'Chạy án' để … vào tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Vốn là kẻ không nghề nghiệp, Huấn tự nhận mình là cán bộ công an cấp tỉnh có khả năng “chạy án” để chiếm đoạt tiền bị hại. Thế nhưng, Huấn không ngờ, không chạy được án cho người khác mà “màn kịch” đó lại khiến Huấn có án cho đời mình…

Kẻ thất nghiệp có khả năng “chạy án”

Tuy đã được đền bù hết khoản tiền bị Nguyễn Văn Huấn lừa đảo nhưng bà Trần Thị K.(trú tại xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu) vẫn không lý giải được ở thời điểm đó, tại sao bản thân mình lại mù quáng, tin tưởng để rồi gom tiền gửi cho Huấn. Chưa một lần thấy Huấn đi từ trụ sở công an đi ra cũng như mặc đồ ngành đến gặp nhưng chỉ với vài lần “uốn lưỡi”, Huấn đã khiến cho bà K. phải đưa cho mình số tiền lên tới cả trăm triệu đồng để “chạy án”.

Nguyễn Văn Huấn (SN 1982), trú tại xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) nhưng luôn tự giới thiệu mình tên là Huy, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An, cam đoan sẽ “chạy” được án với chi phí hợp lý nhất.

Nguyễn Văn Huấn đã khắc phục toàn bộ tiền lừa đảo cho gia đình bị hại trước khi phiên tòa diễn ra. Ảnh: Như Bình
Nguyễn Văn Huấn đã khắc phục toàn bộ tiền lừa đảo cho gia đình bị hại trước khi phiên tòa diễn ra. Ảnh: Như Bình

Khoảng đầu tháng 11/2020, thông qua các mối quan hệ xã hội, Huấn biết bà Trần Thị K. đang lo lắng chuyện của chồng. Chồng bà liên quan tới vụ buôn lậu và là bị can chính trong vụ án “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, “Vận chuyển hàng cấm”. Biết được điều đó, Huấn tâm sự với bà K. mình có đường chạy án sẽ khiến cho người nhà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Mừng như “vớ được cọc”, bà K. tìm cách làm thân và nhờ vả Huấn.

Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021, Huấn đã yêu cầu bà K. đưa cho mình 260 triệu đồng để “chạy án”.

Bà K. tự nhận, mình vốn là người khá thận trọng không dễ tin người, không dễ dàng đưa hàng trăm triệu đồng cho một người chưa từng quen biết. Tuy nhiên, cái mác công an hình sự mà Huấn tự tạo ra cho mình đã khiến nạn nhân lầm tưởng và răm rắp nghe theo sự "tư vấn" của gã.

Nguyễn Văn Huấn còn chia nhỏ số tiền thành nhiều lần lấy, mỗi lần với mỗi lý do khác nhau khiến nạn nhân mất cảnh giác cứ thế rơi vào bẫy.

Tại Cơ quan CSĐT, Huấn khai nhận, bản thân không phải là công an, cũng chưa từng công tác trong ngành Công an. Nhưng qua nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng để giải quyết vụ tai nạn giao thông, Nguyễn Văn Huấn với tư cách là chủ xe biết được anh Huy, là cán bộ phòng hình sự trực tiếp xử lý vụ việc. Nên khi nói chuyện với bà K, Nguyễn Văn Huấn lấy luôn tên anh Huy để giới thiệu với mọi người phòng trường hợp xác minh danh tính.

Vì trót "nổ" là cảnh sát hình sự nên khi được nhờ "giúp" cho một bị can không bị xử lý hình sự về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" và "Vận chuyển hàng cấm" nên Huấn gật đầu.

Tiền đã chuyển nhưng qua nhiều tháng, gia đình bà K. vẫn không thấy động tĩnh gì, nghi ngờ bị Huấn lừa nên gia đình bà K. đã về tận nhà của Huấn để xác minh. Lúc đấy, bà K. mới ngỡ ngàng khi thấy người nhà Huấn ngạc nhiên vì không biết Huấn “làm công an” từ khi nào.

Ngày 22/2/2021, bà K. làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyễn Văn Huấn tới cơ quan điều tra. Quá trình làm việc với cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An, Huấn xin đầu thú về hành vi phạm tội và tự nguyện giao nộp thêm 10 triệu đồng.

Những lần đổi tiền để cất giấu

Nguyễn Văn Huấn sinh ra trong một gia đình làm nông thuộc xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn. Là anh cả trong gia đình đông anh em nhưng Huấn vẫn luôn cố gắng học hết cấp 3 rồi đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Bén duyên với nghề vận tải, Huấn chăm chỉ làm việc và lập ra cơ ngơi riêng cho mình. Huấn đã từng có một cuộc sống nhiều người mơ ước: một gia đình, có kinh tế vững vàng khi là chủ một doanh nghiệp vận tải nhỏ. Giấc mơ vượt nghèo của cậu bé năm xưa nay đã thành sự thật. Nhưng rồi biến cố cuộc đời ập đến, Huấn trở nên trắng tay.

