Chợ Vinh - mặc dân với rác?

(Baonghean) Có mặt tại chợ Vinh - chợ đầu mối lớn nhất trên địa bàn tỉnh, ngoài đình chính và 2 đình phụ là khá đảm bảo vệ sinh môi trường, còn chợ ngoài thì... ngập rác suốt dọc đường Hồng Sơn đến khu vực chợ rau, gà, thịt, cá, lươn... Người bán thì ngồi trên... rác, người mua cũng lội trên... rác và nước thải, trông thật, bẩn thỉu.

Khi thấy chúng tôi đưa máy ảnh ra chụp, mặc dù không biết chúng tôi là ai, làm việc gì, nhưng các chị tiểu thương dường như không thể kìm chế được bức xúc, mỗi người một câu, phản ánh rằng: Ban Quản lý chợ Vinh chỉ biết thu tiền chợ của dân, bình quân mỗi sạp hàng là 5 - 10 nghìn đồng/ngày và đang mặc dân với ... ô nhiễm.

Chợ Vinh - mặc dân với rác? ảnh 1

                        Rác thải tràn lan ở khu bán hàng thực phẩm

Ở khu vựcphía Tây chợ và dọc đường Hồng Sơn hàng ngày diễn ra 2 phiên chính, đáng lẽ sau mỗi phiên chợ thu gom, vận chuyển một lần thì Ban Quản lý chỉ thu gom có 1 lần vào ban đêm, lại không dọn sạch, dẫn đến rác ứ đọng cả ngày trong chợ. Thêm vào đó, việc bố trí hàng lươn ngay ở phía đầu trên chợ, dẫn đến nước thải việc làm lươn cộng với nước thải từ khu vực vệ sinh chảy lênh láng trên mặt đường. Chị Nguyễn Thị Nga, ở khối Cộng Hòa, phường Vinh Tân hàng ngày đi chợ Vinh đã rất bức xúc: "Ngày nắng cũng như ngày mưa, chợ đều rất bẩn. Nhiều người mua thực phẩm hàng ngày ở chợ này như tôi đều phải sắm đôi dép "sục" hoặc đi ủng để đi chợ hàng ngày".


Trao đổi với ông Hoàng Văn Thái - Phó ban Quản lý chợ Vinh, ông Thái thừa nhận, sự bất cập trong việc bố trí hàng lươn và cho biết: chợ Vinh đang trong quá trình mở rộng chợ phía Tây, khi hoàn thành mới quy hoạch lại khu vực kinh doanh thực phẩm hợp lý hơn, trong đó có hàng lươn. Ông Thái cũng cho hay: Ở khu vực chợ rau hễ cứ mưa xuống là rác thải sinh hoạt từ khối 1, khối 2, phường Hồng Sơn và từ phường Quang Trung tràn đến. Hàng ngày, chợ Vinh có 2 đội quản lý trật tự trị an, phòng cháy, chữa cháy, đội hoạt động vào ban ngày, đội hoạt động vào ban đêm để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo công tác an ninh trật tự, vừa giám sát công tác vệ sinh môi trường trong khu vực chợ. Nếu hàng ngày Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Nghệ An - đơn vị hợp đồng làm vệ sinh với Ban Quản lý chợ làm vệ sinh không đảm bảo thì Ban sẽ không ký xác nhận. Ông Thái cho rằng ý thức của người dân còn kém trong việc bảo vệ môi trường chung...

Tuy nhiên, qua quan sát của chúng tôi, rác thải ứ đọng đều là những rác thải từ rau, củ, quả thối, hư hỏng, các vật dụng vận chuyển hàng hóa chứ không phải rác sinh hoạt từ phường Hồng Sơn và Quang Trung đổ về. Mặt khác, khi chúng tôi hỏi tại sao chợ Vinh không xây dựng những ô chứa rác tập trung để thu gom rác từng buổi trước khi Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Nghệ An vận chuyển, xử lý, mà đang để các hộ kinh doanh quét dồn lại ngay giữa lối đi hoặc dồn ở một góc, ông Thái trả lời: Đợt trước có xây 10 ô chứa rác ở khu vực chợ rau và kinh doanh thực phẩm tươi sống. Chúng tôi hỏi sao chúng tôi không thấy ô chứa rác nào cả, ông Thái chỉ... im lặng. Ông Thái cũng khẳng định, việc bảo đảm vệ sinh trên trục đường Hồng Sơn không thuộc trách nhiệm của Ban quản lý chợ, nhưng điều chúng tôi cũng như các tiểu thương thắc mắc là tại sao Ban quản lý chợ lại vẫn thu tiền chợ - khu vực diễn ra hoạt động kinh doanh chính về thực phẩm tươi sống suốt cả phiên chợ chiều từ 3h đến 6h tối ở chợ Vinh...

Tin mới