Chí khí người lính trong "lửa hận ngục tù"

(Baonghean) - Cựu chiến binh Tăng Đình Thích - Chủ tịch Hội CSCM bị địch bắt tù đày huyện Diễn Châu vừa tuyển chọn, biên soạn ra mắt bạn đọc cuốn sách "Lửa hận ngục tù", kịp thời chào mừng 21 năm ngày thành lập Hội CCB Việt Nam và 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2013)…
Sách được ấn loát giấy tốt, trình bày đẹp, kèm theo những bức ảnh chụp ở lao tù Phú Quốc, ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bạn tù mà tác giả may mắn được gặp ở Hà Nội và những lần thăm lại chiến trường xưa. Ngoài hơn 10 bài thơ tác giả sáng tác trong tù những năm 1969 - 1973, còn có các chùm bút ký, ghi chép của các nhà văn, nhà báo viết về cựu tù Tăng Đình Thích. Có thể nói, tập văn thơ thực sự đã gây xúc động và sự chú ý của người đọc, nhất là những người cùng trang lứa với tác giả "Một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước!".
Trong lời giới thiệu, tác giả bộc bạch: “Tôi là Đặng Trung Hiếu - tên hoạt động cách mạng trong nhà tù của địch. Còn tên thật là Tăng Đình Thích, sinh năm 1950, nhập ngũ vào Quân đội nhân dân Việt Nam khi chưa tròn 17 tuổi. Sau 6 tháng huấn luyện để "Đi B", Thích được điều động vào chiến trường B2 cũ với chức vụ Tiểu đội trưởng. Cuối năm 1968, anh được điều về Đoàn đặc công Miền (đơn vị 240Y) chủ yếu hoạt động ở vùng sông nước Trung Nam bộ, tham gia chiến đấu hàng chục trận lớn nhỏ, bị hơn 20 vết thương trên người, cùng đồng đội diệt hàng chục tên địch, lập nên những chiến công sáng chói. Năm 1969, Thích bị địch bắt giam tại trại giam Biên Hòa, sau đày ra Nhà tù Phú Quốc. Tại đây, Thích may mắn được ở chung với ông Tư Sang (Chủ tịch nước Trương Tấn Sang); Đại tá Tô Diệu - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Địch vận (Tổng cục Chính trị); Nguyễn Tấn Phương - Nguyên Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương: Nguyễn Xuân Tam (người Diễn Hoa, Diễn Châu) - Nguyên Bí thư Đảng ủy Phân khu C4 Phú Quốc. Mọi người đã dìu dắt, giúp đỡ Thích học văn hóa, chính trị và tập làm thơ. Năm đó, Tăng Đình Thích tròn 20 tuổi. 
Vốn có tâm hồn nghệ sỹ, Thích không thể ngồi yên giữa 4 bức tường xám xịt, anh tập làm thơ, học thơ Bác Hồ, thơ Tố Hữu, đọc thuộc lòng cả 3254 câu thơ trong truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Trong lao tù, Tăng Đình Thích hàng ngày được chứng kiến những cán bộ, chiến sỹ của ta không may sa vào tay địch nhưng vẫn một lòng trung kiên, bất khuất "Rắn như thép vững như đồng", giữa chốn ngục trần gian vẫn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng.
Đêm đêm Thích thao thức thầm hát bài ca hy vọng của nhạc sỹ Văn Ký. Rồi mày mò tập làm thơ, gieo vần, chọn lựa tứ thơ, khổ thơ. Rồi khéo léo bò tới các "chuồng cọp" nhờ đồng đội, bạn tù góp ý sửa chữa. Được các bạn tù động viên khuyến khích, Tăng Đình Thích viết một chùm thơ hơn 10 bài. Những vần thơ Tăng Đình Thích sáng tác ra khi cận kề cái chết nhưng vẫn lạc quan yêu đời và thật khảng khái "Ngục tù nổi lửa quyết vùng lên/ Chiến đấu tay không vững chí bền/ Tinh thần đoàn kết thêm sức mạnh/ Vùng lên thề quyết giữ thanh danh". Thơ Tăng Đình Thích mộc mạc, chân thành, là những hồi ức viết ra từ gan ruột của một chiến sỹ đặc công, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. 
"…Quân thù tàn bạo đê hèn
Dùi đâm, điện giật, búa kìm, đóng đinh.
Con thề giữ trọn thanh danh
Noi gương bất khuất người anh 
dẫn đường…".
Bài "Nhớ Đảng"
(Sáng tác tại Phú Quốc ngày 24/9/1969)
"…Đắng cay chung hướng cùng nhau
Trung thành với Đảng mai sau mát lòng
Bao thử thách xiềng gông máu đỏ
Biết bao ngày đau khổ thịt da…
Dù cho tra tấn gông cùm
Đấu tranh quyết tử, quyết vùng 
đứng lên!"
Bài "Căm thù uất hận"
(Sáng tác tại Phú Quốc ngày 26/3/1970)
Trong lao tù, Tăng Đình Thích bước vào cuộc chiến đấu mới vừa làm thơ, vừa tận dụng các loại vật liệu hư hỏng để làm ra các loại nhạc cụ như sáo, đàn nhị, đàn bầu. Những buổi tập trung, anh em ngâm bài thơ "Căm thù uất hận" với tiếng sáo vi vút hay tiếng đàn nhị, đàn bầu đệm cho những vở chèo như "Đường về mặt trận", "Bàn giao giữa đường". Tiếng đàn, tiếng sáo, bài thơ sáng tác trong lao tù không chỉ củng cố tinh thần và nghị lực cho anh em tù mà còn góp phần lớn vào công tác địch vận. Điệu sáo "Lá thư tâm tình" với những lời tha thiết "Về đi thôi anh lính cộng hòa" mà Thích thổi trong đêm khuya vắng đã khiến nhiều người lính quân cảnh cảm động. Năm 1970, kẻ thù đánh hơi sắp có hiệp định Pari, chúng kiểm tra, đàn áp gắt gao. Với lòng căm thù Mỹ ngụy sâu sắc Tăng Đình Thích sáng tác liền một chùm thơ 3 bài: "Bức thư không gửi", "Nhắn người cách mạng", "Căm thù uất hận". Qua đó, toát lên ý chí kiên cường của người chiến sỹ cách mạng, tình yêu quê hương đất nước và niềm tin vào Đảng kính yêu, Bác Hồ vĩ đại.
Tháng 3/1970, Tăng Đình Thích được trao trả tù binh theo Hiệp định Pari. Ông phục viên về quê xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu với tỷ lệ thương tật 71%, thương binh 2/4, ông Thích mang theo các loại nhạc cụ tặng cho Bảo tàng cách mạng Việt Nam, chỉ giữ lại cái đàn nhị để làm kỷ niệm. Hiện tại, ông là hội viên Câu lạc bộ thơ xã Diễn Đồng, Chủ tịch Hội CSCM bị địch bắt tù đày huyện Diễn Châu. 
Lê Hoài Thung

Tin mới