Câu lạc bộ Tokyo mong muốn hợp tác cùng Sông Lam Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ngay sau khi ký kết hợp tác với CLB Mito Hollyhook, lãnh đạo CLB SLNA cũng đã có buổi gặp mặt, làm việc với đại diện Tokyo FC (J.League 1) để tìm tiếng nói chung trong thỏa thuận hợp tác đào tạo trẻ, tìm kiếm các cầu thủ trẻ tiềm năng sang Nhật Bản đào tạo, thi đấu.

Chuyến thăm và làm việc của CLB Tokyo có những lãnh đạo cấp cao của đội bóng này như ông Okuda Masahiko - Văn phòng Chủ tịch, Giám đốc Chiến lược; ông Kitahara Jiro - Giám đốc Thể thao quốc tế; ông Hisaka Masaaki - Phát triển kinh doanh.

CLB Tokyo có lịch sử từ năm 1935, được chính thức thành lập vào năm 1999. Là đội bóng có mô hình hoạt động chuyên nghiệp hàng đầu Nhật Bản, hiện nay, CLB Tokyo là một trong những đội bóng có doanh thu “khủng” từ bóng đá, trung bình 55 triệu USD/năm, với hàng chục nhà tài trợ lớn và số lượng cổ động viên đông đảo.

LTC_0777.JPG
Đại diện Tokyo FC và SLNA FC trong buổi gặp gỡ, làm việc từ ngày 19-20/12. Ảnh: Chung Lê

Chuyến công tác này của đại diện CLB Tokyo là hoạt động quan trọng trong tiến trình đàm phán, tìm tiếng nói chung trong việc liên kết hợp tác đào tạo, tài trợ, phát triển chuyên môn bóng đá. Các hoạt động của CLB SLNA với Mito Hollyhook cũng như CLB Tokyo nằm trong chiến lược hợp tác, phát triển giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Nhật Bản.

Theo ông Okuda Masahiko - Văn phòng Chủ tịch, Giám đốc Chiến lược của CLB Tokyo: “Chuyến đi của Tokyo FC sang Việt Nam lần này có 2 mục đích chính. Một là tìm kiếm cơ hội hợp tác với CLB Việt Nam trong lĩnh vực thể thao cũng như phát triển kinh doanh, vận hành CLB. Yếu tố thứ hai, đó là tìm kiếm những tài năng của Việt Nam để có thể đưa sang Nhật Bản chơi bóng.

Điểm chung giữa hai CLB mà chúng tôi có thể cảm nhận chính là sự quan tâm đến công tác đào tạo trẻ cũng như cung cấp nhiều những nhân sự cho bóng đá nước nhà. Từ đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ các chương trình đào tạo và hỗ trợ CLB của Việt Nam trong mô hình quản trị. Trong quá trình tìm hiểu về CLB, chúng tôi cảm thấy có sự khác biệt giữa hai nền bóng đá, nhưng trong quá trình trao đổi và chia sẻ thông tin sẽ giúp cho chương trình đào tạo trẻ giữa hai CLB tốt hơn rất nhiều”.

Trong quá khứ, đã có những cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản thi đấu nhưng phần lớn đều chưa mang lại nhiều dấu ấn đậm nét. CLB SLNA cũng từng có cầu thủ Lê Công Vinh thi đấu tại Consadole Sapporo FC nhưng với thời gian không lâu. Lãnh đạo CLB Tokyo có những thông điệp gửi đến các tài năng trẻ Việt Nam có mong muốn sang chơi bóng tại J.League 1.

LTC_0852.JPG
Ông Okuda Masahiko - Văn phòng Chủ tịch, Giám đốc Chiến lược của CLB Tokyo đánh giá cao chất lượng đào tạo của SLNA. Ảnh: Chung Lê

Ông cho biết: “Mặc dù có nền tảng kỹ thuật tương đối tốt, nhưng một trong những rào cản khiến cho các cầu thủ Việt Nam khó hòa nhập tại J.League chính là khả năng giao tiếp. Các CLB có những đặc trưng riêng trong cách tổ chức tập luyện, sinh hoạt và thi đấu, cầu thủ Việt Nam thường cần rất nhiều thời gian để làm quen với điều đó.

Bóng đá là câu chuyện của 11 người trên sân chứ không phải bất kỳ một ngôi sao, cầu thủ nào nên tinh thần đồng đội, tinh thần tập thể được đặt lên hàng đầu. Việc gắn kết các cầu thủ với nhau rất quan trọng, giúp các cầu thủ nước ngoài tự tin đấu. Tôi nghĩ rằng, thời gian tới nếu cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản thi đấu cần chủ động hơn nữa trong việc tạo dựng các mối quan hệ, gắn kết với các đồng đội để hòa nhập tốt hơn”.

Trong bối cảnh J.League 1 đang có chính sách, cơ chế mở cho cầu thủ đến từ Đông Nam Á. Cầu thủ Đông Nam Á thi đấu tại Nhật Bản sẽ không tính vào suất ngoại binh. Mong rằng, sẽ có những cầu thủ SLNA nói riêng và Việt Nam được thi đấu trên thảm cỏ J.League 1 - Giải đấu hàng đầu châu Á trong tương lai không xa. Hiện nay, tại Đông Nam Á, Thái Lan đang dẫn đầu về số lượng cầu thủ đang thi đấu và thành công tại Nhật Bản./.

Tin mới