“Chưa có sách nào nói, cúng ông Công ông Táo phải trước 12h trưa”

GS.TS Ngô Đức Thịnh – GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam luận giải về Tết ông Công, ông Táo của người Việt.

Theo phong tục của người Việt thì mỗi nhà đều có một đầu bếp Táo quân chăm lo việc bếp núc và ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo quân lên thiên đình báo cáo về những việc làm của mỗi gia đình trong một năm.

Với ý nghĩa như vậy nên đến ngày 23 tháng chạp, gia đình nào cũng cố gắng sửa soạn, bày biện để mâm lễ được trang trọng nhất. Tuy nhiên, thực tế là không phải ai cũng hiểu đầy đủ về ngày lễ này cũng như cách thức chuẩn bị sao cho đúng. Cuộc trò chuyện giữa phóng viên với GS.TS Ngô Đức Thịnh – GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam là những tham khảo hữu ích.

“Chưa có sách nào nói, cúng ông Công ông Táo phải trước 12h trưa” ảnh 1
GS.TS Ngô Đức Thịnh – GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam

Pv: Thưa GS.TS Ngô Đức Thịnh, ông có thể nói về ý nghĩa của ngày Tết ông Công, ông Táo đối với đời sống tâm linh của người dân Việt Nam?

GS-TS Ngô Đức Thịnh: Đối với người Việt, Tết ông Công, ông Táo là một tết riêng lẻ nhưng thực ra nó mở đầu cho Tết Nguyên đán. Theo quan điểm của người Việt và người Trung Quốc, mỗi gia đình đều có một ông Công, ông Táo và đến ngày 23 tháng Chạp, ông lại về trời để báo cáo với thiên đình về những việc mà gia đình đó làm được trong năm qua. Mà ông Công, ông Táo lại thường ở trong bếp- nơi mà không có gì có thể bí mật. Gia đình đó tốt xấu thế nào, hòa thuận hay không hòa thuận… ông Công, ông Táo đều biết cả.

Văn hóa, tín ngưỡng dân gian nó hay ở chỗ đó. Dù có hay không có ông Công, ông Táo nhưng cái chính là ý nghĩa giáo dục của nó. Mọi người sống như thế nào để cuối năm, khi ông Công ông Táo về chầu trời, sẽ nói những điều tốt đẹp về gia đình đó. Và như thế, ông quan thần linh thổ địa sẽ phù hộ cho gia đình. Đó là ý nghĩa giáo dục quan trọng của Tết ông Công, ông Táo. Dùng tín ngưỡng để giáo dục.

Pv: Nhiều người cho rằng, phải cúng ông Công ông Táo trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Điều này có đúng hay không? Ông có thể lý giải rõ hơn về điều này?

GS-TS Ngô Đức Thịnh: Tôi chưa thấy có sách nào nói về điều đó nhưng qua quan sát thực tiễn, tôi thấy không nhất thiết phải như vậy. Có người cúng buổi sáng, có người cúng buổi chiều, có người cúng hôm trước. Tuy nhiên, nếu cúng vào đúng ngày 23 tháng chạp thì vẫn hay hơn, quan trọng nhất vẫn là lòng thành.  

Pv: Vậy, những đồ lễ nào là không thể thiếu trong mâm lễ cúng ngày 23 tháng chạp?

GS-TS Ngô Đức Thịnh: Tất nhiên, những đồ lễ mà các gia đình đều sắm cho ông Công, ông Táo là mũ, hia, tiền vàng…Có gia đình cúng cá chép, làm mâm cỗ, xôi gà…Nhìn chung thì các gia đình đều sắm lễ như vậy cả. Có thể thiếu cái này, thay bằng cái kia nhưng quan trọng nhất vẫn là thành kính, không phải làm cho nó có lệ. Đâu phải cứ lễ to theo kiểu chơi trội là mang lại phúc đức, may mắn cho mình. Lòng thành là quan trọng nhất. Các cụ ta đã nói “lòng thành thắp một nén nhang cơ mà”.

Pv: Hiện nay thì nhiều gia đình thay vì cúng cá chép sống thì cúng cá chép giấy, ông thấy điều này như thế nào?

GS-TS Ngô Đức Thịnh: Theo tôi cũng được. Việc cúng cá chép sống có ý nghĩa phóng sinh theo quan điểm của Phật giáo bởi vì Phật giáo khuyến khích việc ăn chay, không giết động vật, lấy phúc đức cho sau này. Cho nên, không chỉ có ngày 23 tháng Chạp mà trong cả năm, trong nhiều nghi lễ của Phật giáo hay có nghi lễ phóng sinh như thả chim, thả cá… Tất nhiên, Tết ông Công ông Táo cũng có thể cúng cá chép giấy với ý nghĩa làm phương tiện để ông cưỡi về trời. Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là lòng thành, mình làm một cách nghiêm chỉnh.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông?

 

Tin mới