Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ tuần qua

(Baonghean.vn) - Loại bỏ điểm nghẽn trong xuất khẩu, cử 3 thành phố tham gia Mạng lưới mạng thông minh ASEAN; ban hành quy định về bảo vệ hạ tầng đường sắt; hỗ trợ tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo,... là một số chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần qua.
Loại bỏ những điểm nghẽn trong xuất khẩu
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh Internet
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh Internet
Tại Hội nghị toàn quốc bàn về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu diễn ra sáng 23/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải kiên quyết loại bỏ những điểm nghẽn trong xuất khẩu, sớm hoàn thiện các hành lang pháp lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp như các vấn đề thủ tục hải quan, thuế, phí... Thủ tướng cũng đưa ra hướng gợi mở, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo liên kết với các doanh nghiệp FDI trong việc kết nối toàn cầu; xây dựng hệ thống logistics Việt Nam hiện đại, thuận tiện, có chi phí rẻ; tìm cách xâm nhập vào kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới; bám sát tín hiệu, thông tin thị trường để chủ động trong sản xuất và bán hàng.
Cử 3 đô thị lớn của Việt Nam tham gia Mạng lưới thành phố thông minh
Trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet
Trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet
Ngày 27/4, tham dự phiên họp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 tại Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo, Việt Nam cử 3 thành phố là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng tham gia sáng kiến Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN. Đây là sự cụ thể hóa về nội dung hợp tác nêu trong Tuyên bố về Tầm nhìn của Lãnh đạo ASEAN về một ASEAN tự cường và sáng tạo, thành lập Mạng lưới các thành phố ASEAN thông minh và tăng cường hợp tác về an ninh mạng.
Bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

Nghị định này quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, bao gồm: Đặt tên tuyến, tên ga đường sắt; tháo dỡ tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt; phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt; quản lý, sử dụng, khai thác đất dành cho đường sắt; trách nhiệm quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

Hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo

Nông dân cày đất. Ảnh: T.L
Nông dân làm đất chuẩn bị vụ cấy. Ảnh: T.L
Các hộ nghèo, cận nghèo thuộc khu vực sản xuất nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Các đối tượng không thuộc thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 20% phí này. Đó là quy định mới theo Nghị định 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Tiêu chí để xác định doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Trồng dưa lưới bằng công nghệ cao ở huyện Anh Sơn (Nghệ An)
Trồng dưa lưới bằng công nghệ cao ở huyện Anh Sơn (Nghệ An). Ảnh: T.L
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần đáp ứng các điều kiện: (theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật CNC)

- Ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục  được ưu tiên theo quy định tại Điều 5 của Luật Công nghệ cao .

- Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hàng năm.

- Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đạt ít nhất 0,5%; số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đạt ít nhất 2,5%.

- Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.

Không để tái diễn "xe dù, bến cóc"

Xe dù. Ảnh minh họa
Xe dù. Ảnh minh họa
Để đảm bảo TTATGT, đảm bảo an toàn cho người dân - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố có giải pháp kiên quyết không để tái diễn tình trạng "xe dù, bến cóc". Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm như: Đón trả khách sai quy định; không chạy xe đúng tuyến, lịch trình, xe chở khách không đúng quy định...

Trước đó Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo Pháp luật và báo Tài nguyên và Môi trường qua bài viết "Dấu hiệu đấu giá trái pháp luật".

Tin mới