Nhiều người thân, hàng xóm chứng kiến cuộc đời Huấn vẫn không thể lý giải được lý do vì sao Huấn ra nông nỗi này. Anh Phạm Bá P. (hàng xóm Nguyễn Văn Huấn) chia sẻ: Trước giờ, Huấn vốn rất hiền lành, hòa đồng với bà con lối xóm, yêu thương vợ con, kinh tế ổn định. Chỉ vì một lần kinh doanh thua lỗ thành ra mất nghề, nhưng chúng tôi không ngờ rằng Huấn lại túng quẫn để rồi đi lừa gia đình khác như vậy.

Ngày 22/7/2021, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Huấn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày ra tòa, chỉ có duy nhất một người thân, ngồi tít dãy ghế cuối cùng của căn phòng xét xử rộng thênh thang. Được biết, người vợ của anh đi làm ăn xa nên không thể có mặt.

Huấn bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An truy tố ra trước tòa án xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đối với bà Trần Thị K., cơ quan điều tra xét thấy, do Huấn chủ động yêu cầu bà này phải đưa tiền, bản thân Huấn không phải là người có chức vụ, thẩm quyền giải quyết vụ án mà bà K. đang nhờ “chạy”. Sau khi phát hiện hành vi lừa đảo của Huấn, bà đã làm đơn tố cáo tới công an. Do đó, chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự bà Trần Thị K. về tội Đưa hối lộ.

Được hỏi về lý do mạo danh công an tại phiên tòa, Nguyễn Văn Huấn trả lời: "Bị cáo không quen biết ai là công an, cũng không quen biết ai bên tòa án hay viện kiểm sát để có thể tác động. Bị cáo suy nghĩ đơn giản là sẽ đưa người nhà bị can đó đến gặp luật sư, thuê luật sư giải quyết, nếu được việc thì hưởng hoa hồng".

Nguyễn Văn Huấn khai nhận đã từng đến một văn phòng luật sư trên địa bàn thành phố Vinh để xin tư vấn về vụ việc trên. Thế nhưng, do bị can đang ở nước ngoài nên luật sư không nhận vụ việc vì không làm việc trực tiếp được với người này. Tuy vậy, Huấn vẫn khẳng định với HĐXX không có ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của người được xin “chạy án”.

Điều đáng nói, với mức tiền lừa đảo là 260 triệu đồng, Nguyễn Văn Huấn chia làm nhiều lần. Cả 6 lần nhận tiền từ người nhà bị hại, Nguyễn Văn Huấn đều mất công nghĩ kịch bản để nhận tiền, chạy án,... Lúc thì “cảm ơn lãnh đạo”, lúc thì gửi “cảm ơn Viện Kiểm sát”, khi thì “thu hồi quyết định”,…

Thắc mắc về vấn đề này, vị hội thẩm đã xét hỏi: "Nếu không có ý định lừa đảo, tại sao bị cáo lại 6 lần yêu cầu bị hại chuyển tiền để lo công việc, mỗi lần giao nhận tiền đều thay đổi địa điểm?".

Bị cáo Huấn cho biết đã đặt vấn đề với một văn phòng luật sư và được báo giá 350 triệu đồng. Sở dĩ Huấn chia tiền làm nhiều lần đóng để người nhà bị can đỡ bị áp lực vì phải lo một lúc cả khoản tiền lớn. Còn về việc thay đổi vị trí nhận tiền thì bị cáo... không lý giải được.

Tất cả số lần nhận tiền đó, bà K. đều đưa với mệnh giá 100 nghìn và 200 nghìn đồng. Nhưng do không có cửa để chạy, Nguyễn Văn Huấn mang hàng trăm triệu đồng này ra tiệm tạp hóa đổi thành mệnh giá 500 nghìn rồi... mang về phòng trọ cất.

Khi người nhà bị can nghi ngờ việc Huấn "nổ", bà K. yêu cầu Huấn trả lại tiền. Lúc đầu, Huấn chỉ trả cho bà K. 70 triệu đồng. Nhưng ngay khi bà K. làm đơn lên công an huyện để tố cáo cán bộ công an rởm thì Huấn đến nhà bà K. trả 190 triệu đồng, nhưng xin 20 triệu đồng tiền “phí xăng xe” đi lại và được người thân bà K. đồng ý.

Nguyễn Văn Huấn tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Như Bình.
Nguyễn Văn Huấn tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Như Bình

"Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai trái, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn xúc phạm danh dự, uy tín của lực lượng công an, khiến người dân hiểu sai về các cơ quan pháp luật. Số tiền 20 triệu đồng lo xăng xe sau đó người nhà của bị cáo đã hoàn trả lại cho bị hại. Trong vụ án này bị cáo không hưởng lợi một đồng nào. Bị cáo rất mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật", Nguyễn Văn Huấn nói trước HĐXX.

Do Huấn đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt nên phía bị hại đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Cân nhắc toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Huấn 7 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tin mới