Chuyện không riêng của Kiatisuk...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Với việc ông Polking lần thứ 3 lỡ hẹn với chiếc ghế huấn luyện viên trưởng Công an Hà Nội, dư luận đang đồn đoán và thậm chí tin vào việc “Zico Thái” Kiatisuk sẽ được thế chỗ như một sự thay đổi môi trường.

Vậy là V-League 2023-2024 mới trải qua 8 vòng đấu mà hiện đã có những sự thay đổi đáng chú ý, nhất là với các huấn luyện viên ngoại. Ở Hà Nội FC, ông Lazovic đã rời đi sau màn thể hiện kém cỏi của đội bóng Thủ đô ở AFC Champions League.

anh1-1655262895698-6727.jpg
HLV Gong Oh-kyun bên trái. Ảnh: CAND

Ở Thể Công Viettel, ông thầy người Mỹ Dooley cũng chỉ cầm quân 2 trận rồi nhanh chóng bất bãi. Ở chính Công an Hà Nội, cựu huấn luyện viên trưởng U23 Việt Nam Gong Oh-kyun chỉ tại vị được 4 vòng đấu và ra đi không kèn, không trống…Và đến lượt Kiatisuk, chuyển từ đội bóng bết bát bậc nhất V-League vài ba mùa gần đây là Hoàng Anh Gia Lai sang đội đỡ bết bát hơn là… đương kim vô địch Công an Hà Nội, thực sự cũng thể hiện sự bất lực của ông, dù tài năng với tư cách cầu thủ lẫn huấn luyện viên của ông là không cần bàn cãi.

Rõ ràng, chiếc ghế huấn luyện viên trưởng của nhiều đội bóng ở V-League đã và đang “nóng” hơn bao giờ hết. Đáng chú ý là các huấn luyện viên ngoại phần lớn đã không “trụ” lại lâu, ngoại trừ ông Popov ở Đông Á Thanh Hóa. Nguyên nhân được cho là các ông thầy ngoại đã không am tường “văn hóa bóng đá” ở V-League, không kiểm soát được phòng thay đồ, không có “cánh tay nối dài” từ ban huấn luyện tới từng cầu thủ…

Việc ông Gong Oh-kyun từng thể hiện rất tốt ở U23 Việt Nam, nhưng khi về Công an Hà Nội thì xới tung đội hình, không quan tâm quá khứ, vai vế, thành tích của từng người mà chỉ quan tâm kết quả trên sân tập rồi bố trí sắp xếp đội hình mới lạ, tréo ngoe… khiến cho thành tích của đội đương kim vô địch chỉ hòa và thua mà thôi. Ông Dooley ở Thể Công Viettel không lạ lẫm gì mọi việc ở đội bóng, nhưng có vẻ như sự xuống sức đồng loạt của các ngôi sao đã khiến cho đội bóng trở nên yếu ớt, thảm hại… Đến như Kiatisuk mà còn bị chê “hiền lành” quá, để rồi chỉ một sự bổ sung là ông Vũ Tiến Thành đã khiến cho Hoàng Anh Gia Lai có một trận thắng để đời 2-0 trước Hà Nội FC… Tất cả đều cho thấy ở V-League, sức mạnh thực sự của một đội bóng được phát huy hay không là cả một câu chuyện dài, rất khó lý giải.

Đáng chú ý là trong khi các ông thầy ngoại đình đám đang không giành được chỗ đứng vững vàng thì các ông thầy nội lại đang dần chứng minh tài cầm quân của mình ở các mức độ khác nhau. Đáng nói nhất là Vũ Hồng Việt ở Thép Xanh Nam Định, Bùi Đoàn Quang Huy ở Quy Nhơn Bình Định, Chu Đình Nghiêm ở Hải Phòng, Lê Huỳnh Đức ở Bình Dương… Bảng xếp hạng tạm thời của các đội bóng nói trên có công của các ông thầy nội, trong đó tất nhiên phải kể đến việc biết cách khai thác tài năng của các chân sút ngoại, các trụ cột nội binh và nhiều nguyên do khác. Đó có thể là lý do cho việc Thể Công Vietel sau khi “loại” thầy ngoại đã lại đưa về ông thầy nội Đức Thắng, vốn là người cũ của đội bóng áo lính. Chưa kể câu chuyện dù đang khó khăn nhưng Sông Lam Nghệ An vẫn đang tin cậy Phan Như Thuật, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tin vào công cuộc vượt khó do Nguyễn Thành Công dẫn đầu, Quảng Nam luôn đặt niềm tin đối với Văn Sỹ Sơn, Khánh Hòa làm lại với sức trẻ từ Trọng Bình…

Tất nhiên V-League còn cả một chặng dài và không thể nói ai chắc chân, còn ai lung lay. Với từng đội bóng khác nhau từ lực lượng, kinh phí, tham vọng… sự phù hợp trong vài trò cầm quân sẽ khác nhau và không thể có một mô hình chung cho tất cả. Ở V-League các huấn luyện viên ngoại thành công là con số ít, có thể kể Calistore, Popov… nhưng điều đó không nói lên rằng, họ không phù hợp hay không cần thiết. Ai cũng biết ở đội tuyển quốc gia là một câu chuyện khác, lớn lao hơn và bóng đá Việt đã thành công, đi lên với nhiều ông thầy ngoại. Trong quá trình đi lên, nâng tầm từ câu lạc bộ đến đội tuyển quốc gia, rõ ràng, kinh nghiệm, tài năng của các ông thầy ngoại là cần thiết, như cách các ông Park Hang-seo, Calistore... từng làm tốt.

Với riêng Kiatisuk, ông từng là “đối thủ” lớn nhưng cũng là người góp công lớn ở Hoàng Anh Gia Lai, là người am tường và gắn bó với bóng đá Việt lâu nay. Thành công và chưa thành công của Kiatisuk ở cấp câu lạc bộ hay đội tuyển quốc gia là điều có thể hiểu được, thông cảm và chia sẻ được. Hy vọng trong bước thay đổi nếu có sắp tới, Kiatisuk sẽ làm được những việc lớn cho đội bóng mới và đó là thắng lợi không chỉ của riêng ông.

Tin mới