản. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Toàn bộ số tiền bị hại góp vốn Xuân sử dụng vào mục đích cá nhân. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định Xuân đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Tương tự, ngày 28/3/2023, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Thái Thị Phương Anh, trú xã Hưng Đông, TP Vinh về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do tham gia chơi phường (hụi) dẫn đến nợ nần, Phương Anh nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị Trần Thị Th., trú phường Lê Mao, TP. Vinh bằng thủ đoạn rủ góp tiền mua đất để bán kiếm lợi nhuận.

Biết một số khu vực ở xã Hưng Đông có các thửa đất đẹp, Anh đã chọn ngẫu nhiên các thửa đất (không biết chủ các thửa đất là ai), sau đó, nói dối chị Th. là chủ đất đang bán rẻ, nếu mua đầu tư rồi bán lại sẽ có lợi nhuận và “nổ” rằng việc đầu tư đất có sự giúp đỡ của Chủ tịch xã Hưng Đông là ông Trần A.T. Tinh vi hơn, để lấy lòng tin của nạn nhân, Anh mua 1 thẻ sim điện thoại tạo tài khoản Zalo tên “Tan Tran”, tải những hình ảnh đại diện từ tài khoản chính danh của người này rồi cài đặt vào tài khoản mạo danh.

1.jpg
Bị cáo Thái Thị Phương Anh lĩnh án 14 năm tù. Ảnh tư liệu Trần Vũ

Từ tài khoản mạo danh, Anh nhắn tin cho chị Th. với nội dung “yên tâm đầu tư đất với Phương Anh”, “có gì bác sẽ đứng sau giúp đỡ”, “vì vấn đề tế nhị sợ ảnh hưởng đến công việc nên chỉ liên lạc qua zalo”…

Trong khoảng từ 6/9 đến 6/10/2021, Thái Thị Phương Anh đã đưa ra thông tin góp tiền mua 6 lô đất trên địa bàn TP. Vinh, chiếm đoạt của chị Th. gần 1,2 tỷ đồng. Được biết, thời gian gần đây, lực lượng chức năng nhận được nhiều đơn tố giác tội phạm của người dân về việc bị các đối tượng sử dụng thủ đoạn góp vốn chung để đầu tư mua, bán đất sau đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý một số đối tượng lừa đảo nguyên là cán bộ trong các cơ quan nhà nước nên nhiều người dân đã tin tưởng góp vốn.

Điển hình như trường hợp Lê Văn Bình (SN 1970), nguyên Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị thị xã Cửa Lò (nguyên Chủ tịch UBND phường Nghi Hòa giai đoạn 2005 - 2009; nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nghi Hòa giai đoạn 2009 - 2015). Bình khai nhận bắt đầu tham gia các hoạt động mua, bán đất từ năm 2017, do tham gia với nhiều người, nhiều giao dịch, không kiểm soát được tiền dẫn tới thất thoát nên nghĩ ra thủ đoạn sử dụng vỏ bọc là Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị thị xã Cửa Lò để kêu gọi, thuyết phục người dân góp vốn chung đầu tư đất tại các địa phương ở thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, thành phố Vinh với số tiền lên hàng chục tỷ đồng rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

bna-1-anh-pv-4922.jpg
Đối tượng Lê Văn Bình. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Số tiền từ người góp sau được Bình sử dụng để trả cho những người chung vốn trước. Với thủ đoạn như trên trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2021, Lê Văn Bình đã kêu gọi, nhận tiền góp vốn chung và lừa đảo của 4 bị hại tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng số tiền gần 29 tỷ đồng. Tháng 11/2022 Bình đã bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tương tự tháng 10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam Trần Văn Giang nguyên cán bộ địa chính phường Hưng Dũng, thành phố Vinh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, lợi dụng tình trạng “sốt” đất trên địa bàn, dưới vỏ bọc là một thạc sỹ, cán bộ địa chính có chuyên môn về lĩnh vực đất đai, Giang chủ động tiếp cận những người quen biết (đa số là người có điều kiện kinh tế, có tiền nhàn rỗi lớn hoặc cán bộ công chức) và “nổ” bản thân là công chức địa chính nên biết thông tin về các thửa đất mà chủ đất có nhu cầu mua bán lại, sau đó thuyết phục bị hại đưa tiền cho Giang để “đầu tư”.

