Chuyện dàn trợ lý 'khủng' và những bước vươn tầm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Mới đây, báo chí loan tin khiến nhiều người bất ngờ về đội ngũ trợ lý đông tới 16 người của Huấn luyện viên trưởng U23 Việt Nam và Đội tuyển, ông P.Troussier.

Trước đó, ông Park Hang-seo cũng luôn sử dụng đội ngũ trợ lý “khủng” với 15 người cho 2 đội tuyển cùng lúc. Tất nhiên, đó đều là “những chuyên gia ở trong và ngoài nước, có lòng yêu nghề và có khả năng đóng góp nhiều nhất cho các đội tuyển”. Câu chuyện bàn sau đây, lại ở một hướng khác mà có thể lâu nay ít người quan tâm, hay ít nhất là mong mỏi...

Ông P.Troussier có đội ngũ trợ lý đông tới 16 người. Ảnh tư liệu

Ông P.Troussier có đội ngũ trợ lý đông tới 16 người. Ảnh tư liệu

Hãy bắt đầu từ chính “trợ lý” Park Hang-seo của Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Hàn Quốc ở World Cup 2002, ông Guud Hiddink. Bấy giờ, bóng đá Hàn đã mời vị huấn luyện viên tài ba nhất nhì thế giới này để dẫn dắt đội tuyển khi thi đấu World Cup tại châu Á và đã đưa đội bóng này lần đầu tiên lọt tới bán kết giải đấu, sau đó đoạt hạng tư khi về đích. Đó là thứ hạng cao nhất nền bóng đá tiên tiến này có được từ trước đến nay.

Ông Park Hang-seo từng thổ lộ về người thầy mà ông từng “học việc”: “Ông ấy đã cho tôi biết được cuộc đời của một huấn luyện viên là như thế nào. Thời gian làm trợ lý là khoảng thời gian rất quan trọng với tôi. Tôi đã học được từ ông ấy cách tổ chức công việc, lên kế hoạch và xử lý các tình huống. Khi làm việc với ông, tôi ghi nhật ký hàng ngày. Tôi ghi lại những lời ông ấy dặn, cách ông ấy làm việc. Với những dữ liệu lưu trữ đó, sau khi làm huấn luyện viên, mỗi tình huống xảy ra tôi đều lấy nhật ký để xem. Quyển nhật ký rất có giá trị tham khảo đối với tôi…”.

Đặc biệt, lời khuyên chân thành của ông Guud Hiddink khi ông Park Hang-seo làm việc tại Việt Nam “...đừng cố gắng đào tạo một cầu thủ nào đó vì thời gian không bao giờ cho phép. Anh chỉ cố gắng tận dụng tối đa tài nguyên mà anh đang có…” đã được ông thầy Hàn Quốc vận dụng triệt để và mang đến thành công rực rỡ trong 5 năm qua như mọi người đã biết.

Ví dụ tiêu biểu thứ hai là “trợ lý” Arteta của ông Pep Guardiola tại đội bóng lừng danh Manchester City, người sau đó “nắm” Arsenal và hiện đang vượt trước đội bóng của ông thầy ở mùa giải 2022-2023 trên bảng tổng sắp Premier League. Được biết, khi về làm trợ lý tại đội bóng nửa xanh thành London, Arteta chỉ là người làm nhiệm vụ kết nối với các thành viên mới, rồi dần dà được lên kế hoạch cho các trận đấu, đưa ra các quyết định khi bóng vẫn lăn trên sân, rồi đến cả quá trình tham gia định hướng tương lai phát triển của câu lạc bộ.

Cái chính là Arteta luôn cho thấy khả năng học hỏi từ người thầy đi trước, với “tham vọng, khát khao và đặt trọn đam mê vào mọi thứ liên quan đến bóng đá và những con tính chiến thuật” như cách nói của Xavi, một học trò khác của Pep đang cầm lái thành công mùa này ở Barcelona-Tây Ban Nha. Trong khi đó, học trò Company thì học thầy Pep bằng cách ghi chép toàn bộ những gì học được ngay từ khi còn thi đấu để áp dụng sau này. Đó là “phương pháp, quy trình, tính cách, tâm lý, các mảng miếng chiến thuật và vô vàn những điều khác” như chính lời Pep Guardiola. Ông thầy này, như lời Company, “luôn nhìn mỗi trận đấu theo cách khác để tạo ra phong cách riêng. Rồi từ đó, đội bóng sẽ tự tìm được bản sắc riêng cho mình một cách phù hợp và tốt nhất”...

Chúng ta từ đó thử đánh giá, liên hệ với quá trình mời thầy ngoại giỏi về dẫn dắt các đội tuyển và quá trình “đóng góp cho các đội tuyển” và các câu lạc bộ ở Việt Nam của các trợ lý đã diễn ra khi đó cũng như khi họ ra “ở riêng” liệu đã đạt tới tầm mức nào đáng nói? Rõ ràng, kể từ thời các ông thầy Weigang, Dido, Riedl, Calistore, Miura rồi Park Hang-seo và nay là P. Troussier, có rất nhiều trợ lý đã âm thầm học hỏi kinh nghiệm của các ông thầy và áp dụng vào công việc được giao, dù thành công đạt được còn rất khiêm tốn so với yêu cầu.

Mong sao, ít nhất dàn trợ lý khủng từ thời ông Park Hang-seo và nay là ông Troussier sẽ học chính tấm gương của “trợ lý” Park Hang-seo, các “trợ lý” Arteta, Savi hay Company để trưởng thành, tự lập, tự vươn lên làm chủ công việc, để từ “học trò” vươn lên “làm thầy” khi thời cơ, vận hội đến.

Tin mới