Cơ quan chức năng tiến hành khám xét chỗ ở và phương tiện Trần Văn Giang, nguyên cán bộ địa chính phường Hưng Dũng, TP Vinh. Ảnh tư liêu Hong Ngoc1.jpg
Cơ quan chức năng tiến hành khám xét chỗ ở và phương tiện Trần Văn Giang, nguyên cán bộ địa chính phường Hưng Dũng, TP Vinh. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Sau khi nhận tiền, Giang sử dụng vào việc trả nợ và tiêu xài cá nhân.Tại thời điểm bắt giữ Trần Văn Giang, cơ quan công an đã chứng minh đối tượng này thực hiện chiếm đoạt số tiền hơn 03 tỷ đồng của các bị hại, đồng thời tiếp tục xác minh làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng với 08 bị hại khác đang có đơn tố giác, tổng số tiền khoảng 25 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, quá trình điều tra, xác minh, cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn vì một số bị hại là cán bộ, công chức đang làm ở các cơ quan Nhà nước nên tâm lý e ngại, không muốn trình báo hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ.

Nêu cao cảnh giác

Theo ngành chức năng, hiện các đối tượng lừa đảo liên quan đến đất đai thường sử dụng một số thủ đoạn như bán đất trên giấy, chiếm dụng tiền đặt cọc, một tài sản nhà đất nhưng bán cho nhiều người; Mạo danh chủ đầu tư hoặc người uy tín lừa bán đất; lừa góp vốn mua đất; lừa tách thửa đất, lừa có khả năng làm giấy đăng ký quyền sử dụng đất rồi chiếm đoạt tiền… nhiều đối tượng còn lợi dụng hiện tượng sốt đất để in ấn, làm giả bìa đỏ rồi mang đi lừa đảo.

Cơ quan chức năng đọc lệnh khởi tố vụ án và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Văn Bình- nguyên đội trưởng đội quản lý đô thị thị xã cửa lò về toi lưa dao chiem doat tài san. Anh tu lieu HN2.jpg
Cơ quan chức năng đọc lệnh khởi tố vụ án và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Văn Bình- nguyên đội trưởng đội quản lý đô thị thị xã cửa lò về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Về vấn đề này, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Vinh (Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Nghệ An) đã từng cảnh báo khi liên tục xuất hiện tình trạng làm giả Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở để thực hiện các giao dịch bất động sản nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần thận trọng xác định tính pháp lý của dự án bất động sản, thửa đất trước khi thực hiện giao dịch mua bán hoặc đặt cọc; kiểm tra kỹ hợp đồng trước khi ký, tránh tin vào lời quảng cáo, dụ dỗ của các đối tượng mà không kiểm chứng thông tin từ phía các cơ quan chức năng. Đặc biệt khi phát hiện các bất thường trong giao dịch đất đai hoặc nghi ngờ sổ đỏ, giấy tờ khác bị làm giả người dân cần trình báo cơ quan chức năng để được xử lý theo quy định.

2-2890.jpg
Tang vật một vụ án làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc công khai, minh bạch thông tin liên quan đến đất đai chưa đầy đủ, kịp thời là một trong những “kẽ hở” dẫn đến việc các đối tượng có thể lợi dụng dùng sổ đỏ giả, lập dự án ma hay tung ra những thông tin “ảo” để lừa đảo. Bởi vậy, để hạn chế các vụ việc người dân bị lừa qua thủ đoạn mua bán đất, cơ quan chức năng cần rà soát, tham mưu cho cấp thẩm quyền khắc phục những bất cập, thiếu sót trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai. Chính quyền các cấp cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, cấp phép xây dựng; thông tin, tuyên truyền rộng rãi, công khai, minh bạch các dự án đã được cấp phép ở địa phương để người dân được tiếp cận các nguồn thông tin chính thống.

Tại Nghệ An, thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên lĩnh vực đất đai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động “cò”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như lĩnh vực đất đai.

Tin mới